ASEAN bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư

Theo giới chuyên gia, xu hướng dịch chuyển lao động trong và ngoài khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ ngày càng gia tăng, đồng hành cùng các bước tiến của quá trình hội nhập, qua đó khẳng định vị thế của ASEAN trên toàn thế giới.

Một trạm “xe ôm” ở trung tâm Thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Thanh Trúc

Gia tăng di cư lao động, thúc đẩy hội nhập

Thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, lao động di cư giữa các quốc gia thành viên ASEAN chiếm tới một phần ba tổng số lao động di cư quốc tế ở khu vực Đông Nam Á. Ước tính có khoảng 20,2 triệu người di cư xuất phát từ các nước ASEAN, trong đó có khoảng 7 triệu người di cư sang các nước khác trong khu vực.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, lao động di cư đem lại lợi ích kinh tế cho nước tiếp cử và phái cử, đáp ứng nhu cầu lao động thiếu hụt, giảm áp lực giải quyết việc làm lên thị trường lao động, chuyển giao công nghệ, tăng cường kỹ năng và tăng trao đổi ngoại tệ. Di cư lao động trở thành một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế khu vực, cũng như mạng lưới an toàn cho các gia đình và cộng đồng phụ thuộc vào thu nhập của người di cư tìm sinh kế bên ngoài đất nước.

Những nỗ lực của ASEAN hướng tới hội nhập khu vực sâu rộng hơn đã góp phần làm gia tăng di cư trong khu vực. Di cư lao động nội khối tăng đều qua các năm, tập trung đến 3 quốc gia trong khu vực, lần lượt là Thái Lan, Malaysia và Singapore; hình thành 5 hành lang lao động di cư: Myanmar đến Thái Lan, Lào đến Thái Lan, Campuchia đến Thái Lan, Malaysia đến Singapore và Indonesia đến Malaysia.

Theo ông Kung Phoak - Phó Tổng thư ký ASEAN (giai đoạn 2018-2021), lao động nhập cư trong khu vực ASEAN mang ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Người lao động di cư lấp đầy khoảng trống về việc làm trong thị trường lao động của các quốc gia và là nguồn kiều hối quan trọng chảy vào các quốc gia. Còn theo Phó Tổng thư ký ASEAN Ekkaphab Phanthavong (giai đoạn 2021-2024), về tổng thể, lao động di cư nội khối giúp giảm nghèo đói, tăng cường cho từng quốc gia trong khu vực.

Năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập (một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN), tạo tiền đề cho việc hình thành một thị trường chung giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN. Theo cơ chế này, bên cạnh dòng hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư, nguồn nhân lực được di chuyển tự do giữa các nước ASEAN là nguồn nhân lực có kỹ năng. Nhằm thúc đẩy việc dịch chuyển lao động giữa các nước thành viên, chính phủ các nước đã đồng ý ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về nghề nghiệp (MRAs) cho phép lao động trong 8 lĩnh vực được di chuyển tự do nội khối, bao gồm: Kiến trúc, kỹ sư, khảo sát, kế toán, điều dưỡng, dịch vụ y tế, dịch vụ nha khoa và du lịch.

Các thành viên ASEAN cũng nhất trí tăng cường phát triển nguồn nhân lực và nâng cao tay nghề lao động trong các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thị thực và làm việc của các chuyên gia ASEAN, cũng như lao động lành nghề. Từ những yếu tố nêu trên có thể thấy, gắn với việc di chuyển hàng hóa, dịch vụ, ASEAN sẽ có một mạng lưới sản xuất thống nhất, thị trường lao động có tính kết nối cao và vận hành thông suốt. Bởi AEC không chỉ là một khu vực thương mại tự do mà tiến đến một cấp độ hội nhập cao hơn, đó là một thị trường chung.

Theo giới chuyên gia ASEAN, một thị trường lao động nói chung và một phân khúc thị trường lao động có trình độ cao, có kỹ năng đã nhanh chóng được hình thành trong AEC. Từ đó tác động tích cực đến sự vận hành thị trường và mạng lưới sản xuất. Nếu các dòng di chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn tạo lợi ích cho các bên tham gia, thì việc di chuyển lao động tạo khả năng mang lại lợi ích cho lực lượng lao động, như tiền lương, việc làm và sự ổn định cuộc sống.

Giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, di chuyển lao động phản ánh trình độ cao của việc mở cửa thị trường, cũng như năng lực quản lý lao động của các quốc gia có liên quan. Bởi khi người lao động di chuyển tự do giữa các quốc gia, bên cạnh việc mang theo kiến thức, kỹ năng, sức lực để sáng tạo giá trị còn mang theo cả phong tục, tập quán, lối sống; do đó, rất dễ gây nên tính phức tạp trong quản lý di cư, cũng như làm phát sinh các vấn đề xã hội. Đồng thời, nguồn nhân lực nhập cư còn gây ra tình trạng căng thẳng về việc làm tại nước tiếp nhận, cũng như tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế.

Vì vậy, việc mở cửa thị trường lao động phản ánh trình độ hội nhập cao hơn so với hội nhập về hàng hóa, dịch vụ hay vốn đầu tư. Điều này cho thấy trình độ cao trong quản lý di cư của cả quốc gia xuất cư và quốc gia nhập cư.

ASEAN sẽ sở hữu lực lượng lao động lớn thứ ba thế giới

Theo dự báo của ILO, đến năm 2030, khoảng 59 triệu người sẽ bổ sung vào lực lượng lao động của ASEAN. Theo đó, ASEAN sẽ sở hữu lực lượng lao động lớn thứ ba thế giới, chiếm 10% lực lượng lao động của toàn thế giới vào năm 2030, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Lao động nước ngoài trên đường phố Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: The Malay Mail Online

ILO chỉ ra rằng, sự dịch chuyển lao động nội khối sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững trong khu vực với những lợi ích không chỉ thuộc về những người lao động, mà còn cho các nước có dòng lao động dịch chuyển tới. Những nước cho phép lao động dịch chuyển ra các nước trong khu vực sẽ nhận được kiều hối và trình độ lao động, mức lương của người dân sẽ không ngừng được nâng cao. Trong khi đó, các nước tiếp nhận lại có thể giải quyết được tình trạng thiếu lao động, thúc đẩy tăng trưởng.

Về lý thuyết, việc tạo thuận lợi cho sự dịch chuyển tự do cho các lao động có tay nghề trong khuôn khổ AEC sẽ dẫn đến lợi ích đáng kể. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, các thỏa thuận hiện tại liên quan đến chính sách di cư chưa giải quyết được những vấn đề diễn ra trong thực tế.

Điển hình như việc dịch chuyển lao động trong khuôn khổ AEC bị giới hạn trong các ngành nghề chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số việc làm của ASEAN. Cùng với đó, việc thực hiện thỏa thuận MRAs vẫn còn nhiều khó khăn, do các quốc gia khác nhau về chương trình giáo dục và cách thức kiểm tra để được thừa nhận về trình độ chuyên môn... AEC muốn thúc đẩy việc di chuyển của những người lao động có tay nghề cao, thì hầu hết lao động nhập cư trong khu vực có tay nghề thấp, thậm chí không có giấy tờ chứng minh nghề nghiệp. Với quy định này, lao động thiếu kỹ năng ít có cơ hội tìm việc làm ở các nước trong khu vực.

Trong khi đó, các nước ASEAN từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của lao động di cư đối với khu vực, nỗ lực hợp tác hướng tới một cộng đồng bao trùm, bền vững và hướng tới tương lai. Ngược lại, dịch chuyển lao động nội khối cũng sẽ tạo áp lực để các nước thành viên hoàn thiện thể chế, điều chỉnh chính sách, quy định, hệ thống đào tạo... trước hết để thích nghi đồng bộ với chính sách về lao động của các nước trong ASEAN.

Theo giới chuyên gia, áp lực về việc làm là động lực để lao động di chuyển nội khối. Đồng thời, khoảng cách địa lý gần nhau giữa các nước ASEAN, mức độ hiểu biết lẫn nhau khá lớn, tính tương đồng khá lớn về văn hóa, tiếp cận thuận lợi cũng là động lực thúc đẩy di chuyển lao động trong ASEAN thời gian tới. Do đó, đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư, các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN và Khung tham chiếu trình độ ASEAN... là một số cam kết chung mà các quốc gia thành viên đang đẩy mạnh hợp tác nhằm hỗ trợ tính di động và sự an toàn cho người lao động.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/asean-bao-ve-va-thuc-day-quyen-cua-nguoi-lao-dong-di-cu-post475739.html