Áp lực tỷ giá tăng, NHNN sẽ có động thái gì?

Chia sẻ về áp lực tỷ giá tăng cao, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ điều hành tỷ giá hết sức linh hoạt, lên xuống cùng xu thế chung nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối ngoại tệ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN

Chiều 3/4, sau phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024.

Tại họp báo, phóng viên Mekong ASEAN đặt câu hỏi: Giá USD đang tiếp tục tăng. Tỷ giá VND/USD cũng đối mặt với áp lực đáng kể từ đầu năm tới nay và Ngân hàng Nhà nước đã khởi động lại hoạt động chào bán tín phiếu. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho biết những dự báo về kịch bản tỷ giá thời gian tới cũng như định hướng điều hành để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

Trả lời Mekong ASEAN, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú điểm lại, tỷ giá năm 2023 đã có những diễn biến sôi động, thậm chí những thời điểm khó khăn, do những tác động chính sách kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến Việt Nam - nền kinh tế có độ mở lớn.

"Trong quý 1/2024, tỷ giá đã nóng hơn. Đây là một trong những vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm, điều hành tập trung," Phó Thống đốc cho biết.

Lý giải về áp lực tỷ giá, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa đưa ra thời điểm cụ thể có thể nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc hạ lãi suất, nên giá trị đồng USD thời gian qua tăng cao, tác động đến đồng tiền của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó.

Thứ hai, lãi suất của Việt Nam giảm rất mạnh trong thời gian qua, tạo nên chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng, gây sức ép khiến đồng USD trở nên nóng hơn.

Thứ ba, trong 3 tháng đầu năm, hoạt động xuất nhập khẩu tích cực, do đó nhu cầu ngoại tệ tăng so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên với điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá vẫn đang đảm bảo được ổn định, đảm bảo được thị trường ngoại tệ thông thoáng cũng như trạng thái ngoại tệ dương với các ngân hàng thương mại và nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho các doanh nghiệp và xuất nhập khẩu.

Đồng thời, tỷ lệ mất giá của VND vẫn thấp so với các nước. Năm 2023, VND mất giá khoảng 2,9% so với USD. Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá VND/USD chỉ tăng 2,6%.

Về định hướng chung, Ngân hàng nhà nước đánh giá, tỷ giá là một những điều hành kinh tế vĩ mô rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền, sức mua của người Việt mà còn ảnh hưởng đến lạm phát, thị trường cũng như niềm tin nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá hết sức linh hoạt, lên xuống cùng xu thế chung nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối ngoại tệ.

"Muốn làm được điều đó phải có các công cụ, ngoài công cụ điều hành chính sách tiền tệ chúng tôi đang thực hiện cũng có những yếu tố rất mong các cơ quan truyền thông đưa tin để tạo niềm tin thị trường và tránh tâm lý găm giữ ngoại tệ. Trên thực tế, lượng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp cần thiết phải can thiệp vẫn đảm bảo được ổn định," Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Ngày 3/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được áp dụng trong ngày ở mức 24.005 VND/USD, tăng 15 đồng so với ngày niêm yết trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.810 VND/USD, tỷ giá trần là 25.221 VND/USD.

Tỷ giá tăng do chịu áp lực lớn từ sức nóng của USD. Chỉ số US Dollar Index (DXY) có thời điểm vượt lên trên ngưỡng 105 điểm, mức cao nhất từ tháng 11/2023. Hiện chỉ số DXY trở lại giao dịch quanh 104,7 điểm, không thay đổi nhiều so với hôm qua.

Trước áp lực tỷ giá những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục chào bán tín phiếu từ ngày 11/3 đến ngày 2/4. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 171.700 tỷ đồng tín phiếu, tất cả đều có kỳ hạn 28 tháng và sẽ bắt đầu đáo hạn từ ngày 8/4 tới.

Việc nhà điều hành liên tục phát hành tín phiếu là nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa trong hệ thống, qua đó thúc đẩy lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, thu hẹp chênh lệch với lãi suất USD, qua đó hạn chế tình trạng đầu cơ USD, hỗ trợ tỷ giá.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã tạm dừng hút tiền trong ngày 2/4 và tiến hành đấu đầu thông qua nghiệp vụ thị trường mở OMO, có một thành viên trúng thầu với giá trị gần 6.000 tỷ đồng, lãi suất 4%/năm, kỳ hạn 7 ngày.

Kiều Chinh - Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ap-luc-ty-gia-tang-nhnn-se-co-dong-thai-gi-post33319.html