Âu lo mở đầu thế kỷ

Hai cuộc chiến tranh nóng, một đại dịch cướp đi sinh mạng hàng triệu người và để lại những di chứng lâu dài cho sức khỏe con người cũng như làm đứt gãy nền kinh tế toàn cầu. Và khủng hoảng khí hậu. Thế kỷ (và thiên niên kỷ) đã mở đầu trong âu lo.

Chiến tranh, đại dịch và khủng hoảng khí hậu đầu thế kỷ

Thử tưởng tượng đến năm 2050, tức chỉ còn 26 năm nữa, loài người sẽ ở giữa thế kỷ XXI và từ đó nhìn ngược về 100 năm trước, tức về giữa thế kỷ XX, loài người năm 2050 sẽ nhìn thấy gì, cảm thấy gì? Trăm năm trước tính từ 2050, loài người mới bước ra khỏi Thế chiến thứ hai được năm năm, vẫn còn chưa hết bàng hoàng, đau đớn và ngạc nhiên về sự tàn khốc của cuộc chiến, sự tàn bạo của chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa phát xít, sự xuẩn ngốc của con người. Lúc ấy các quốc gia bị chiến tranh tàn phá vừa nỗ lực tái thiết vừa xây dựng các thiết chế để đảm bảo chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa phát xít và chiến tranh thế giới không thể quay lại một lần nữa.

Ấy thế mà trong nửa còn lại của thế kỷ XX thế giới vẫn chìm đắm trong các lò lửa chiến tranh ở nhiều khu vực khác nhau, với nhiều mức độ khốc liệt khác nhau, dù rằng thế kỷ XX nhìn chung vẫn được coi như là thế kỷ của hai cuộc chiến tranh thế giới xảy ra chỉ trong nửa đầu thế kỷ.

Vào thời điểm bước qua thiên niên kỷ mới và thế kỷ mới, trong khi nhân loại nhìn lại thế kỷ trước với niềm mong ước hòa bình sẽ đến với thế kỷ XXI thì chỉ trong thập niên thứ ba của thế kỷ này, hai cuộc chiến tranh nóng, cực kỳ tàn khốc đã lại nổ ra: cuộc chiến tranh Nga - Ukraine (2.2022) và cuộc chiến Israel - Hamas (10.2023). Và thế giới một lần nữa đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc thế chiến.

Nhưng họa vô đơn chí, khác với các thế kỷ trước đây, nhân loại bây giờ không chỉ tiếp tục trải qua chiến tranh mà còn phải đối mặt với hai thách thức chưa từng có đối với sự tồn vong của chính mình. Đó là thách thức từ đại dịch COVID-19 và từ sự biến đổi khí hậu trên hành tinh. Với đại dịch COVID-19, theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới ghi nhận hơn 765 triệu trường hợp dương tính kể từ khi đại dịch bắt đầu năm 2019, gần 7 triệu người tử vong.

Sự nóng lên toàn cầu từ hiện tượng El Nino đã cộng thêm vào tốc độ nóng lên toàn cầu do hoạt động của con người gây ra. Ảnh: Shutterstock

Tại Việt Nam, người mắc COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại TP.HCM ngày 23.1.2020. Cả nước đã ghi nhận trên 11,6 triệu người mắc COVID-19 và trên 43.000 người tử vong. Riêng TP.HCM trải qua 4 đợt bùng phát dịch, với trên 600.000 người mắc và trên 19.000 người tử vong. Dịch COVID-19 hiện đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đại dịch đã qua đi nhưng để lại nhiều sang chấn thể chất và tâm thần cho con người, những ký ức hoảng loạn và buồn đau cho cả nhân loại và từng quốc gia, từng gia đình, từng cá nhân. Đại dịch cũng để lại sự đứt gãy cho nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế từng quốc gia, từng địa phương, từng doanh nghiệp… Các quốc gia vẫn đang ra sức khắc phục sự đứt gãy này.

Trong khi đó, với cuộc khủng hoảng khí hậu mà các nhà khoa học và những tiếng nói lý trí, có trách nhiệm trên toàn cầu đã gióng lên tiếng chuông báo động từ lâu, mọi nỗ lực đối phó với sự biến đổi khí hậu dường như rất chậm và kém hiệu quả.

Nỗ lực mới nhất của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn/ kéo lùi cuộc khủng hoảng khí hậu là Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai - thủ đô Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), kết thúc hôm 13.12.2023 sau hai tuần họp với gần 200 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tham dự. Sau nhiều giằng co, thương lượng căng thẳng, lần đầu tiên hội nghị đã đi đến một thỏa hiệp là các nước tham gia sẽ dần “chuyển tiếp khỏi” (phase out) các loại nhiên liệu hóa thạch (dầu, than, khí) vốn bị coi là chịu trách nhiệm đến 80% về tình trạng nóng lên của Trái đất, để đạt tới phát thải bằng 0 (net zero) vào năm 2050.

