Áp lực lạm phát không lớn song không nên chủ quan

Sự 'êm dịu' của giá cả thị trường 6 tháng đầu năm giúp mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 4,5% trở nên đơn giản hơn. Dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, duy trì sự thận trọng vẫn là điều cần thiết.

sao lạm phát giảm mạnh hơn dự báo?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng tăng giá diễn ra tập trung vào các tháng trong dịp tết, đến tháng 3.2023 quay đầu giảm. Đến tháng 6 vừa qua, CPI mới tăng nhẹ trở lại do giá thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Bình quân 6 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung.

Nguồn: ITN

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, sự “êm dịu” của giá cả thị trường 6 tháng đầu năm là do sức mua yếu, trong khi nguồn cung dồi dào. Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm (đầu tư, tiêu dùng) hoặc sụt giảm (xuất khẩu); tăng trưởng cung tiền thấp; lãi suất thực ở mức quá cao nên không khuyến khích đầu tư, không khuyến khích tiêu dùng, dẫn đến tổng cầu yếu.

Các chuyên gia nhận định, trong nửa cuối năm, các điều kiện để kiểm soát lạm phát ở mức thấp là rất thuận lợi bởi những yếu tố như tổng cầu yếu, cung tiền tăng chậm, lãi suất cao. "Nguy cơ suy thoái toàn cầu như "thanh đao" treo lơ lửng trên đầu, khiến giới đầu cơ hàng hóa không dám đầu cơ đẩy giá. Đây là những yếu tố sẽ kiểm soát giá dầu trong thời gian tới, dù chiến tranh Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, khó đoán", TS. Nguyễn Đức Độ nói.

Mục tiêu trong tầm tay

Cụ thể, tại hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023" mới đây, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính dự báo 2 kịch bản lạm phát năm 2023.

Ở kịch bản 1, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm… kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,3 - 7% thì lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3 - 3,5%.

Kịch bản 2, nếu giá dầu thô, nguyên vật liệu ở mức như hiện nay, việc chống lạm phát của các quốc gia tốt hơn, kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng… đưa tăng trưởng đạt 6,7 - 7,3% thì lạm phát cả năm có thể từ 3,5 - 3,8%.

Dù áp lực lạm phát không quá lớn trong 6 tháng còn lại song các chuyên gia kinh tế cho rằng vẫn không nên chủ quan. Bởi lẽ, kinh tế thế giới đang từng bước phục hồi, hoạt động du lịch, dịch vụ và hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng trở lại sẽ đẩy cầu tiêu dùng tăng...

Cùng với đó, chính sách tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ 1.7.2023 cũng sẽ tác động đến tăng thu nhập và tiêu dùng của một bộ phận dân cư qua đó tác động đến hành vi tiêu dùng tăng và tâm lý tăng giá bán hàng hóa là hiện hữu. Chính phủ cho phép các trường công lập tăng học phí hay các cơ sở y tế công lập được tính đầy đủ chi phí vào giá thành dịch vụ cũng sẽ tác động làm tăng giá dịch vụ. Đồng thời, chính sách mới về giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% được thực thi trong tháng tiếp theo sẽ kỳ vọng khuyến khích tiêu dùng của dân cư.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa” của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, bảo đảm ổn định mặt bằng giá cả, nhất là trong thời điểm sau 1.7.2023, khi việc tăng lương cơ sở được thực hiện.

Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP quý II năm 2023 đã tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, là tốc độ tăng thấp trong nhiều năm. Do vậy, rất cần thúc đẩy mức tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp ổn định tâm lý, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý".

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/ap-luc-lam-phat-khong-lon-song-khong-nen-chu-quan-i335399/