AUKUS ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển hạm đội tàu chiến của Mỹ

Trong một báo cáo mới đây, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) đánh giá kế hoạch phát triển hạm đội tàu chiến của hải quân nước này chịu tác động bởi thỏa thuận cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp ước đối tác an ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS).

Theo CBO, hằng năm, theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ, hải quân Mỹ phải gửi kế hoạch phát triển hạm đội tàu chiến của lực lượng này trong vòng 30 năm tiếp theo. Tương tự như kế hoạch từng gửi năm ngoái, năm nay, hải quân Mỹ cũng đưa ra 3 phương án phát triển hạm đội tàu chiến trong 3 thập niên tới. Theo đó, so với con số 290 chiếc như hiện nay, đến năm 2053, hải quân Mỹ sẽ sở hữu tổng cộng 319 tàu theo phương án thứ nhất, 328 tàu theo phương án thứ hai và 367 tàu theo phương án thứ ba.

CBO cho biết, một trong 2 trụ cột của AUKUS-vốn được thiết lập từ tháng 9-2021-là Mỹ và Anh hỗ trợ Australia chế tạo tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN). Tuy nhiên, vì Australia có thể phải mất nhiều thập niên mới tự chế tạo được SSN nên tạm thời, Washington sẽ bán một số lượng giới hạn SSN lớp Virginia cho Canberra. Mặc dù thông báo chi tiết, bao gồm giá cả và thời điểm bàn giao, chưa được xác định, song một số quan chức Chính phủ Australia và Mỹ cho rằng các SSN lớp Virginia đầu tiên sẽ được bàn giao vào đầu thập niên 2030. Số lượng giới hạn nói trên, nếu ít thì là 3 chiếc, còn nhiều là 5 chiếc (gồm cả tàu mới lẫn tàu đã qua sử dụng).

Theo CBO, hải quân Mỹ thông báo có kế hoạch mua bổ sung các SSN lớp Virginia trong thập niên 2030 để thay thế những chiếc bán cho Australia trong khuôn khổ AUKUS. Muốn thay thế 3 đến 5 chiếc nói trên, tùy thuộc vào phương án nào mà hải quân Mỹ lựa chọn trong kế hoạch phát triển hạm đội tàu chiến gửi Đồi Capitol, đòi hỏi ngành công nghiệp đóng tàu ngầm của nước này phải có tốc độ sản xuất trung bình đạt 1,9 đến 2,6 SSN/năm.

Tàu ngầm lớp Virginia USS North Dakota của hải quân Mỹ. Ảnh: defense.gov

Thế nhưng CBO đánh giá, ngành công nghiệp đóng tàu ngầm của Mỹ đang phải chật vật đáp ứng nhu cầu của hải quân. Từ năm 2011, Quốc hội Mỹ đã đồng ý và phân bổ ngân sách để hải quân nước này mua 2 SSN lớp Virginia/năm, đồng thời bắt đầu chương trình đóng 12 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Columbia. Trong năm 2021, hải quân Mỹ đã đặt hàng chiếc tàu ngầm lớp Columbia đầu tiên, có kế hoạch đặt mua chiếc thứ hai trong năm 2024 và dự kiến sẽ mua những chiếc còn lại với tốc độ một chiếc mỗi năm từ năm 2026 đến 2035. Hiện tại, cùng với việc bắt đầu chế tạo SSBN lớp Columbia, tốc độ sản xuất của ngành công nghiệp đóng tàu ngầm Mỹ là chưa tới 1,5 SSN/năm.

"Trong vài năm qua, thời gian từ lúc phân bổ ngân sách mua SSN cho đến khi bàn giao đã tăng từ 6 năm (thời điểm mà tốc độ sản xuất là 1 SSN/năm) lên 9 năm. Do đó, sẽ rất khó khăn và tốn kém để ngành công nghiệp đóng tàu ngầm Mỹ tăng năng lực sản xuất vào giai đoạn mà phải đồng thời bảo đảm đóng 1 tàu lớp Columbia/năm (các SSBN lớp Columbia có kích thước gấp 2,5 lần các SSN lớp Virginia). Ngoài ra, các SSBN lớp Columbia lại là ưu tiên mua sắm cao nhất của hải quân Mỹ. Do đó, việc bán các SSN cho Australia sẽ làm giảm số lượng tàu ngầm tấn công sẵn có với hải quân Mỹ", CBO nhấn mạnh.

Trên cơ sở kế hoạch phát triển hạm đội tàu chiến mới nhất của hải quân Mỹ, CBO đưa ra 3 kịch bản mà AUKUS ảnh hưởng tới số lượng SSN của lực lượng này trong tương lai. Theo kịch bản 1 và 2, hải quân Mỹ sẽ không mua bổ sung các SSN lớp Virginia để thay thế những chiếc bán cho Australia. Với kịch bản 1, Mỹ sẽ bán 3 SSN lớp Virginia (gồm 2 tàu cũ và 1 tàu mới) cho Australia vào thập niên 2030. Với kịch bản 2, Mỹ sẽ bán 5 SSN lớp Virginia (gồm 2 tàu cũ và 3 tàu mới) cho Australia trong giai đoạn tài khóa 2032-2044. Với hai kịch bản này, hải quân Mỹ sẽ thiếu 3-5 SSN trong "phần lớn giai đoạn 2033-2053". Theo kịch bản 3, Mỹ sẽ bán 5 SSN lớp Virginia cho Australia (gồm 2 tàu cũ và 3 tàu mới) nhưng hải quân Mỹ sẽ mua bổ sung 4 chiếc trong thập niên 2030 để thay thế (khi tốc độ sản xuất của ngành công nghiệp đóng tàu ngầm Mỹ tăng lên 2 SSN/năm trong thập niên này). Với kịch bản 3, hải quân Mỹ vẫn sẽ thiếu SSN trong giai đoạn 2032-2052.

Theo trang mạng USNI News, cựu Tham mưu trưởng hải quân Mỹ Mike Gilday từng cho rằng ngành công nghiệp đóng tàu ngầm của nước này cần phải tăng tốc độ sản xuất lên hơn 2 SSN lớp Virginia/năm nếu Washington muốn bán các tàu loại này cho Canberra. Trang mạng Defense News cho biết, ngành công nghiệp đóng tàu ngầm của Mỹ đã bị thu hẹp tới khoảng 70% khi hải quân Mỹ "nghỉ" mua sắm tàu ngầm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tới năm 1998, ngành này bắt đầu sản xuất trở lại với tốc độ 1 SSN lớp Virginia/năm. Mặc dù hải quân Mỹ đặt mục tiêu mua 2 SSN lớp Virginia/năm từ năm 2011 nhưng ngành công nghiệp đóng tàu ngầm "rõ ràng đã không đáp ứng được".

"Tốc độ sản xuất các tàu ngầm tấn công còn bị chậm hơn khi hải quân Mỹ yêu cầu cần ưu tiên chương trình tàu ngầm lớp Columbia. Đại dịch Covid-19 cùng gián đoạn thị trường lao động sau đó khiến dây chuyền sản xuất tàu ngầm lớp Virginia rơi vào tình thế khó khăn khi không bàn giao được chiếc nào cho hải quân Mỹ trong giai đoạn từ tháng 4-2020 đến tháng 2-2022", trang mạng Defense News nêu rõ.

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/aukus-anh-huong-toi-ke-hoach-phat-trien-ham-doi-tau-chien-cua-my-750769