ASEAN đối diện 'thiệt hại ngoài dự kiến' từ cuộc chiến Nga – Ukraine

Cuộc chiến Nga – Ukraine đang đe dọa tốc độ hồi phục của các nền kinh tế Đông Nam Á, không trực tiếp thì gián tiếp, thông qua các quan hệ thương mại và đầu tư của châu Âu đối với khu vực này.

Cảng container Cát Lái tại TPHCM. Thương mại với Nga chiếm dưới 1% tổng khối lượng xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng EU chiếm đến 11%. Các tác động dây chuyền của cuộc chiến Ukraine có thể ảnh hưởng đến thương mại và dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam và ASEAN. Ảnh: Reuters

Hơn một tháng sau khi cuộc chiến bùng nổ, các nhà phân tích đã có những đánh giá về tác động của cuộc chiến đối với ASEAN. Họ cảnh báo rằng cuộc xung đột không hồi kết rõ ràng gây tổn hại đến EU và từ đó ảnh hưởng đến bức tranh phát triển của Đông Nam Á trong năm 2022, từ thương mại đến du lịch.

EU suy thoái tác động đến thương mại và FDI vào ASEAN

Báo cáo công bố hôm 15-3 của ngân hàng Maybank ở Malaysia cảnh báo về “thiệt hại ngoài dự kiến” (tạm dịch từ collateral damage) – từ cuộc xung đột và hệ quả của các lệnh trừng phạt từ phương Tây đối với Nga. Báo cáo viết: “Suy thoái ở châu Âu rộng hơn sẽ có tác động lớn hơn đến xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng của ASEAN. Hiện EU chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của ASEAN, và tỷ lệ này là 11% đối với Việt Nam và Philippines”. Maybank cũng nói thêm rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU chiếm 11% tổng vốn đầu tư của ASEAN.

Đối với Singapore, các nhà phân tích Chua Hak Bin và Lee Ju Ye lưu ý rằng EU chiếm 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nội địa ngoài dầu mỏ của trung tâm tài chính này. Họ cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Singapore trong năm nay từ 3,8% xuống 2,8% “do tăng trưởng toàn cầu và EU thấp hơn, giá năng lượng cao hơn và gián đoạn chuỗi cung ứng”.

Tương tự, Morgan Stanley Asia trong tháng này đã hạ dự báo tăng trưởng của Singapore xuống 3,7% từ 4,8%, Thái Lan xuống 3,3% từ 4,3% và Philippines xuống 7% từ 7,5%.

DBS Group Holdings – ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á của Singapore – gần đây đã đưa ra một cảnh báo tương tự về rủi ro suy giảm tăng trưởng đối với ASEAN. “Về thương mại trực tiếp, mối liên kết tổng thể của khu vực với Nga còn hạn chế bởi Nga chỉ chiếm 0,4% xuất khẩu và nhập khẩu của ASEAN. Tỷ trọng của Ukraine còn thấp hơn nữa. Tuy nhiên, thiệt hại kinh tế đối với xuất khẩu của ASEAN có thể đến từ sự suy thoái trên diện rộng của châu Âu, nếu xung đột kéo dài”, báo cáo viết.

Về phía Philippines, DBS nói rằng giá dầu cao hơn có thể làm tổn hại đến “các điều khoản thương mại của nước này khoảng 1,4% GDP danh nghĩa, gây áp lực lên thâm hụt thương mại kỷ lục của nước này và đồng peso”.

Căng thẳng tài khóa gia tăng

Công ty quản lý tài sản Amundi của Pháp trong tháng này đã cảnh báo rằng châu Âu phải đối mặt với rủi ro suy thoái tạm thời có thể xảy ra trong năm nay. “Chúng tôi dự đoán lạm phát của khu vực đồng euro sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm, đặc biệt đối với năng lượng và thực phẩm, ảnh hưởng tiêu cực đến cả nhu cầu và sản xuất. Triển vọng kinh tế xấu đi, với tăng trưởng thấp hơn và lạm phát cao hơn – đặc biệt là ở châu Âu trong ngắn hạn”, báo cáo của Amundi nhấn mạnh.

