Áp lực lạm phát kéo dài, Anh đau đầu về 'sức khỏe' của nền kinh tế

Thị trường tài chính đã phản ứng tiêu cực trước triển vọng kinh tế kém của Anh khi nước này đối mặt với áp lực lạm phát kéo dài trong bối cảnh tiền lương tăng cao và sản lượng kinh tế không tăng kể từ tháng 7/2022.

Các nhà giao dịch trên thị trường tài chính đã bỏ rơi trái phiếu của chính phủ Anh, khiến lãi suất vay kỳ hạn hai năm cao hơn mức kỷ lục tại thời điểm khủng hoảng trong nhiệm kỳ Thủ tướng ngắn ngủi của bà Liz Truss vào năm 2022.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey đã phải đánh giá lại quy trình dự báo của ngân hàng này sau khi thừa nhận "cần nhiều thời gian hơn dự kiến” để giảm lạm phát. Đối mặt với mức lương thực tế trung bình không cao hơn năm 2005 và chi phí thế chấp tăng vọt, các hộ gia đình không hài lòng với tuyên bố từ chính phủ rằng nền kinh tế đã tránh được suy thoái.

Tất cả những điều này đang diễn ra trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào năm tới. Cựu quan chức hàng đầu của Bộ Tài chính Anh Nick Macpherson cho biết, điều này có nghĩa chính phủ sẽ phải đối mặt với các cử tri vào thời điểm lãi suất tăng và những biện pháp kinh tế cần thiết để loại bỏ lạm phát.

Người đứng đầu Viện Peterson ở Washington, ông Adam Posen, thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng so với Mỹ và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Vương quốc Anh đang phải gánh thêm các vấn đề của Brexit (chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu - EU), sự mất uy tín về quản trị kinh tế, di sản của tình trạng thiếu đầu tư vào y tế công cộng và dịch vụ vận tải.

Ông Posen nhận định, đây là những dấu hiệu cho thấy lạm phát ở Anh sẽ cao hơn trong thời gian lâu hơn so với hầu hết các nền kinh tế tiên tiến khác ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Lạm phát cơ bản tại Anh tăng từ 6,2% vào tháng 3/2023 lên 6,8% trong tháng 4/2023, không giống như tỷ lệ ổn định hơn ở Eurozone và Mỹ. (Nguồn: EPA)

Khó chồng khó

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt ngày 12/6 đã bác bỏ các tuyên bố về “suy thoái", nhưng sau đó vài ngày buộc phải giải quyết áp lực lạm phát. Ông cho biết chính phủ hiểu được tác động tới ngân sách của các gia đình và điều tốt nhất ông có thể làm là "hỗ trợ BoE trong nỗ lực giảm lạm phát".

Ông Hunt có thể có lý do để không hài lòng trước phản ứng của thị trường và giới truyền thông bởi không chỉ Anh mà cả Mỹ và Eurozone cũng đối mặt với những khó khăn về kinh tế. Sau khi giữ lãi suất ở mức từ 5-5,25%, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 14/6 thừa nhận lạm phát của nước này vẫn chưa được giải quyết khi đưa ra dấu hiệu rằng ngân hàng trung ương sẽ cần tăng lãi suất thêm hai lần nữa.

Ông Powell cho biết, Fed vẫn cần xem "bằng chứng đáng tin cậy cho thấy lạm phát đang đạt đỉnh và sau đó bắt đầu giảm".

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng cảnh báo, lạm phát sẽ ở mức "rất cao trong thời gian rất lâu" trên toàn Eurozone khi ECB tăng lãi suất lần thứ tám liên tiếp và đưa ra những dự báo mới cho thấy lạm phát sẽ cao hơn và tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến trước đây.

Các vấn đề kinh tế chung vì vậy là phổ biến, song thị trường tài chính đã loại bỏ Vương quốc Anh vì hầu hết tin rằng nước này gặp các vấn đề nghiêm trọng hơn các quốc gia khác.

