Ánh sáng tự nhiên kỳ ảo thách thức con người giải mã

Không chỉ con người mới biết tạo ra những thứ kỳ ảo, ánh sáng từ thiên nhiên thậm chí còn hùng vỹ, lung linh và tuyệt diệu hơn gấp nhiều lần.

Bãi biển phát sáng Mudhdhoo nằm ở quốc đảo Maldives nổi tiếng vì có thể phát sáng vô cùng đẹp mawsrt. Hiện tượng sóng biển có màu dạ quang xanh này xảy ra do sự phát sáng của một số loại sinh vật phù du - tảo biển - sống lơ lửng trong nước biển.

Hẻm núi Antelope trên vùng đất Navajo (thuộc tiểu bang Arizona, Tây Nam nước Mỹ) khi được Mặt trời chiếu ánh nắng chói chang xuyên qua các khe núi mới thực sự hiện nguyên vẻ đẹp kiêu sa của mình. Màu đỏ, cam của đá vôi hòa với màu ánh tím của sa thạch tạo nên khung cảnh tuyệt vời.

Hiện tượng ánh sáng đi xuyên qua một lỗ hổng Getu Arch, thung lũng Getu, Trung Quốc đã thu hút vô số nhiếp ảnh gia. Nhiều người hoài nghi tính chân thực của những tấm ảnh này và cho rằng đó là tác phẩm của photoshop.

Thác "lửa" ở Công viên Quốc gia Yosemite, California thường xảy ra vào nửa hai tuần cuối tháng 2. Khi hoàng hôn buông xuống, Mặt trời chiếu rọi vào dòng nước đổ xuống vách đá tạo, khiến dòng nước như biến thành màu đỏ.

Ánh sáng cực quang ở Vườn Quốc gia Jasper Alberta được đánh giá là một trong những hiện tượng thiên nhiên đẹp nhất trên hành tinh, là sự "sáng tạo tuyệt vời" giữa Mặt trời và Trái đất.

Vào mùa thu, sông Mê Kông sẽ có sự xuất hiện của những quả cầu lửa bật từ dưới dòng sông lên và phát nổ trong không khí. Hiện tượng này được biết đến với tên gọi là "bung fai Paya nak" hay "quả cầu lửa Naga" - xuất hiện vào cuối thu, lúc trăng tròn, cuối mùa chay của Phật giáo.

Hang động xanh, Capri, Ý có ánh sáng từ bên ngoài luồn vào tạo hiệu ứng ánh sáng qua làn nước xanh và phản chiếu từ vách hang đã thắp sáng tận sâu bên trong lòng hang.

Với số lần đánh 280/giờ/ngày, 160 đêm/năm, bão Everlasting trên sông Catalumbo được mệnh danh là máy phát điện lớn nhất thế giới ở tầng đối lưu. Vào tháng 1/2014, hiện tượng này đã được ghi vào sách kỷ lục Guiness với số lần sét đánh là 250 lần/km2.

Quả cầu "ma trơi" ở Na Uy được biết đến với tên gọi "hiện tượng Hessdalen", các quả cầu "ma trơi" có thể to tới kích thước của xe hơi và thậm chí thu hút sự chú ý của các thợ săn UFO.

Hoàng hôn Manhattanhenge đôi khi còn được gọi là điểm chí Manhattan - thực ra là một hiện tượng tự nhiên xuất hiện giữa năm ở New York. Hiện tượng này diễn ra khi Mặt trời lặn nằm thẳng hàng với các tuyến phố Đông - Tây thuộc mạng lưới đường phố chính tại các quận Mahattan thuộc thành phố New York.

Hang động đom đóm Waitomo tại New Zealand hấp dẫn du khách nhờ số lượng lớn đom đóm sống tại đây. Những con đom đóm có tên khoa học Arachnocampa luminosa khi phát quang sẽ tạo ra ánh sáng màu xanh lá cây pha lẫn xanh dương đặc biệt.

Khu rừng đom đóm ở thành phố Nagoya (Nhật Bản) vô cùng đẹp và thơ mộng nhờ hàng ngàn chú đom đóm đang "tỏa sáng" trong màn đêm để thu hút bạn tình của mình.

Mời các bạn xem video: Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp tại các quốc gia ít dân nhất thế giới

Thùy Dung (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc/anh-sang-tu-nhien-ky-ao-thach-thuc-con-nguoi-giai-ma-1557463.html