Anh hùng Võ Hồng Tuyên: Những chiến công của tình đoàn kết trên biên giới Việt - Lào

Lần đầu tiên tôi được vinh dự gặp Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Hồng Tuyên, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh vào cuối năm 2013, trong hành trình ghi hình tiền kỳ loạt phim tài liệu 'Những trang sử biên thùy'. Khi đó, ông đã ngoài 74 tuổi, gương mặt quắc thước, nước da màu đồng khỏe khoắn mà như ông nói vui là 'màu da biên giới Việt-Lào'. Khi nhắc tới ông, những cán bộ Biên phòng cùng thời tại Bộ Tư lệnh BĐBP như Đại tá Bùi Long, Đại tá Phan Trọng Bằng, Đại tá Lương Sĩ Cầm, Đại tá Nguyễn Thành Mai... đều nhận định, đó là một con người trực tính, một trinh sát ngoại tuyến quả cảm và một người chỉ huy 'quân lệnh như sơn'.

Anh hùng Võ Hồng Tuyên tháp tùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh (bên phải) thăm BĐBP Hà Tĩnh năm 1995. Ảnh: Tư liệu

Anh hùng Võ Hồng Tuyên tháp tùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh (bên phải) thăm BĐBP Hà Tĩnh năm 1995. Ảnh: Tư liệu

Trong buổi phỏng vấn, người anh hùng của miền đất núi Hồng, sông La ấy cho tôi xem bức ảnh đen trắng chụp ông cùng một người đồng đội đã kề vai chiến đấu trong một cánh rừng Lào, được một phóng viên chiến trường của báo Công an vũ trang ngày ấy chụp lại. Ông bảo: “Đây là đồng chí Nường, một cán bộ của Giải phóng quân Lào. Khi đó, thực hiện chỉ đạo của Công an nhân dân vũ trang Trung ương, đội công tác ba mặt của chúng tôi được cử sang Lào từ năm 1961 đến năm 1967, có nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng, trinh sát bí mật và vũ trang chiến đấu trên khu vực biên giới nước bạn. Đồng chí Nường và tôi đã chiến đấu bắt được 11 tên biệt kích được máy bay địch thả trên thung lũng Na Pê, thuộc khu vực biên giới nước bạn”.

Lịch sử ghi lại, sau khi ký kết Hiệp định Gienève, cách mạng Lào chuyển sang hoạt động hiệp thương thì địch ra sức phá hoại đường lối hòa bình trung lập, hòa hợp dân tộc của Chính phủ vương quốc, tập hợp thổ phỉ cũ hoạt động chiến tranh tâm lý, tăng cường thám báo nắm tình hình lực lượng ta ở biên giới, tung gián điệp, biệt kích xâm nhập nội địa ta nhằm mưu đồ tấn công miền Bắc. Tổ công tác ba mặt vừa là cố vấn cho bạn Lào trong đánh địch và xây dựng lực lượng, vừa là chỉ huy tổ trinh sát tham gia đấu tranh vũ trang. Những tháng ngày chiến đấu chống phản động đó, những chiến sĩ của Trung đội dân quân Lào và Tiểu đoàn 927 Bộ đội Pa-thét Lào hẳn rất ấn tượng với người tổ trưởng trinh sát có tên là Khăm Phay. Phối hợp chiến đấu ngoan cường, đánh tan các cụm phỉ lớn từ Teng Đeng, Nọng Hến đến bản Thoọng Nhạy, giải phóng một vùng rộng lớn Trung Lào. Trước sức tấn công như vũ bão của liên quân Việt - Lào, hai đại đội phỉ đã buông súng đầu hàng, giao nộp vũ khí, đạn dược, cùng các nhu yếu phẩm mà chúng được các thế lực thù địch cung cấp.

Đại tá Võ Hồng Tuyên kể: “Khi đó đã cuối chiều, hoàng hôn phía Tây Trường Sơn xuống nhanh. Tôi và đồng chí Nường đang tuần tiễu trên đỉnh núi thì phát hiện có hai chiếc trực thăng đang thả một nhóm người mặc đồ đen xuống thung lũng. Bọn chúng vừa chạm đất đã vội vàng chôn giấu đồ đạc. Tương quan lực lượng khi đó khá cách biệt, bởi chúng khá đông, trong khi chúng tôi chỉ có hai người, nên tôi hiệp đồng nhanh với đồng chí Nường. Khi bóng tối nhá nhem, tôi liền bắn một phát súng vào giữa đội hình, còn đồng chí Nường bắn ba phát liên tục theo ba hướng, trong đó có một phát trúng mũ một tên. Vừa bắn, hai chúng tôi vừa hô: “Bao vây, nằm sấp xuống”, “Hàng thì sống, chống thì chết”... bằng cả tiếng Việt và tiếng Lào rộn cả một góc rừng, lại được sự cộng hưởng của vách núi nên dội lại như cả một đội quân. Bọn biệt kích hoảng loạn, tưởng sa vào ổ phục kích, đã ngoan ngoãn tuân theo hiệu lệnh. Nhanh như chớp, đồng chí Nường cướp súng, xả đạn ra, thu được 13 khẩu AK, 12 khẩu súng ngắn, 1 khẩu án sát, 7 máy điện đài”.