Số liệu cho thấy lạm phát cơ bản tại Anh tăng từ 6,2% vào tháng 3/2023 lên 6,8% trong tháng 4/2023, không giống như tỷ lệ ổn định hơn ở Eurozone và Mỹ.

Số liệu tiền lương được công bố trong tuần giữa tháng Sáu cho thấy thu nhập trung bình tăng với tốc độ gần kỷ lục 7,2% trong giai đoạn từ tháng 2-4/2023 so với cùng kỳ năm trước.

Giới kinh doanh dự đoán BoE sẽ thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ do tiền lương tăng nhanh không tương thích với mục tiêu lạm phát 2%. Ngày 16/6, lãi suất chính thức của Anh được dự báo ở mức cao nhất, gần 6%, sau khi ở mức thấp 4,5% vào đầu tháng Năm.

Có các quan điểm khác nhau về nguyên nhân khiến tình hình của Anh trở nên tồi tệ và phản ứng của thị trường tài chính mạnh hơn so với hầu hết các nền kinh tế khác, mặc dù tất cả các nền kinh tế gặp cùng một vấn đề.

Một trong số những quan điểm này cho rằng, vấn đề của Anh tệ nhất so với các quốc gia ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Giống như Mỹ, xứ sở sương mù chịu áp lực thiếu lao động do nhu cầu cao, trong khi cũng chịu tác động từ giá năng lượng cao giống như phần còn lại của châu Âu do cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Các thị trường tài chính và nhiều nhà kinh tế cho rằng, cần nhiều lý do hơn để giải thích cho sự tăng trưởng tiền lương nhanh và liên tục cùng triển vọng bi quan khi cú sốc giá năng lượng bắt đầu hạ nhiệt.

Các nhà kinh tế cho biết, phản ứng thái quá của thị trường đối với số liệu công bố trong tuần này một phần là do nghi ngờ ngày càng tăng về quy trình xây dựng mức lương, cách xử lý lạm phát của BoE và việc chính phủ thiếu một chiến lược thuyết phục để thúc đẩy tăng trưởng và năng suất trong dài hạn.

Thống đốc Bailey gần đây buộc phải thừa nhận với Quốc hội rằng các mô hình dự báo của BoE gần đây hoạt động không hiệu quả, buộc các thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ phải phỏng đoán khi đặt lãi suất. Dưới áp lực phải giải thích những sai sót này, BoE đã gấp rút đưa ra thông báo đánh giá lại quy trình dự báo của ngân hàng, thừa nhận mức độ lo ngại về việc truyền đạt các quyết định chính sách của tổ chức.

Ông Simon French, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Panmure Gordon, cho rằng, BoE đã cố gắng tạo dựng được danh tiếng xứng đáng về năng lực trong lĩnh vực này trong những quý gần đây. Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh từ cách dự báo của BoE dựa vào các chính sách của chính phủ được công bố công khai vào thời điểm các chính sách được thừa nhận là thiếu độ tin cậy, và chính phủ có khả năng chi tiêu nhiều hơn hoặc đánh thuế ít hơn.

Thách thức ngày càng nghiêm trọng

Có hai vấn đề sâu xa hơn. Đầu tiên, việc tiền lương tăng nhanh khiến công chúng nghĩ rằng lạm phát sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn và tìm cách bảo vệ lợi ích của mình. Thứ hai, mặc dù đã cố gắng xây dựng lại uy tín với thị trường sau những bất ổn vào mùa Thu năm ngoái, chính phủ của ông Rishi Sunak đã không thuyết phục được các nhà đầu tư rằng họ có thể đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ dài hạn.

