Áp dụng chuyển đổi số trong phát triển ngành công nghiệp chủ lực

Xác định công nghiệp chủ lực đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển công nghiệp, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia. Hà Nội đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp chủ lực tạo thêm cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hà Nội:

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, đan tranh thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Nguyễn Vũ

9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,93%

Tính đến nay, Hà Nội có 196 sản phẩm của 132 DN được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực thuộc các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; điện, điện tử; công nghệ thông tin; dệt may, da giầy; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm; công nghiệp vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,93% so với cùng kỳ, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của công nghiệp chủ lực. Toàn TP thu hút 2.526 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, cụ thể: Đăng ký cấp mới 305 dự án với số vốn đạt 270 triệu USD, 130 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 215 triệu USD, 252 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 2.041 triệu USD. Có 22,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký đạt 226,9 nghìn tỷ đồng.

Xác định công nghiệp chủ lực đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển công nghiệp, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia, UBND TP Hà Nội cũng đã có đề án "Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội năm 2023" nhằm tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu và đóng góp giá trị tăng cao vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu; nâng cao căng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực TP, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội với DN của các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.

TP. Hà Nội đã tổ chức khởi công, động thổ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 19/43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020, tạo mặt bằng thu hút các DN trong nước và nước ngoài vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức các hoạt động kết nối DN tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế; Kết nối giữa DN Hà Nội với nhiều nước trên thế giới.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: TP Hà Nội luôn xác định các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Thủ đô. Để hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, TP Hà Nội cam kết luôn đồng hành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, ưu đãi về vốn… để các DN có cơ hội phát triển và đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của TP.

TP Hà Nội sẽ tiếp tục có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực hình thành những DN có khả năng cạnh tranh quốc tế, dẫn dắt, làm chỗ dựa, nâng đỡ những DN khác cùng phát triển.

Ứng dụng chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu

Giải pháp ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng nhà máy sản xuất thông minh, xúc tiến đầu tư nâng cao năng lực DN chủ lực. Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu; tiếp cận, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ; kết nối với các DN trong chuỗi cung ứng cũng là mục tiêu mà TP Hà Nội muốn hướng đến cho ngành công nghiệp chủ lực

Ông Lại Hoàng Dương, Phó Ban Truyền thông Hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội (HAMI), Giám đốc Cty CP truyền thông và máy tính Thánh Gióng chia sẻ: Các DN cần trao đổi, tăng cường hợp tác, liên kết xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh… Phát huy được vai trò “đầu đàn”; luôn chủ động, sáng tạo, tận dụng các cơ hội để tìm kiếm và mạnh dạn đi đầu trong đổi mới công nghệ, thiết bị,… góp phần tăng khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Đặng Bình Thành, cố vấn kỹ thuật và nghiên cứu phát triển của Cty cổ phần cơ điện Tomeco cho biết: Tiếp cận công nghệ 4.0 Tomeco mang đến hai giải pháp là hệ thống quản lý quạt công nghiệp ứng dụng IoT và giải pháp hệ thống đo kiểm tự động 247.

Hệ thống giám sát này như thiết bị kiểm tra sức khỏe thường xuyên của con người, chúng ta hoàn toàn có được những cảnh báo sớm, nguy cơ xảy ra sự cố. Với các giải pháp mới này giúp hỗ trợ cho cả nhà cung cấp và khách hàng trong việc chủ động, giám sát hoạt động của sản phẩm theo thời gian thực.

Các DN cần đổi mới nhiều sản phẩm, các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường luôn là thế mạnh trên thị trường hiện nay.

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//ap-dung-chuyen-doi-so-trong-phat-trien-nganh-cong-nghiep-chu-luc-358000.html