Có người coi đây là một “thỏa thuận lịch sử” vì đây là lần đầu tiên thỏa thuận đề cập đến việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng. Nhưng người khác lại coi thỏa thuận này cũng chỉ là cái vỏ ốc rỗng vì không có tính ràng buộc và không có thời hạn cụ thể cho việc hoàn thành các mục tiêu.

Mối đe dọa “tồn tại hay không tồn tại”

Hội nghị COP28 Dubai 2023 là một tổng kết và là sự kéo dài của COP21 Paris 2015. Ở COP21, các nước ký thỏa thuận cam kết giới hạn sự gia tăng nhiệt độ Trái đất dưới 2oC so với thời tiền công nghiệp và cố gắng để giữ mức tăng nhiệt độ không quá 1,5oC. Nhưng cái yếu của COP21 là không có sự ràng buộc mà tùy vào thiện chí của mỗi quốc gia khiến cho cái mốc nhiệt độ tăng 1,5oC có nguy cơ bị vượt qua, và đó cũng là điểm yếu của COP28 tổ chức 8 năm sau.

Dù sao thì thỏa thuận đạt được một cách khó khăn tại COP28 sau hai tuần thương lượng căng thẳng cũng có thể được xem như một tín hiệu mạnh mẽ gửi tới các nhà đầu tư, các nhà làm chính sách, rằng thế giới đoàn kết trong ước muốn chia tay với năng lượng hóa thạch - điều mà các nhà khoa học cho là hy vọng cuối cùng và tốt nhất để tránh một thảm họa khí hậu.

Cả xã hội đang nóng lên với chuyển đổi số, với sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) cho phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục… Liệu xã hội có nhìn đủ xa để không bị bất ngờ khi tai ương xảy tới do biến đổi khí hậu?

Lịch sử cho tới nay thường chỉ đặt một số quốc gia trước mối đe dọa của chiến tranh và / hoặc dịch bệnh, nhưng ở thiên niên kỷ thứ ba này, cùng với chiến tranh và dịch bệnh, toàn bộ nhân loại còn bị đặt trước mối đe dọa sống còn do biến đổi khí hậu và hậu quả khó lường của nó đối với nhân loại.

Chiến tranh nổ ra rồi đến lúc phải lụi tàn. Dịch bệnh bùng phát dù chết chóc đến đâu rồi cũng đến lúc bị chặn đứng / đẩy lùi, như đại dịch COVID-19. Nhưng biến đổi khí hậu tác động tới toàn bộ Trái đất và, như các nhà khoa học đã chỉ ra, chỉ có thể đẩy lùi tác động của nó khi nhân loại đồng tình, hợp lực ngăn chặn sự nóng lên hơn nữa của Trái đất.

Nhìn lại năm 2023, Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của EU cho biết nhiệt độ tháng 10.2023 đã phá vỡ kỷ lục tháng 10.2019, và trở thành tháng 10 nóng nhất từng được ghi nhận cho tới nay. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra ở những tháng kế tiếp, năm 2023 nhiều khả năng sẽ trở thành năm nóng nhất trong suốt 125.000 năm qua.

Tình trạng nắng nóng kỷ lục nói trên là kết quả của quá trình phát thải khí nhà kính liên tục từ hoạt động của con người kết hợp với hiện tượng thời tiết El Nino. El Nino khiến lớp nước biển bề mặt ở khu vực phía đông Thái Bình Dương nóng lên một cách bất thường. Sự nóng lên toàn cầu từ hiện tượng El Nino đã cộng thêm vào tốc độ nóng lên toàn cầu do hoạt động của con người gây ra.

Năm 2023, do tác động của biến đổi khí hậu, thế giới đã phải chứng kiến trận lũ lụt khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở Libya, đợt nắng nóng nghiêm trọng ở Nam Mỹ và mùa cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử Canada. Từ Afghanistan tới Trung Quốc, băng trên dãy Hy Mã Lạp Sơn cũng đang biến mất, đe dọa gây ra lũ lụt và hạn hán ảnh hưởng tới nhiều tỷ người.

Nói đâu xa, ở Việt Nam, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc từ lâu đã cảnh báo: đến năm 2100 có đến 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long bị ngập và 55% số dân địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự biến đổi khí hậu. Là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, nơi bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước, trung tâm xuất khẩu thủy sản lớn nhất nước, đồng bằng sông Cửu Long với dân số 17 triệu người lại là khu vực bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Biến đổi khí hậu với đồng bằng sông Cửu Long là mối đe dọa “tồn tại hay không tồn tại”.

Cả xã hội đang nóng lên với chuyển đổi số, với sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) cho phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục… Liệu xã hội có nhìn đủ xa để không bị bất ngờ khi tai ương xảy tới do biến đổi khí hậu? Đừng quên rằng từ khá lâu rồi đã có không ít thanh niên miền Tây bỏ ruộng vườn “đi Bình Dương”, tức đi làm công nhân hoặc bất cứ việc gì để mưu sinh vì không còn đất canh tác hoặc đất bị mặn xâm nhập khiến không thể canh tác.

Đoàn Khắc Xuyên

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/au-lo-mo-dau-the-ky-42474.html