Dữ liệu tuần này cho thấy, mặc dù cho đến nay, Anh đã tránh được suy thoái, nhưng sản lượng hiện tại không cao hơn so với tháng 10/2010 trong khi thu nhập của các hộ gia đình không thay đổi kể từ năm 2005. Giám đốc nghiên cứu tại tổ chức Resolution Foundation James Smith cho biết, với số người làm việc nhiều hơn, phần lớn nền kinh tế không tăng trưởng và giảm năng suất,

Bộ trưởng Hunt tuần trước khẳng định cam kết của chính phủ trong việc thúc đẩy năng suất ở cả khu vực công và tư để tránh bẫy tăng trưởng thấp.

Tuy nhiên, báo cáo thương mại được Resolution Foundation công bố ngày 15/6 nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của những thách thức mà Vương quốc Anh phải đối mặt. Theo báo cáo này, các bộ phận có năng suất cao nhất trong lĩnh vực sản xuất của đất nước sẽ suy giảm trừ phi chính phủ xem xét lại các thỏa thuận thương mại với EU một cách triệt để.

Chuyên gia tại công ty tư vấn Oxford Economics Andrew Goodwin cho biết, bất chấp các biện pháp được công bố trong ngân sách tháng Ba của ông Hunt - bao gồm việc mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em do nhà nước tài trợ để tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ đi làm - các nhà đầu tư "vẫn đang chờ đợi một chiến lược nguồn cung đáng tin cậy”.

Theo ông Goodwin, khi không có chiến lược này, như dữ liệu gần đây cho thấy, bất kỳ sự tăng trưởng nào cũng đều gây lạm phát.

Điều này là rõ ràng. Nếu nền kinh tế Anh hầu như không thể tăng trưởng mà không quá nóng, BoE sẽ buộc phải gây nhiều thiệt hại hơn cho các hộ gia đình dưới hình thức mất việc làm và chi phí thế chấp cao hơn để kiểm soát lạm phát. Dấu hiệu đầu tiên về quan điểm của BoE sẽ đến vào ngày 22/6.

Hầu như tất cả các nhà kinh tế đều dự đoán BoE sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 4,75% vì cho rằng các số liệu kinh tế đã khiến ngân hàng này không cần phải thấy những áp lực giá dai dẳng hơn trước khi tăng lãi suất.

Các nhà kinh tế tại BNP Paribas cho rằng, trong khi trước đây có thể lo lắng về việc tăng lãi suất trên 5% vì tác động "quá mức" đối với các chủ sở hữu nhà, Ủy ban chính sách tiền tệ giờ đây sẵn sàng đưa ra quyết định.

Một số nhà kinh tế bác bỏ lập luận, Anh chịu lạm phát nhiều hơn và khẳng định giảm phát chỉ đơn thuần là sẽ chậm lại. Bà Swati Dhingra, một thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) thuộc BoE, người đã phản đối chính sách thắt chặt hơn nữa, trong tuần này cảnh báo có thể mất nhiều thời gian hơn để thấy tác động của việc tăng lãi suất, bởi các khoản vay thế chấp có lãi suất cố định trở nên phổ biến hơn.

Mặc dù vậy, lãi suất vay cao hơn "đã bắt đầu gây thêm áp lực liên tục cho các gia đình đang thuê nhà hoặc đàm phán trên thị trường thế chấp" và tăng trưởng tiền lương cũng có thể sẽ sớm chậm lại.

Tuy nhiên, những tiếng nói cảnh báo như vậy đã trở nên hiếm hơn trong tháng qua khi bằng chứng về các vấn đề lạm phát đình trệ của Vương quốc Anh ngày càng nhiều.

Mặc dù số liệu có thể cải thiện - khiến các vấn đề của Anh có vẻ ít nghiêm trọng hơn, hầu hết các thành viên MPC đều sẵn sàng đưa ra một thông điệp cứng rắn rằng Ủy ban cần đạp phanh mạnh hơn nữa vì không thể cho phép tiền lương và giá cả đẩy nhau lên cao hơn.

(theo Financial Times)

Minh Hợp

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ap-luc-lam-phat-keo-dai-anh-dau-dau-ve-suc-khoe-cua-nen-kinh-te-231584.html