Áp lực được cởi bỏ, chứng khoán tăng ngược

VN-Index có pha đảo chiều mạnh mẽ từ vùng quá bán lên sắc xanh nhờ sự ủng hộ của dòng tiền tích cực, dù vậy thị trường vẫn có sự phân hóa rõ nét.

Sau đợt bán tháo quá cuối tuần trước bởi những thông tin tiêu cực, nhà đầu tư chứng khoán đã có nhiều thời gian để thấm thấu tin tức và bình tĩnh hơn nhờ những phản ánh kịp thời của cơ quan quản lý.

Áp lực bán mạnh vẫn xuất hiện nhanh chóng khi mở cửa phiên 10/10 và thậm chí VN-Index đã có thời điểm rơi về quanh 1.013,5 điểm (tức giảm hơn 22 điểm) khi nhiều mã ngân hàng và bất động sản vẫn diễn biến tiêu cực.

Tuy nhiên, hiện tượng bán tháo đã không xuất hiện trên diện rộng khi nhiều cổ phiếu trụ cột khác vẫn "gồng gánh" chỉ số khá tốt. Những điểm tựa này giúp cởi bỏ những áp lực trong tâm lý nhà đầu tư và kích thích dòng tiền quay trở lại.

VN-Index chứng kiến pha đảo chiều ấn tượng lên 1.042,48 điểm, tức tăng 6,57 điểm (0,63%) so với hôm qua. Còn nếu so với vùng giá thấp nhất trong nước, chỉ số này đã tăng ngược đến 29 điểm.

Các chỉ số tại Hà Nội cũng hồi phục sau chuỗi bán tháo. Trong đó HNX-Index cũng đi ngược từ sắc đỏ sang tăng 3,76 điểm (1,66%) lên 299,85 điểm và UPCoM-Index tăng 0,2% đạt 80,14 điểm.

VN-Index đảo chiều mạnh trong phiên đầu tuần. Đồ thị: TradingView.

VN-Index đảo chiều mạnh trong phiên đầu tuần. Đồ thị: TradingView.

Dòng tiền có sự tích cực nhưng vẫn lan tỏa không đồng đều, một số mã đóng vai trò dẫn dắt tăng mạnh nhưng một số khác thì vẫn diễn biến tiêu cực. Đơn cử là VN30 vẫn giảm nhẹ 0,06% với sự giằng co mạnh giữa các cổ phiếu.

Đóng góp quan trọng nhất về chỉ số và dòng tiền là cổ phiếu năng lượng. Trong đó mã đầu ngành khí đốt là GAS bứt phá 3,9% lên 106.000 đồng mang lại nhiều điểm số nhất (thậm chí mã này từng có lúc đạt giá trần).

Cổ phiếu dầu khí khác như PVC bứt phá đến 7,5%, BSR của Lọc dầu Dung Quất nhảy vọt 5,7%, PLX của trùm xăng dầu Petrolimex tăng 5,3%, PVS có thêm 5,7%... Cổ phiếu điện lực ghi nhận VSH tăng 6,1%, TTA tiến 5,9% hay POW đi lên 3,3%...

Một số cổ phiếu bán lẻ cũng tham gia gồng gánh chỉ số phải kể đến MWG của Thế Giới Di Động nhảy vọt 5,7% đạt 57.100 đồng, hay FRT của FPT Retail và DGW của Digiworld kết phiên trong sắc tím trước thời điểm sắp chào bán iPhone 14 series.

Cổ phiếu hàng hóa cũng đóng góp tác động rất tích cực với đại diện đầu ngành thép là HPG của Hòa Phát tăng 4,3%, bên cạnh HSG của Hoa Sen và NKG của Nam Kim tăng hết biên độ. Nhóm phân bón có bộ đôi DPM và DCM kết phiên trong sắc tím. Cổ phiếu hóa chất cũng chứng kiến DGC của Đức Giang tăng trần.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa dữ dội. Dẫn đầu nhóm tăng là BID nhảy vọt 2,7% lên 30.000 đồng và CTG của VietinBank có thêm 3,8% đạt 20.700 đồng, ngoài ra còn có sắc xanh của STB, KLB, ACB, MBB, NVB.

Top cổ phiếu có tác động lớn nhất. Nguồn: FireAnt.

Top cổ phiếu có tác động lớn nhất. Nguồn: FireAnt.

Ở chiều ngược lại, cũng chính một số cổ phiếu ngân hàng khác tiếp tục tác động rất xấu đến chỉ số. Trong đó VCB của Vietcombank vẫn trong sắc đỏ với mức giảm 2,4% về 65.100 đồng. Thậm chí TPB của TPBank còn rớt về giá sàn, TCB của Techcombank lao dốc 5,3% về 25.800 đồng.

Ngoài ra đà rơi còn ghi nhận ở một số mã vốn hóa lớn khác như ngành bất động sản có NVL của Novaland lao dốc 3,3% về 76.400 đồng, MSN của Masan Group đảo chiều giảm 1,2% về mức 80.500 đồng, VJC của Vietjet rớt 4,3% còn 110.000 đồng.

Dòng tiền có dấu hiệu được hút trở lại khi tâm lý nhà đầu tư dần bình tĩnh trước thông tin tiêu cực, tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt gần 16.500 tỷ đồng. Các mã được mua bán nhiều nhất là STB, HAG và HPG.

Sự tích cực của thị trường chung còn có sự đóng góp của dòng tiền ngoại. Trên sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 1.410 tỷ và bán ra 849 tỷ, tương đương mua ròng 561 tỷ đồng. Những mã được gom nhiều nhất là NVL, BCM và DGC.

Huy Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ap-luc-duoc-coi-bo-chung-khoan-tang-nguoc-post1363876.html