Áp thuế nhập khẩu rượu vang quá cao: Australia kiện Trung Quốc lên WTO

Chính phủ Australia hôm nay đã đệ đơn khiếu nại chính thức lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá đối với rượu vang của nước này.

Ngày 19/6, Australia cho biết sẽ nộp đơn khiếu nại lên WTO về mức thuế chống bán phá giá của Trung Quốc đối với rượu vang nhập khẩu từ Australia.

Quyết định đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được Australia đưa ra sau khi "tham vấn toàn diện với các nhà sản xuất rượu vang", chính phủ Australia cho biết trong tuyên bố hôm nay.

 Australia chính thức kiện Trung Quốc lên WTO về vấn đề thuế rượu vang.

Australia chính thức kiện Trung Quốc lên WTO về vấn đề thuế rượu vang.

Trong thông báo, Chính phủ Australia nhấn mạnh quyết định này "nhằm bảo vệ các nhà sản xuất rượu của Australia" và phù hợp với "sự ủng hộ của chính phủ đối với hệ thống thương mại dựa trên quy tắc". Tuy nhiên, Australia bày tỏ "vẫn sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Trung Quốc để giải quyết vấn đề này".

Mối quan hệ thương mại giữa Australia và Trung Quốc ngày càng xấu đi khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới liên tục đưa ra các quyết định áp thuế cao đối với hàng hóa Australia.

Rất nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Australia bị áp thuế quá cao hoặc bị đình chỉ nhập khẩu vào Trung Quốc, như lúa mạch, sợi bông, thịt bò, tôm hùm, rượu vang, gỗ và than đá.

Mới đây nhất, ngày 26/3, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo áp đặt các mức thuế chống bán phá giá dao động từ 116,2% đến 218,4% đối với rượu vang Australia nhập khẩu, có hiệu lực trong 5 năm tới. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rượu vang lớn của Australia.

Tuy nhiên, khối lượng rượu vang xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đã giảm 29% xuống còn 96 triệu lít trong năm ngoái.

Trước đó, tháng 12/2020, Australia đã chính thức khởi kiện Trung Quốc lên WTO về việc áp đặt mức thuế cao hơn 80% đối với mặt hàng lúa mạch xuất khẩu của Australia.

Các quan chức Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cho biết giá trị thương mại của Australia với Trung Quốc tại hầu hết các ngành đã giảm mạnh 40% kể từ khi căng thẳng thương mại gia tăng.

Nhiều quan chức Australia cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế của Trung Quốc mang động cơ chính trị, nhằm trả đũa việc Canberrra chống lại các hoạt động gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh, bao gồm từ chối đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm cũng như kêu gọi điều tra công khai nguồn gốc đại dịch Covid-19.

Hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc ngày 12/6 với việc công bố dự án "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W) nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc.

Thủ tướng Australia cùng lãnh đạo Hàn Quốc, Nam Phi và Ấn Độ tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 theo lời mời của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Tại hội nghị, Morrison tuyên bố sẽ thúc đẩy các quốc gia khác cùng hành động chống lại "các chính sách thương mại hung hăng của Trung Quốc".

Bích Thảo (t/h)

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ap-thue-nhap-khau-ruou-vang-qua-cao-australia-kien-trung-quoc-len-wto-d22027.html