ASEAN cam kết gìn giữ và xây dựng hòa bình thế giới

Thực trạng an ninh trên thế giới ngày càng khó đoán định, từ đó, đặt ra thách thức lớn hơn đối với các nỗ lực xây dựng và gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ). Trong bối cảnh đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) luôn cam kết vững chắc đối với các nỗ lực gìn giữ hòa bình và xây dựng hòa bình của LHQ.

Xe thiết giáp cứu thương BTR-152 hoán cải hoạt động ở Bệnh viện dã chiến số 2 của Việt Nam tại Phái bộ LHQ ở miền Nam Sudan. Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam

Thúc đẩy cải cách các hoạt động gìn giữ hòa bình

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres vừa qua đã trình bày chính sách mới nhất của ông với tiêu đề "Chương trình nghị sự mới vì hòa bình". Đáng chú ý trong đó, ông Guterres khẳng định, các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ đã cứu sống hàng triệu người và duy trì các lệnh ngừng bắn tại những “điểm nóng” xung đột khắp thế giới. Dẫu vậy, nhìn nhận thẳng thắn về thực trạng hiện nay, những xung đột kéo dài chưa được giải quyết do các yếu tố phức tạp trong nước, các yếu tố địa chính trị và xuyên quốc gia. Cùng với đó là nguồn lực hiện chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ dẫn tới những hạn chế đối với hoạt động của các phái bộ gìn giữ hòa bình.

“Các hoạt động gìn giữ hòa bình không thể thành công khi không có hòa bình để gìn giữ”, ông Guterres nói và cho biết thêm, các phái bộ của LHQ không thể đạt được các mục tiêu nếu không có những chỉ thị rõ ràng và thực tế từ Hội đồng Bảo an LHQ, tập trung vào các giải pháp chính trị.

Người đứng đầu LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy nhìn lại một cách nghiêm túc và toàn diện về tương lai các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, hướng tới các mô hình linh hoạt, dễ thích nghi với các chiến lược rút phái bộ phù hợp. Đồng thời, ông Guterres lưu ý rằng, các phái bộ gìn giữ hòa bình không phải là lực lượng chống khủng bố và bị giới hạn trong mức độ can dự vào xung đột. Các cuộc xung đột phân mảnh liên quan đến các nhóm vũ trang phi nhà nước, băng nhóm tội phạm, khủng bố và những phần tử cơ hội đã làm tăng nhu cầu đối với các hoạt động đa quốc gia thực thi hòa bình, chống khủng bố và chống nổi dậy. Hiện nay, châu Phi là châu lục có nhu cầu lớn nhất đối với các phái bộ thực thi hòa bình thế hệ mới.

Đầu tuần này, Phiên họp toàn thể lần thứ 92 của Đại hội đồng LHQ khóa 77 cũng nêu bật thực trạng và định hình những giải pháp nâng cao hiệu lực của hoạt động gìn giữ hòa bình. Tại phiên họp, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Csaba Korosi cho hay, thế giới đang chứng kiến ngày càng nhiều xung đột vũ trang với tính chất nghiêm trọng, phức tạp và khó giải quyết hơn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 ở nhiều quốc gia, khu vực.

Thực trạng đang đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các cơ chế của LHQ. Đặc biệt, Hội đồng Bảo an, Ủy ban Xây dựng hòa bình LHQ và các quốc gia thành viên cần tăng cường hợp tác để tìm giải pháp ngăn ngừa xung đột mới, giải quyết hiệu quả xung đột hiện có và duy trì hòa bình, phát triển bền vững trong giai đoạn hậu xung đột.

ASEAN tái khẳng định cam kết

Tại phiên họp trên, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ đã thay mặt ASEAN nêu rõ bản chất của các cuộc xung đột. Theo Đại sứ, bối cảnh hiện nay đã có sự thay đổi và tình hình đã và đang trở nên khó đoán định, từ đó đặt ra thách thức lớn hơn đối với các nỗ lực xây dựng và gìn giữ hòa bình.

Các đại biểu tham dự Đối thoại Biển lần thứ 11. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, ASEAN luôn mong muốn cộng đồng quốc tế có nhiều nỗ lực và cam kết đa phương hơn nữa để giải quyết xung đột thông qua cách tiếp cận toàn diện và có sự phối hợp chặt chẽ. Trong đó, cần tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định. Đại sứ Đặng Hoàng Giang tái khẳng định cam kết vững chắc của ASEAN đối với các nỗ lực gìn giữ hòa bình và xây dựng hòa bình của LHQ. ASEAN sẵn sàng thúc đẩy can dự và hợp tác với các đối tác đối thoại và đối tác ngoài khu vực, kể cả thông qua các cơ chế hiện có do ASEAN dẫn dắt, để thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển, đồng thời tăng cường khả năng tự cường của khu vực trước các thách thức đang nổi lên.

Thay mặt ASEAN, Đại sứ Đặng Hoàng Giang kêu gọi các bên liên quan cùng nỗ lực giải quyết các thách thức về nguồn lực cho xây dựng hòa bình; khuyến khích đảm bảo sự tham gia đầy đủ, công bằng và có ý nghĩa của phụ nữ ở tất cả các cấp độ khác nhau của tiến trình hòa bình.

Riêng với Việt Nam, trong khuôn khổ Hội nghị Mạng lưới các trung tâm gìn giữ hòa bình ASEAN lần thứ 8 diễn ra trong tháng trước, Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, từ tháng 6/2014 đến nay, Việt Nam đã cử 533 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ theo 2 hình thức cá nhân và đơn vị tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở LHQ. Các lực lượng của Việt Nam đã, đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và LHQ cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Với nhiều thành quả đáng khích lệ, Việt Nam luôn được đánh giá là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, từ đó lan tỏa hình ảnh một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, luôn sẵn sàng đóng góp cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình, an ninh và phát triển của LHQ. Với sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu ủng hộ cao gần như tuyệt đối là 192 trên tổng số 193 phiếu.

Các bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được chỉ huy phái bộ đánh giá cao, tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên LHQ tại địa bàn, được các lãnh đạo LHQ dành nhiều sự cảm ơn về sự đóng góp này. Ngoài việc triển khai các bệnh viện dã chiến, các sĩ quan liên lạc tại các phái bộ, tháng 5/2022, Việt Nam đã cử Đội công binh đầu tiên với 184 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và gần 2.000 tấn trang thiết bị sang Phái bộ An ninh lâm thời của LHQ ở khu vực Abyei (UNISFA). Sau gần 1 năm triển khai, chỉ huy phái bộ đánh giá Đội công binh Việt Nam đã góp phần làm thay đổi diện mạo của Phái bộ UNISFA tại Abyei.

Mặt khác, các sĩ quan cá nhân sau khi kết thúc nhiệm kỳ đều được LHQ đánh giá là hoàn thành tốt, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lực lượng Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã được nhận nhiều Bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/asean-cam-ket-gin-giu-va-xay-dung-hoa-binh-the-gioi-post464256.html