Army Games 2022: Đội tuyển Xe tăng Việt Nam giành vé vào bán kết

Với việc thi đấu xuất sắc, Kíp xe số 3 góp phần đưa Đội tuyển Xe tăng Việt Nam giành tấm vé vào vòng Bán kết nội dung Xe tăng hành tiến tại Army Games 2022

Ở lượt trận thứ 8 của vòng loại Bảng 1, nội dung Xe tăng hành tiến, Kíp số 3 của Đội tuyển Xe tăng Việt Nam bước vào trận với trọng trách nặng nề khi đây là cơ hội cuối cùng để đội tuyển cải thiện thành tích để có thể đi tiếp vào vòng bán kết cũng như trụ hạng ở Bảng 1.

Kíp Xe tăng số 3 của Đội tuyển Xe tăng Việt Nam trong lượt trận thứ 8 gồm: Thiếu tá Phùng Anh Cương (trưởng xe); Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Anh (pháo thủ) và Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Quốc Tuấn (lái xe).

Các thành viên của Kíp xe số 3 Đội tuyển Xe tăng Việt Nam tại Army Games 2022

Sau thời gian thi đấu nỗ lực, Kíp số 3 của Đội tuyển Xe tăng Việt Nam về đích sau 29phút 08giây – bắn hạ 4/5 mục tiêu, đây cũng là thành tích thi đấu tốt nhất của đội tuyển Xe tăng Việt Nam tại giải Xe tăng hành tiến năm nay.

Với thành tích 29phút 08 giây, Kíp Xe tăng số 3 góp phần quan trọng đưa thành tích chung của cả đội đạt 1 giờ 16'38", xếp thứ 8 toàn đoàn, vượt trên đội Kyrgystan 9phút 23 giây.

Thành tích tạm thời của các kíp xe tăng ở Bảng 1, nội dung Xe tăng hành tiến tại Army Games 2022 tính tới lượt đấu cuối cùng đã kết thúc chiều nay 21/08/2022.

Theo những gì đã được thông báo trên bảng điện tử, Đội tuyển Xe tăng Việt Nam đã giành vé vào vòng Bán kết nội dung Xe tăng hành tiến 2022. Nếu kết quả chính thức có thay đổi thì đội Kyrgystan với tổng thời gian tạm tính là 105 phút 31 giây cũng khó mà đảo ngược được tình thế với Việt Nam (96 phút 18 giây).

Tại vòng bán kết, Đội tuyển Xe tăng Việt Nam ngoài việc đối đầu với các đối thủ mạnh hơn thì điều lệ, quy chế thi đấu cũng khó hơn. Đây là vòng đấu "loại trực tiếp", các điều kiện thi đấu cũng đòi hỏi một trình độ cao hơn đối với các kíp đấu so với vòng loại.

Hình ảnh thi đấu của Kíp số 3 Đội tuyển Xe tăng Việt Nam tại Army Games 2022

Cụ thể là trong vòng đấu bán kết và chung kết, các đội sẽ thi đấu theo thể thức "tiếp sức". Nếu như ở vòng loại, mỗi đội có 3 kíp xe tham gia thì 3 kíp này thi đấu riêng rẽ tính thành tích riêng cho từng kíp thì từ vòng bán kết, mỗi đội cử ra 3 kíp thi đấu nhưng cả 3 kíp này cùng thi đấu chung trên 01 chiếc xe tăng.

Mỗi kíp lái sẽ thi đấu 4 vòng trên đường lái với chướng ngại vật tương tự ở vòng loại (trừ vật cản "đường rắn lượn"). Tuy nhiên có một số khác biệt sau:

- Vòng 1: Đua tốc độ có chướng ngại vật nhưng không phải bắn.

- Vòng 2: Trong vòng đua có hành tiến bắn đạn pháo trong khi xe chạy ngang vào 3 mục tiêu Xe tăng ẩn hiện (bia số 12). Số đạn 3 viên. Nếu bắn trượt 1 mục tiêu phải chạy 3 vòng phạt.

- Vòng 3: Trong vòng đua có dừng bắn súng máy 12,7 mm vào các Mục tiêu máy bay trực thăng treo (bia số 25) và Pháo chống tăng (bia số 11) ẩn hiện. Số đạn 20 viên. Thời gian không hạn chế. Nếu bắn trượt 1 mục tiêu phải chạy 2 vòng phạt.

- Vòng 4: Trong vòng đua có dừng bắn súng máy song song vào mục tiêu Súng chống tăng cá nhân (3 bia số 9) ẩn hiện. Số đạn 30 viên, thời gian không hạn chế. Nếu bắn trượt 1 mục tiêu phải chạy 2 vòng phạt.

Với việc hoàn thành tốt các nội dung thi đấu, Kíp xe số 3 của Đội tuyển Xe tăng Việt Nam đã góp phần đưa toàn đội tiến vào bán kết nội dung Xe tăng hành tiến

Sau khi hoàn thành 4 vòng đua, kíp xe sẽ dừng xe tại đích, chạy về tuyến "tiếp sức" để kíp tiếp theo lên thi đấu. Thành tích của cả đội sẽ tính chung bằng tổng thời gian thi đấu của 3 kíp xe. Đội nào thời gian ít hơn sẽ xếp trên.

Tương tự như vòng loại, nếu kíp lái phạm vào bất kỳ lỗi nào như đâm cột, bỏ qua chướng ngại vật hoặc đi sai đường thì đều phải cho xe tăng vào 1 trong 13 khu vực phạt để thực hiện bài "Kiểm tra khí tài".

Nói chung, các bài bắn của vòng bán kết đều khó hơn so với vòng loại nhiều. Trước hết đó là bắn pháo trong điều kiện xe tăng hành tiến. Mặc dù đã có máy ổn định, song nhìn chung, xác suất trúng mục tiêu sẽ giảm đi rất nhiều so với khi tại chỗ bắn.

Đối với súng 12 ly 7 cũng vậy. Khi bắn bia số 25 thì tương tự vòng loại song khi bắn mục tiêu pháo chống tăng (bia số 11) thì khó hơn rất nhiều vì kích thước bia rất nhỏ, lại cắm sát mặt đất nên rất khó cho quan sát phát hiện mục tiêu cũng như ngắm bắn.

Còn khi bắn súng máy đồng trục PKT, việc hiện 3 mục tiêu bia số 9 cùng một lúc song lại ở 3 khoảng cách khác nhau cũng gây rất nhiều khó khăn cho pháo thủ trong việc quan sát phát hiện mục tiêu, bắn và quan sát vết đạn, sửa bắn.

Hi vọng rằng, các chiến sẽ xe tăng của Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thi đấu, thể hiện xuất sắc truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong các trận thi đấu tiếp theo.

Thái Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/army-games-2022-doi-tuyen-xe-tang-viet-nam-gianh-ve-vao-ban-ket-217756.html