Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) - Những điều ít biết

Trong lịch sử Không quân Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có 2 Anh hùng phi công cùng là dân miền Nam tập kết ra Bắc, cùng họ, cùng tên, cùng chữ lót là Nguyễn Văn Bảy. Vì vậy, để dễ phân biệt, đơn vị đặt Bảy A và Bảy B. Nguyễn Văn Bảy (A) quê ở Ðồng Tháp, còn Nguyễn Văn Bảy (B) là người con của quê hương Cà Mau.

Những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi tìm gặp gia đình Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) để mong có thêm nhiều thông tin về người anh hùng với chiến tích đặc biệt, đầy ngưỡng mộ và là niềm tự hào của quê hương.

Bài 1: Chiến công đặc biệt

Nếu như Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (A) với thành tích chiến đấu vang dội bắn rơi 7 máy bay Mỹ, trở thành phi công huyền thoại của Không quân Việt Nam, thì Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (B) lại giỏi tài bay trên biển, với chiến công xuất chúng là dùng MiG-17 (loại máy bay được cho là cũ kỹ) đánh bom, làm chìm tàu khu trục Mỹ, theo "nguyên lý thia lia".

Đó là lần đầu tiên và được cho là hy hữu trên thế giới, Không quân Việt Nam đánh chìm khu trục hạm từ việc sáng tạo ra cách đánh bom độc đáo này. Ðây cũng là chiến công đầu tiên của Không quân Việt Nam đánh vào lực lượng hải quân Mỹ, làm cho quân đội Mỹ bất ngờ, khiếp vía.

Ông Nguyễn Anh Sơn, người anh thứ Sáu của Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) (hiện ngụ tại Khu Dân cư phường Tân Xuyên, TP Cà Mau), đưa cho tôi xem quyển sổ tay được đánh máy và đóng cuốn cẩn thận. Ông bảo, trong này có ghi những câu chuyện kể về Nguyễn Văn Bảy (B) từ bạn bè thuở còn đi học, đến những đồng đội trong phi đội bay, mà ông và người nhà cất công thu âm, ghi lại từ những cuộc gặp gỡ, họp mặt.

Ðọc qua các trang, bắt gặp nhiều thông tin thú vị, có thể thấy đây là nguồn tài liệu quý, giúp hiểu một cách bao quát về người anh hùng đầy ấn tượng này.

Lần đầu bay biển

Năm 1971, Mỹ - ngụy bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam. Tổng thống Mỹ Nichxơn chủ trương dùng hải quân và không quân tăng cường đánh phá miền Bắc, đặc biệt là từ Hà Tĩnh trở vào, để cắt đứt đường giao thông huyết mạch, nhằm hạn chế sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân tổ chức nghiên cứu, huấn luyện để cùng bộ đội Hải quân đánh tàu chiến Mