Ảnh hưởng của kinh tế Mỹ sau vụ tàu hàng đâm sập cầu

Vụ sập cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore thuộc bang Maryland (Mỹ) đã làm gián đoạn vô thời hạn dòng tàu ra vào Cảng Baltimore, có thể gây tổn hại cho nền kinh tế địa phương, làm căng thẳng chuỗi cung ứng cũng như gây xáo trộn quá trình giao hàng dọc Bờ Đông nước Mỹ.

Theo hãng CNN, chiều 26/3 (theo giờ Việt Nam), một đoạn cầu Francis Scott Key (còn gọi là cầu Key Bridge) ở thành phố Baltimore thuộc bang Maryland (Mỹ) đã bị sập do một tàu chở hàng đâm trúng khiến nhiều phương tiện lưu thông trên cầu rơi xuống sông.

Tàu chở hàng Dali được nhìn thấy sau khi va vào và làm sập cầu Francis Scott Key ngày 26/3/2024 tại Baltimore, Maryland. Ảnh: Tasos Katopodis / Getty

Francis Scott Key là cây cầu thép bắc qua sông Patapsco, huyết mạch vận tải nối với cảng Baltimore, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy ở Bờ Đông nước Mỹ. Cầu được khánh thành năm 1977, có 4 làn xe và dài 2,5 km.

Cây cầu Key Bridge bị sập sau khi một tàu container có tên Dali mang cờ Singaproe va chạm với một trong những trụ đỡ của cầu. Dali được điều hành bởi Tập đoàn Synergy có trụ sở tại Singapore nhưng đã được hãng vận tải khổng lồ Maersk của Đan Mạch thuê để vận chuyển hàng hóa.

Đại diện phía cảng Baltimore cho biết hoạt động giao thông tàu thuyền đã bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới, nhưng xe tải vẫn đang được xử lý tại các bến cảng.

Ông Jeffrey Pritzker, phó chủ tịch điều hành của Brawner Builders, gọi tin tức này là "một thảm kịch khủng khiếp, không thể lường trước được". Trong khi đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết họ đã kết thúc hoạt động tìm kiếm và cứu hộ các công nhân xây dựng mất tích trên cầu khi cầu bị sập.

Vào thời điểm cầu sập, 6 công nhân xây dựng đang sửa ổ gà trên cầu đã bị rơi xuống nước. Brawner Builders, bên quản lý 6 công nhân, cho biết những người này được cho đã thiệt mạng trong vụ việc.

"Chúng tôi sẽ bỏ qua cảng Baltimore trên tất cả các tuyến đường đi trong tương lai gần, cho đến khi có thông báo di chuyển an toàn để đi qua khu vực này", hãng vận tải Maersk nói trong một tuyên bố.

Maersk cũng cho biết sẽ dỡ số lượng hàng đến Baltimore tại các cảng khác gần đó và cảnh báo khách hàng về khả năng vận chuyển chậm trễ.

Ùn tắc giao thông

Nhà kinh tế thị trường tài chính toàn quốc Oren Klachkin nhận định vụ sập cầu ngày 26/3 ở Baltimore có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động hậu cần lên xuống bờ biển phía đông.

Khoảng 30.000 đến 35.000 ô tô và xe tải sử dụng Cầu Key Bridge di chuyển hàng ngày sẽ cần thời gian định lại tuyến đi qua hai đường hầm thay thế. Điều đó sẽ gây ra tình trạng ùn tắc giao thông. Và những vật liệu nguy hiểm không được phép mang vào đường hầm sẽ được chuyển hướng theo đường vòng dài hơn.

Theo ông Judah Levine, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty hậu cần Freightos, việc định lại tuyến đường chở hàng hóa đến Philadelphia, Norfolk hoặc Cảng New York/New Jersey có thể đẩy giá cước vận tải đường bộ và đường sắt tăng cao hơn nếu khối lượng lớn và có thể gây ra một số tắc nghẽn tại các cảng thay thế đó.

"Nếu tình trạng tắc nghẽn xảy ra và các tàu tiếp tục chờ đợi, điều đó cũng gây ra sự chậm trễ cho các nhà nhập khẩu sử dụng các cảng này. Sự tắc nghẽn cũng có thể gây áp lực lên Châu Á - Bờ Đông Mỹ và giá cước vận chuyển xuyên Đại Tây Dương tăng," ông nói thêm.

