Áp trần giá khí đốt: Báo Mỹ nói khủng hoảng năng lượng thêm trầm trọng, ai đang ăn mừng?

Trang Bloomberg cho rằng, biện pháp áp trần giá khí đốt của châu Âu có nguy cơ hạn chế nguồn cung cho khu vực và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng.

EU nhất trí áp trần giá khí đốt ở mức 180 Euro/MWh, áp dụng từ giữa tháng 2/2023. (Nguồn: AP)

Ngày 19/12, Bộ trưởng Năng lượng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một cơ chế tạm thời áp giá trần khí đốt ở mức 180 Euro/MWh, áp dụng từ giữa tháng 2/2023, sau nhiều tháng tranh cãi và các cuộc đàm phán khó khăn. Thỏa thuận này tạo điều kiện cho biện pháp khẩn cấp khác để mua chung khí đốt và tăng cường năng lượng tái tạo.

Biện pháp trên nhằm ngăn chặn các giao dịch trên thị trường khí đốt bán buôn vượt quá một ngưỡng nhất định và do đó ngăn chặn bất kỳ sự tăng giá nào, mà cuối cùng sẽ tác động đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Chia sẻ trong một cuộc họp báo về biện pháp này, bà Kadri Simson, Ủy viên Năng lượng châu Âu nhận định: “Đây là một công cụ để ngăn chặn các đợt tăng giá khí đốt quá mức không phản ánh giá thị trường thế giới. Chúng tôi đã từng chứng kiến giá khí đốt tăng vọt. Chẳng hạn như vào tháng 8 năm nay, giá xăng tăng vọt lên hơn 300 Euro mỗi Megawatt giờ.

Giá khí đốt cao và cực kỳ biến động đang gây tổn hại cho nền kinh tế, các hộ gia đình và doanh nghiệp châu Âu".

Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten cũng vui mừng viết trên Twitter rằng: "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về đề xuất cơ chế điều chỉnh thị trường để bảo vệ người dân và nền kinh tế trước giá năng lượng quá cao.

Ngay từ đầu, EU đã có một mục tiêu chung: kiểm soát giá cả và đảm bảo nguồn cung an toàn. Hôm nay (19/12), chúng tôi đã đạt được mục tiêu này".

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của Goldman Sachs Group, mức giá trần có nguy cơ khiến tình trạng thâm hụt nguồn cung khí đốt của châu Âu trở nên tồi tệ. Điều đó có thể thắt chặt nguồn cung toàn cầu vào năm tới và trong trường hợp xấu nhất, buộc các chính phủ phải phân phối khí đốt. Hơn nữa, mức trần này sẽ gây khó khăn hơn cho các nhà nhập khẩu trong khu vực.

Ông Frank van Doorn, người đứng đầu bộ phận giao dịch tại Vattenfall Energy Trading GmbH nhận định: “Khả năng phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc là một dấu hỏi quan trọng. Mức giá khí đốt trần của châu Âu hiện không ảnh hưởng đến thị trường, nhưng sẽ khiến giao dịch trở nên tốn kém hơn".

Theo trang Bloomberg, trong khi cơ chế này có thể giúp ngăn chặn sự dao động giá khí đốt quá lớn, thì cơ chế này cũng có thể khiến khu vực thiếu nguồn cung và đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ châu Á.

Các nhà nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở châu Âu và châu Á cạnh tranh nguồn cung từ các nhà xuất khẩu giống nhau, chẳng hạn như Mỹ và Qatar.

Bloomberg nhận thấy, có một lợi ích của việc giới hạn giá khí đốt là có thể làm giảm khả năng xảy ra các cuộc tranh giành giá thầu và tăng giá đột biến đối với các lô hàng giao ngay giữa hai khu vực. Giá LNG châu Á theo sát các động thái ở châu Âu và hai thị trường này đã trở nên gắn bó chặt chẽ trong năm qua.

Mức giá trần khí đốt của châu Âu dự kiến có hiệu lực vào tháng 2/2022 nhưng có thể bị rút lại nếu có “tác động bất lợi”. Các nhà hoạch định chính sách nói rằng, mức trần được thiết kế để thu hút các nhà cung cấp toàn cầu. Và giới hạn giá không áp dụng cho giao dịch tự do có thể dẫn đến sự thay đổi lớn từ các sàn giao dịch sang thị trường kém minh bạch hơn cho các hợp đồng được thương lượng riêng.

Bộ trưởng Năng lượng Algeria Mohamed Arkab cũng nhận thấy, việc giới hạn giá “làm mất ổn định thị trường”.

Trong khi đó, Equinor ASA - nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu cho rằng, giá trần không có khả năng ảnh hưởng đến xuất khẩu của nhà sản xuất Na Uy.

Các thương nhân cũng nhấn mạnh, giới hạn giá đang được một số nhà nhập khẩu LNG châu Á ăn mừng.

(theo Bloomberg, CNBC)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ap-tran-gia-khi-dot-bao-my-noi-khung-hoang-nang-luong-them-tram-trong-ai-dang-an-mung-210623.html