Ảnh huyền thoại vận tải cơ C-130: 60 năm bền bỉ

Máy bay vận tải C-130 cất cánh lần đầu vào năm 1954 và qua hơn 60 năm, phi cơ này liên tục được hiện đại hóa để đáp ứng nhiệm vụ.

Theo Business Insider, C-130 Hercules thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 23/8/1954. Nó được phát triển để đáp ứng nhu cầu không vận sau chiến tranh Triều Tiên.

Ưu điểm nổi bật của C-130 là có thể hoạt động ở những đường băng dã chiến. Điều này làm tăng sự linh hoạt trong các nhiệm vụ vận tải. C-130 là sản phẩm của tập đoàn Lockheed (nay là Lockheed Martin) chế tạo cho quân đội Mỹ và xuất khẩu rộng rãi trên khắp thế giới.

Phi cơ này có thể lắp máng trượt để hạ cánh trên các đường băng phủ tuyết ở Bắc Cực.

Phiên bản mới nhất của dòng máy bay này là C-130J Super Hercules, bắt đầu được sản xuất từ năm 1996 và là phiên bản nâng cấp toàn diện từ C-130 Hercules.

Nét mới trên C-130J là máy bay được trang bị màn hình hiển thị HUD cho phép phi công vận hành máy bay dễ dàng hơn. Phiên bản mới có phạm vi hoạt động tăng 40%, tốc độ tăng 20% và quãng đường cất cánh giảm 41% so với bản gốc.

Phi cơ được trang bị 4 động cơ cánh quạt Rolls-Royce AE 2100D3 (C-130J) công suất 4.637 mã lực/chiếc. Hệ thống cánh quạt 6 lưỡi cải tiến giúp tăng 25% hiệu suất so với trước.

Super Hercules có thể chở hàng hóa tới 20 tấn.

Bên trong khoang hàng rộng rãi của máy bay được mệnh danh là "ngựa thồ".

Ngoài ra, C-130 có thể chở theo 92 binh lính hoặc 64 lính dù trong nhiệm vụ đổ quân bằng không vận.

Binh sĩ nhảy dù từ C-130.

Trong nhiệm vụ nhân đạo, phi cơ có thể chở theo 74 thương binh hoặc dân thường cùng 5 nhân viên y tế.

Ngoài ra, C-130 có thể cấu hình cho nhiệm vụ chiến đấu với phiên bản AC-130 Gunship nhằm chi viện hỏa lực cho các lực lượng mặt đất. Vũ khí chủ lực của phiên bản này là một pháo 40 mm, đại bác 105 mm.

Không quân và Tuần duyên Mỹ sử dụng phiên bản HC-130 cho nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Trong cấu hình này, máy bay đảm đương sứ mệnh vận chuyển các trang thiết bị sót lại trong chiến đấu, tiếp nhiên liệu trên không hay chỉ huy chiến trường.

Chữa cháy cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của C-130. Những máy bay làm công tác dập lửa thuộc sự điều hành của Không quân Vệ binh quốc gia.

KC-130 là phiên bản chuyên dụng cho nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trên không của gia đình Hercules. Phi cơ này chủ yếu hoạt động trong Thủy quân lục chiến Mỹ. Nó có thể lắp thêm tên lửa Hellfire hoặc bom thông minh để tấn công hay phòng vệ trong các nhiệm vụ.

EC-130 là phiên bản chuyên dùng cho nhiệm vụ tác chiến điện tử, chiến tranh thông tin hoặc các hoạt động chiến tranh tâm lý như: rải truyền đơn, tuyên truyền bằng loa..

Theo Quốc Việt/ Zing

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/vu-khi/anh-huyen-thoai-van-tai-co-c-130-60-nam-ben-bi-547818.html