Áp lực hoàn thành dự toán 'căng' dần cuối năm, ngành thuế triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm

Thu ngân sách nhà nước do ngành thuế quản lý đang giảm dần và đạt 54,1% dự toán sau 6 tháng. Ngành thuế đang triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm với điểm nhấn là ứng dụng công nghệ, xây dựng các bản đồ số trong nhiều lĩnh vực nhằm cải thiện tình hình...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn dự và chỉ đạo hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn dự và chỉ đạo hội nghị.

Thông tin về tình hình thực hiện công tác thuế 6 tháng đầu năm và định hướng triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 tại hội nghị sơ kết do Tổng cục Thuế tổ chức chiều ngày 18/7 cho thấy, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 do ngành thuế quản lý ước đạt 743.003 tỷ đồng, bằng 54,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 94,2% so với cùng kỳ.

CHỈ MỘT NỬA KHOẢN THU TĂNG SO VỚI CÙNG KỲ

Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 30.617 tỷ đồng, bằng 72,9% so với dự toán, bằng 85% so với cùng kỳ trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 87 USD/thùng. Thu nội địa ước đạt 712.386 tỷ đồng, bằng 53,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 94,7% so với cùng kỳ.

Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 577.893 tỷ đồng, bằng 54% so với dự toán pháp lệnh, bằng 98,4% so với cùng kỳ.

Cũng theo Tổng cục Thuế, số thu theo 3 khu vực như sau: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 58,1%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 52%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 54,8%.

Toàn ngành có 11/20 khu vực thu, khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 55%), trong đó một số khoản thu lớn như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 58,1%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 56,2%; thu cổ tức và lợi nhuận còn lại ước đạt 59,8%; thu khác ngân sách ước đạt 106,8%; thu chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 499,7%; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản ước đạt 68%...

"So với cùng kỳ có 10/20 khu vực thu, khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng. Toàn ngành có 19/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt cao trên 55%; có 15/63 địa phương tiến độ thu ở mức trung bình (50-55%)", Tổng cục Thuế thông tin.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế trong năm 2023, Tổng cục Thuế cho biết một số chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được ban hành trong 6 tháng đầu năm 2023. Ước tính tổng số tiền thuế đã hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 19.059 tỷ đồng.

Nổi bật là ngày 14/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về việc thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 về việc thực hiện gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6,7,8,9 năm 2023 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước...

Ngoài ra, cơ quan thuế các cấp cũng đang quyết liệt triển khai thực hiện các chính sách mới nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 quy định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất lắp giáp trong nước; Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 về chính sách giảm 2% thuế VAT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023...

Cơ quan thuế các cấp kịp thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung chính sách gia hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất, tới toàn thể người nộp thuế hiểu và nắm được chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

TẬP TRUNG THANH KIỂM TRA TRỌNG ĐIỂM CÁC LĨNH VỰC, TĂNG THU TỚI 77%

Bên cạnh đó, ngành thuế cũng tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý đăng ký thuế, kê khai, kế toán thuế; kiểm soát hoàn thuế VAT chặt chẽ, đúng quy định; hướng dẫn toàn ngành triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc công tác quản lý đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, miễn giảm thuế, hoàn thuế.

Cơ quan thuế cũng tăng cường công tác đôn đốc nộp tờ khai, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của người nộp thuế, phát hiện ngay các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, không kịp thời số thuế phải nộp để có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Công tác quản lý hoàn thuế được triển khai, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật của Nhà nước. Để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm và gian lận trong hoàn thuế VAT, cơ quan thuế các cấp tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống gian lận trong hoàn thuế VAT.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại công văn số 5427/BTC-VP ngày 26/5/2023, cơ quan thuế ban hành công văn số 2099/TCT-KK ngày 26/5/2023 và Công văn số 2426/TCT-KK ngày 15/6/2023 nhằm chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm trong công tác giải quyết hoàn thuế VAT, đảm bảo giải quyết kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định, công khai, minh bạch.

"Trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế ban hành 8.510 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 61.093 tỷ đồng, bằng 33% so với kinh phí hoàn thuế VAT năm 2023 được Quốc hội phê duyệt", Tổng cục Thuế thông tin.

Đáng chú ý, công tác thanh tra, kiểm tra được cơ quan thuế các cấp triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quản lý của ngành như tăng cường công tác thanh tra kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra thuế trong lĩnh vực hóa đơn; hoàn thuế VAT; các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết...

Tính đến hết tháng 6 năm 2023, toàn ngành thuế thực hiện được 25.912 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra được 276.366 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 91,06% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 30.276 tỷ đồng bằng 177% so với cùng kỳ năm 2022.

BẢY NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Tuy kết quả thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 vẫn cơ bản đảm bảo tiến độ dự toán; tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, qua theo dõi, dự báo tình hình kinh tế - xã hội và diễn biến thu ngân sách nhà nước từ đầu năm cho thấy, nếu loại trừ khoản thu phát sinh theo quý, thu theo quyết toán, khoản thu phát sinh đột biến thì thu ngân sách nhà nước qua từng tháng có xu hướng giảm dần.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn đang phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức, cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm dự báo sẽ tác động, tạo áp lực lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước những tháng cuối năm của ngành thuế.

Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục triển khai toàn diện, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tài chính, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp và các bộ, ngành, cơ quan chức năng và tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Một là, triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, khai thác hiệu quả các nguồn thu.

"Thường xuyên bám sát tình hình diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước, phân tích đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong nước để kịp thời tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ các giải pháp chỉ đạo điều hành thu phù hợp, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao 1.373.244 tỷ đồng", Tổng cục Thuế khẳng định.

Hai là, tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các gói hỗ trợ về miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất của Quốc hội, Chính phủ theo các chương trình phục hồi sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Ba là, tăng cường các biện pháp chống thất thu, chiếm đoạt tiền thuế; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thu hồi nợ đọng thuế.

Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp, đảm bảo kịp thời, chính xác, đúng đối tượng và đúng quy định pháp luật.

Bốn là, hiện đại hóa công tác quản lý thuế thông qua đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, đề án công nghệ thông tin đã được phê duyệt, đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu hiện đại hóa của ngành, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đúng quy định pháp luật.

Chủ động đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các ứng dụng, nâng cao hiệu quả quản lý như: ứng dụng cơ sở dữ liệu lớn (Big data), công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào quản lý, đặc biệt là quản lý rủi ro; xây dựng, hoàn thiện, vận hành hiệu quả các ứng dụng Bản đồ số Hộ kinh doanh, Bản đồ số về giá đất, Bản đồ số về các mỏ tài nguyên khoáng sản..., phục vụ tốt nhất công tác quản lý, chống thất thu ngân sách.

Năm là, công tác xây dựng chế độ chính sách, pháp luật; quy trình, quy chế nội ngành: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản pháp luật, đảm bảo yêu cầu theo Chương trình xây dựng Pháp luật năm 2023; đặc biệt là tập trung tham mưu hiệu quả đề án thuế tối thiểu toàn cầu.

Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách pháp luật và nghĩa vụ với Nhà nước.

Bảy là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra nội bộ; tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công việc.

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ap-luc-hoan-thanh-du-toan-cang-dan-cuoi-nam-nganh-thue-trien-khai-7-nhiem-vu-trong-tam.htm