Giá cước vận chuyển trên các tuyến xuyên Đại Tây Dương gần như quay trở lại ngang bằng với mức năm 2019 sau khi chi phí vận chuyển tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, giá cho các chuyến đi từ châu Á đến Bờ Đông Mỹ vẫn tăng cao hơn gấp đôi so với mức tháng 3/2019 vì căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ gần đây, đã buộc các tàu phải chuyển hướng quanh châu Phi thay vì đi qua Kênh đào Suez.

"Liệu những cảng đó có đủ năng lực để tiếp nhận các tàu thường ghé Baltimore hay không? Điều có thể lại gây ra vấn đề gián đoạn tại các cảng Bờ Đông khác vì lý do không mong muốn nào đó", ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics nhận định.

Ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ

Cho dù có khả năng làm tăng chi phí vận chuyển nhưng ông Zandi cũng khẳng định sự gián đoạn vận chuyển lần này không có khả năng gây ra vấn đề lớn cho nền kinh tế Mỹ vì hàng hóa có thể sẽ được chuyển đến các cảng khác.

"Còn quá sớm để nói khi nào tàu có thể bắt đầu trở lại cảng một lần nữa. Hiện tại, trọng tâm duy nhất của chúng tôi là cứu người, tìm kiếm và cứu hộ", Thống đốc bang Maryland nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Ba đã tuyên bố rằng chính phủ liên bang sẽ hỗ trợ mở lại cảng nhanh nhất có thể, mặc dù ông cũng không đưa ra bất kỳ khung thời gian cụ thể.

"15 nghìn vị trí việc làm xung quanh cảng đó. Và chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ người lao động làm việc ở đây," ông nói.

Xây dựng lại Baltimore

Mặc dù có thể mất nhiều năm để xây dựng lại cây cầu. Như ông Moore mô tả quá trình này là "một công trình dài hạn" và chưa có mốc thời gian, nhưng việc loại bỏ các mảnh vỡ có thể là ưu tiên hàng đầu và hoàn thành nhanh hơn nhiều.

Nhìn chung, Baltimore vẫn được xếp hạng là cảng lớn thứ 9 của Mỹ về hàng hóa quốc tế. Cảng đã xử lý kỷ lục 52,3 triệu tấn hàng hóa, trị giá 80,8 tỷ USD vào năm 2023. Theo chính quyền bang Maryland, cảng hỗ trợ 15.330 việc làm trực tiếp và 139.180 việc làm trong các dịch vụ liên quan.

Bên cạnh đó, Baltimore cũng là cảng hàng đầu của Mỹ về máy móc nông nghiệp và xây dựng, cũng như nhập khẩu đường và thạch cao, đồng thời là cảng thứ hai trong cả nước về xuất khẩu than.

Bà Emily Stausbøll, nhà phân tích thị trường tại nhấn mạnh mặc dù Baltimore không phải là một trong những cảng Bờ Đông lớn nhất của Mỹ, nhưng cảng vẫn nhập khẩu và xuất khẩu hơn một triệu container mỗi năm, do đó, điều này có khả năng gây ra sự gián đoạn đáng kể cho chuỗi cung ứng sắp tới.

Một trong những nhà sản xuất chính đặt tại bến cảng Baltimore là nhà máy lọc đường Domino. Đây là nhà máy lọc đường mía lớn nhất ở Tây bán cầu. Là một trong những nhà sản xuất lâu đời nhất trong thành phố, biển hiệu Domino Sugar hiện là một địa danh nổi tiếng của Baltimore.

Ngoài ra, Baltimore cũng có bến du lịch, phục vụ các tàu do Royal Caribbean (RCL), Carnival (CCL) và Na Uy (NCLH) khai thác. Các chuyến du thuyền chở hơn 444.000 hành khách đã rời cảng vào năm ngoái.

Ông Matt Lupol, Người phát ngôn của Carnival Cruise Line cho biết hiện tại, suy nghĩ của chúng tôi hướng tới những người bị ảnh hưởng bởi vụ tai nạn thương tâm này. Còn quá sớm để bình luận về tác động có thể xảy ra đối với các chuyến đi sắp tới.

Hiệp hội Quốc tế Cruise Lines (CIAL) cũng bày tỏ "vô cùng đau buồn trước thảm kịch".

Royal Caribbean cũng cho biết nhóm hậu cần cảng của họ đang nghiên cứu các giải pháp thay thế cho các chuyến đi đang diễn ra và sắp tới sẽ thông báo bất kỳ cập nhật mới cho khách cũng như đối tác du lịch sau khi kế hoạch đã được hoàn tất./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/anh-huong-cua-kinh-te-my-sau-vu-tau-hang-dam-sap-cau-20240327163525727.htm