ASEAN tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người

Những năm gần đây, các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp với những hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó đoán định. Trong bối cảnh đó, các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đẩy mạnh triển khai hiệu quả, thực chất các chương trình, kế hoạch hợp tác về phòng, chống tội phạm mua bán người trong các cơ chế hợp tác đa phương ASEAN hiện có nhằm đấu tranh với một trong những loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới.

ASEAN đã thông qua Tuyên bố về chống mua bán người (TIP) do lạm dụng công nghệ gây ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 32 tổ chức ở Labuan Bajo, Indonesia, tháng 5/2023. Ảnh: TTXVN

ASEAN đã thông qua Tuyên bố về chống mua bán người (TIP) do lạm dụng công nghệ gây ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 32 tổ chức ở Labuan Bajo, Indonesia, tháng 5/2023. Ảnh: TTXVN

Phát huy mọi nguồn lực tổng hợp

Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) thu thập trong giai đoạn 2016-2020, trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do tác động của các hoạt động khủng bố, xung đột và bạo lực ở nhiều quốc gia. Nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng hơn 500 đường dây mua bán người trên thế giới (152 quốc gia có nạn nhân bị mua bán). Khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (trong đó có Việt Nam) vẫn bị coi là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp.

Sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng, hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói khiến họ dễ rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn người. Do tính chất siêu lợi nhuận của hoạt động mua bán người, các đối tượng phạm tội thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để đối phó với lực lượng thực thi pháp luật và hình thành nhiều đường dây, băng nhóm xuyên quốc gia với quy mô, tính chất ngày càng phức tạp.

Đã xuất hiện nhiều đường dây tội phạm mua bán người với các thủ đoạn tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài và muốn về nước phải trả tiền chuộc; hay như việc lợi dụng kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để cưỡng bức lao động, mua bán người hay chiếm đoạt tài sản...

Thời gian gần đây, tại các nước ASEAN còn nổi lên tình trạng tội phạm sử dụng mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến khác để tiếp cận nạn nhân, đưa họ đến trung tâm lừa đảo liên quan đến cờ bạc trực tuyến, tiền điện tử và cho vay trực tuyến.

Tình hình trên đòi hỏi sự hợp tác không chỉ giữa các nước trong khu vực ASEAN mà rộng hơn nữa là hợp tác đa phương giữa ASEAN với các nước, tổ chức quốc tế ngoài khu vực nhằm phát huy mọi nguồn lực tổng hợp để đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này. Tại các cuộc họp cấp cao của hiệp hội, các nhà lãnh đạo ASEAN đều rất quan tâm đến vấn đề tội phạm buôn người, trong bối cảnh các vụ buôn người xảy ra ngày càng nhiều ở Đông Nam Á với những phương thức lừa đảo sử dụng công nghệ thông tin.

ASEAN đã triển khai nhiều sáng kiến hiệu quả phòng chống mua bán người, như Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP) được các nhà lãnh đạo ASEAN ký kết vào ngày 21/11/2015 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Tính đến năm 2022, đã có 9 quốc gia thành viên ASEAN phê chuẩn ACTIP. Văn bản này cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ và một quyết tâm chung chưa từng có của các quốc gia thành viên trong cuộc đấu tranh chống nạn mua bán người.

Gần đây nhất, tháng 5/2023, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố về chống mua bán người (TIP) do lạm dụng công nghệ gây ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 32 tổ chức ở Labuan Bajo, Indonesia. Theo tuyên bố, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí tăng cường hợp tác và phối hợp phòng, chống tội ác thông qua các cơ chế khu vực và sáng kiến của ASEAN; sử dụng các công cụ công nghệ; chia sẻ những thực tiễn tốt nhất và bài học kinh nghiệm; trao đổi thông tin; tiến hành diễn tập, tác chiến phối hợp; cũng như các cuộc điều tra chung liên quan đến TIP.

Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quản lý biên giới, phòng ngừa, điều tra, thực thi pháp luật, truy tố, bảo vệ, hồi hương và hỗ trợ như phục hồi và tái hòa nhập cho các nạn nhân; và cải thiện các nỗ lực phòng ngừa quốc gia, bao gồm tăng cường các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và hệ thống thanh tra lao động, tăng cường kiểm soát xuyên biên giới và quản lý di cư, đồng thời tăng cường sử dụng công nghệ tiên tiến.

Nhận định về TIP, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết, các nước ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc khi chứng kiến các công dân của mình bị mua bán từ quốc gia thành viên này sang quốc gia thành viên khác và hiệp hội cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn tình trạng ngày. Ông Kao Kim Hourn nhấn mạnh, ASEAN cần giải quyết việc mua bán người như một phần của tội phạm xuyên quốc gia để giải quyết vấn đề này một cách tập thể, hiệu quả hơn.

Giải pháp đột phá, toàn diện

Không đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến chống tội phạm mua bán người, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt thực hiện các giải pháp, ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy thực thi tốt hơn các vấn đề về phòng, chống mua bán người. Là một nước thành viên ASEAN, Việt Nam cam kết tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các khuôn khổ hợp tác của ASEAN nói chung và hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm mua bán người nói riêng.

Bên cạnh Công ước ACTIP, Việt Nam còn là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC), Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung cho Công ước TOC). Việt Nam cũng tham gia Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự - thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư, đồng thời đã ban hành Kế hoạch triển khai thỏa thuận này, với các giải pháp cụ thể và toàn diện nhằm ngăn ngừa nguy cơ mua bán người trong di cư quốc tế.

Trong hợp tác song phương, Việt Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả các hiệp định hợp tác giữa Việt Nam với Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc và Anh về phòng, chống mua bán người, trong đó, duy trì họp thường niên với cơ quan thực hiện hiệp định, phối hợp tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người. Việt Nam cũng đang thực hiện các dự án hợp tác trong khuôn khổ Chương trình ASEAN-ACT do Chính phủ Australia tài trợ.

Ngoài ra, Việt Nam thường xuyên trao đổi về chủ trương, thành tựu của Việt Nam trong phòng chống mua bán người tại Đối thoại nhân quyền với Liên minh châu Âu (EU), Australia... cũng như các buổi làm việc định kỳ với một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội. Nỗ lực cũng như cam kết của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người thời gian qua đã được ASEAN và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ Việt Nam được đánh giá là mang tính đột phá, toàn diện...

Hợp tác trong ASEAN thời gian qua đã thực sự góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quan hệ hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người giữa các nước vẫn chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng hợp tác của mỗi nước.

Trong giai đoạn tới, các nước ASEAN cần tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa các nước trong và ngoài khu vực; nghiên cứu, mở rộng các cơ chế hợp tác song phương với các nước, tổ chức quốc tế khác trên thế giới về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng nhằm tận dụng mọi nguồn lực, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chính phủ, lực lượng cảnh sát các nước trong việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, cung cấp trang thiết bị cho lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm mua bán người; nhằm góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở từng nước nói riêng và đảm bảo môi trường ổn định, hòa bình và phát triển khu vực nói chung.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/asean-tang-cuong-hop-tac-phong-chong-toi-pham-mua-ban-nguoi-post462457.html