Anh Nguyễn Văn Trúc khởi nghiệp với mô hình nuôi chồn hương

ĐTO - Anh Nguyễn Văn Trúc ngụ ấp Hoàng Việt, xã Tân Phước (huyện Tân Hồng) khởi nghiệp với mô hình nuôi chồn hương sinh sản, bước đầu mang lại hiệu quả. Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình, đến nay, đàn chồn hương có tổng số 40 con, trong đó có 13 con bố mẹ đang sinh sản.

Anh Nguyễn Văn Trúc (thứ 3, từ trái sang) trao đổi với người dân tại địa phương về mô hình nuôi chồn hương sinh sản

Anh Nguyễn Văn Trúc (thứ 3, từ trái sang) trao đổi với người dân tại địa phương về mô hình nuôi chồn hương sinh sản

Dù mô hình khá mới mẻ nhưng thu hút nhiều người, nhất là hội viên nông dân trong và ngoài xã Tân Phước đến tham quan mô hình nuôi chồn hương sinh sản của anh Trúc. Anh Nguyễn Văn Trúc, chia sẻ: “Nhằm cải thiện cuộc sống gia đình, tôi tìm hiểu các mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Qua đó, tôi quyết định “khởi nghiệp” từ việc nuôi chồn hương sinh sản. Vào tháng 7/2022, tôi nuôi thử nghiệm 6 con chồn hương bố mẹ và chồn hương con. Sau hơn 1 năm, đàn chồn hương phát triển tốt, hiệu quả khả quan, nên tôi bàn với gia đình đầu tư khoảng 450 triệu đồng mua thêm con giống, làm chuồng trại để nuôi chồn hương sinh sản nhằm cung cấp cho thị trường...”.

Theo anh Trúc, mặc dù bản thân tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ cơ sở cung cấp con giống, nhưng khi mới bắt đầu mua con giống ở tỉnh Bạc Liêu về nuôi cũng không tránh khỏi hao hụt. Nhưng với suy nghĩ “Có công mài sắt có ngày nên kim”, anh Trúc không ngừng tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ những người có nhiều năm nuôi chồn hương, áp dụng vào mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện tại, đàn chồn hương của anh Trúc phát triển tốt, tổng đàn có 40 con, trong đó có 13 con bố mẹ đang sinh sản. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, nếu mô hình đạt kết quả như mong muốn, anh Trúc sẽ mở rộng cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con ở địa phương khi nuôi chồn hương thương phẩm.

Chồn hương vốn là loại động vật hoang dã, nhưng khi phát triển nuôi tại gia đình, cán bộ Hạt kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng thường xuyên kiểm tra định kỳ, hướng dẫn ghi chép sổ sách cụ thể về tăng, giảm số lượng đàn. Thức ăn cho chồn hương dễ tìm và chi phí thấp nhờ tận dụng các loại trái cây, cá tạp làm thức ăn. Bước đầu mô hình có nhiều khởi sắc, vì thế nhiều nông dân trong và ngoài xã Tân Phước đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi chồn hương của anh Nguyễn Văn Trúc. Việc nuôi chồn hương không đòi hỏi tốn nhiều diện tích đất và ít tốn công chăm sóc, chồn hương nuôi khoảng 10 tháng tuổi là có khả năng cho sinh sản, mỗi con sinh sản từ 2 - 3 lứa/năm, mỗi lứa sinh từ 2 - 5 con, chồn hương con nuôi khoảng 5 tháng (đạt khoảng 3kg/con) có thể xuất bán thương phẩm, giá bán thường ổn định ở mức cao, do đó, người nuôi chồn hương có lợi nhuận khá.

Một góc chuồng trại nuôi chồn hương sinh sản của anh Nguyễn Văn Trúc

Một góc chuồng trại nuôi chồn hương sinh sản của anh Nguyễn Văn Trúc

Ông Đào Bảo Quốc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phước, cho biết: “Mô hình nuôi chồn hương của hội viên Nguyễn Văn Trúc là một trong những mô hình hay, cách làm mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn. Hướng tới, Hội Nông dân xã Tân Phước phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện xem xét nhận vốn ủy thác để hỗ trợ cho anh Trúc mở rộng mô hình nếu có nhu cầu. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hồng mở lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc chồn hương cho các hộ dân ở trong và ngoài xã Tân Phước có nhu cầu nuôi chồn hương thương phẩm”. Mô hình nuôi chồn hương của anh Nguyễn Văn Trúc là hướng đi mới, không những góp phần phát triển kinh tế, mà còn lan tỏa phong trào khởi nghiệp của người dân trên địa bàn huyện Tân Hồng.

T.Đ-K.L

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/anh-nguyen-van-truc-khoi-nghiep-voi-mo-hinh-nuoi-chon-huong-117222.aspx