Từ trận đánh gan dạ, mưu trí đó, tổ công tác ba mặt cùng Đồn Biên phòng 563 (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP Hà Tĩnh) đã triển khai Chuyên án K50, dùng địch để câu nhử địch, phân rã đội biệt kích, tham báo và “tương kế tựu kế” điều khiển địch tiếp tế, hoạt động theo ý đồ của ta. Trong nhiều năm, hai tên lính truyền tin là Phúc và Khoa được chỉ đạo truyền cho Phủ Đặc ủy tình báo Sài Gòn những tin tức do ta chuẩn bị dưới sự khống chế, giám sát của ta. Từ năm 1967 đến 1970, thực hiện Chuyên án K50, đã diễn ra 650 phiên liên lạc và ta đã nhận được khoảng 300-400 bức điện của tình báo Sài Gòn. Riêng tổ trưởng tổ điệp báo Võ Hữu đã trực tiếp dự thảo khoảng 200 bức điện cung cấp tin giả, tin hết thời hiệu cho tình báo Sài Gòn. Có thể nói, đây là thời gian “biệt kích, thám báo như rươi” trên biên giới, nhưng gần như tất cả các toán biệt kích nhảy dù bằng đường bộ hay đường biển đều không thể đứng chân nổi trên đất Hà Tĩnh. Chuyên án K50 kết thúc đã giúp ta nắm được ý đồ chiến lược của Mỹ đối với đường 8 và hành lang biên giới Việt-Lào, câu nhử được nhiều lực lượng địch, thu nhiều phương tiện, điện đài, vũ khí của địch.

Trong ký ức của người anh hùng, những người đồng đội như Nguyễn Thụy, Phan Hoa Lan, Phan Văn Sâm, Nguyễn Văn Bàng... đều được nhắc đến với sự trân trọng. Còn những cựu chiến binh đó đều nói về ông với sự khâm phục về ý chí, bản lĩnh của người chỉ huy, người đồng đội đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ những năm kháng chiến chống Mỹ cũng như giữa thời bình. Không những vậy, ông còn thực sự là một người con của nhân dân các bộ tộc Lào anh em. Ông không những chiến đấu góp phần giải phóng nhiều vùng đất của Lào, tiêu diệt, bắt giữ nhiều toán biệt kích, mà còn góp phần đào tạo cho bạn nhiều cán bộ.

Những chiến công của người Anh hùng Võ Hồng Tuyên thực sự khiến quân dân nước bạn nể phục như tham gia chỉ huy giải phóng vùng Và Na Mương - Bun Nhót, đánh bại một tiểu đoàn cát cứ; tổ chức lực lượng cùng với công an và bộ đội Pa-thét Lào giải phóng từ bản Na Hàng, Na Nắng, Na Mương, Bun Nhót với chiều dài 7km đường biên giới, chiều ngang 30km giáp Na Pê, Thà Khẹt...; ấn trú trong nhà vợ con trùm phỉ Tích Chuối, tìm lời hay, lẽ phải tác động, kêu gọi hàng ngàn lính phỉ quay súng về với bộ đội Lào, mang lại bình yên cho nhiều vùng đất, giữ được an toàn cho bộ đội Lào hành quân. Trong quá trình đó, ông đã bị ám sát hụt ba lần, tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng cũng bị thương phần mềm. Song ông vẫn nén đau, giả vờ như không có gì để vợ con trùm phỉ nghĩ bộ đội Việt Nam “mình đồng da sắt” súng đạn không thể sát thương.

Nghĩa tình mà Anh hùng Võ Hồng Tuyên đã gieo mầm trong lòng nhân dân các bộ tộc Lào trên biên giới Khăm Muộn từ những năm tháng gian khổ đó đã nảy cây, bén rễ vươn cành, trở thành biểu tượng đẹp của tình hữu nghị, đoàn kết giữa người lính biên phòng với quân dân nước bạn. Ngày 28/8/1970, ông được Quốc hội, Chính phủ tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những năm sau đó, ông tiếp tục phấn đấu, trở thành Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ Tĩnh và năm 1991, khi chia tách tỉnh, ông tiếp tục là Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh cho tới khi nghỉ hưu.

Những năm tháng trên cương vị người chỉ huy cao nhất của những người lính quân hàm xanh Hà Tĩnh, Anh hùng Võ Hồng Tuyên đã chỉ đạo đấu tranh thắng lợi nhiều chuyên án, vụ án lớn, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị trên biên giới, bờ biển; làm thất bại nhiều âm mưu và hoạt động của các toán phỉ, phản động lưu vong xâm nhập; phòng chống cướp giật, buôn bán ma túy... Và với cá nhân tôi, khi lật từng trang sử vàng truyền thống của BĐBP Nghệ An, Hà Tĩnh, tôi thầm nghĩ, trong vinh dự đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới... hẳn có những chiến công mang tinh thần đoàn kết Việt - Lào sâu nặng của người Anh hùng Võ Hồng Tuyên cùng đồng đội năm nào.

Đặng Tuệ Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/anh-hung-vo-hong-tuyen-nhung-chien-cong-cua-tinh-doan-ket-tren-bien-gioi-viet-lao-post471252.html