Các cơ quan khác cũng làm giảm triển vọng tăng trưởng. Hãng xếp hạng tín dụng Fitch trong tháng này đã cắt giảm dự báo GDP thế giới cho năm 2022 xuống còn 3,5%, giảm 0,7 điểm phần trăm, trong đó khu vực đồng euro cắt giảm 1,5 điểm phần trăm xuống còn 3%.

Khi áp lực tăng lên đối với giá năng lượng và thực phẩm, các chuyên gia cho rằng nó sẽ gây tác động xấu đến sự phục hồi kinh tế ASEAN.

Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s cho biết áp lực lạm phát có khả năng gia tăng nhanh hơn ở các nền kinh tế có giá nhiên liệu và điện chiếm tỷ trọng lớn hơn trong giỏ tiêu dùng hoặc nơi nhiên liệu nhập khẩu chiếm ưu thế, chẳng hạn như Lào, Philippines và Việt Nam.

Du lịch và hàng không chật vật

Du lịch cũng là một mối lo khi ASEAN bắt đầu kích hoạt các nỗ lực hồi phục sau hai năm bị tàn phá nặng nề.

Lần lượt, các chính phủ trong khu vực đã giảm bớt các hạn chế nghiêm ngặt để mở cửa biên giới nhằm hồi phục du lịch và hàng không vốn chiếm tỷ trọng không nhỏ trong GDP.Tuy nhiên, chiến tranh có thể đánh tan hy vọng ở một mức độ nào đó.

Maybank lưu ý rằng trước đại dịch, khách châu Âu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số du khách đến Thái Lan, ở mức 17%. Họ cũng chiếm 13% lượng khách đến Indonesia và 11% của Singapore. Nhưng nền kinh tế châu Âu đang xấu đi và áp lực lạm phát có thể làm giảm nhu cầu du lịch nước ngoài của khách.

Maybank cho rằng Nga cũng là một rủi ro trực tiếp đối với triển vọng hồi phục du lịch Thái Lan nói riêng. “Bởi khách Nga xếp thứ ba, chiếm 5,4% trong doanh thu du lịch Thái Lan.

Cuộc chiến cũng là “cú đấm mạnh” vào các điểm du lịch Khánh Hòa và Phú Quốc, vốn là các điểm đến được ưa chuộng của du khách Nga tại Việt Nam – nhà phân tích Nguyễn Khắc Giang ở Đại học Victoria tại Wellington, New Zealand nói với đài DW. Lượng khách Nga đến Khánh Hòa chiếm đến 70% tổng số gần 650.000 khách Nga đến Việt Nam trong năm 2019.

Du khách Nga chỉ chiếm 3,5% trong tổng số 18 triệu lượt khách đến Việt Nam trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, mức chi tiêu của khách Nga có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế địa phương bởi mỗi khách chi đến 1.600 đô la mỗi kỳ nghỉ, trong khi mức chi tiêu trung bình của du khách đến Việt Nam chỉ 900 đô la – ông Giang dẫn dữ liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Các hãng hàng không ASEAN cũng phải cáng đáng chi phí lớn hơn do giá nhiêu liệu gia tăng và phải bay vòng để tránh không phận Nga và Ukraine. Hồi đầu tháng 3, tập đoàn hàng không AirAsia của Malaysia nói sẽ bắt đầu thu phụ phí nhiên liệu trở lại sau khi đã bãi bỏ phí này từ năm 2015. Vài ngày sau, hãng Malaysia Airlines cũng tuyên bố sẽ thu phụ phí nhiên liệu với một số tuyến bay kể từ ngày 23-3 vừa rồi.

Trong khi đó, các chuyên gia tính toán rằng việc điều chỉnh hướng bay sẽ khiến các hãng hàng không trả thêm 8.000-15.000 euro mỗi tiếng bay kéo dài thêm. Như vậy, mỗi khách sẽ trả thêm tối thiểu 100 euro nếu máy bay chở đầy khách 100%.

Nguồn: Nikkei Asia, Bangkok Post, Reuters và DW

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/asean-doi-dien-thiet-hai-ngoai-du-kien-tu-cuoc-chien-nga-ukraine/