Anh và Pháp nhấn mạnh cách tiếp cận thực tế trong giải quyết bất đồng

Sau khi thảo luận với người đồng cấp Pháp bên lề hội nghị G7, Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra một cách tiếp cận thực tế, thực dụng với các vấn đề song phương.

Tàu đánh cá của ngư dân Pháp tại vùng biển ngoài khơi đảo Jersey của Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tàu đánh cá của ngư dân Pháp tại vùng biển ngoài khơi đảo Jersey của Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một thông báo ngày 11/12, một người phát ngôn của Văn phòng Đối ngoại Anh cho biết Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã thảo luận các vấn đề song phương và quốc tế với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian bên lề Hội nghị ngoại trưởng G7 tại Liverpool (Anh).

Thông báo có đoạn: "Ngoại trưởng Truss nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra một cách tiếp cận thực tế, thực dụng đối với các vấn đề song phương như di cư, quyền đánh bắt cá và thương mại."

Trong cuộc gặp, Ngoại trưởng Truss và người đồng cấp Le Drian cũng thảo luận vấn đề hợp tác tại Sahel và quan hệ kinh tế.

Trước đó cùng ngày, phía Anh cho biết đã cấp thêm 23 giấy phép đánh bắt cá cho ngư dân Pháp. Động thái này diễn ra một ngày sau thời hạn chót mà Paris đặt ra để giải quyết tranh chấp về quyền đánh bắt cá hậu Brexit giữa 2 nước.

Theo người phát ngôn Chính phủ Anh, cách tiếp cận này "tạo ra sự ổn định và bền vững của ngành đánh bắt cá của nước này, với việc Anh cấp 18 giấy phép và chính quyền đảo tự trị của Anh cấp 5 giấy phép đánh bắt cá cho ngư dân Pháp.

Căng thẳng trong quan hệ song phương về quyền đánh bắt cá đã âm ỉ trong nhiều tháng sau khi Anh không cấp phép cho một số tàu thuyền nhỏ của Pháp đánh cá trong vùng biển của Anh như đã cam kết trong thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU. Pháp cáo buộc Anh chỉ cấp một nửa số giấy phép đánh bắt mà nước này được hưởng theo thỏa thuận.

Trong khi Anh cho biết đã cấp giấy phép cho gần 1.700 tàu của EU đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này từ ngày 31/12/2020, tương đương giải quyết tới 98% các đơn xin cấp phép của EU, Pháp khẳng định tàu thuyền nước này chiếm phần lớn trong trong số còn lại không được cấp phép.

Anh cho biết chỉ từ chối cấp phép cho các tàu thuyền không chứng minh được lịch sử đánh cá trong vùng biển của Anh trước Brexit, trong khi Paris cáo buộc London cố tình kéo dài quy trình cấp phép và nhằm chủ yếu vào các tàu đánh cá của nước này./.

Phương Hà (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/anh-va-phap-nhan-manh-cach-tiep-can-thuc-te-trong-giai-quyet-bat-dong/760397.vnp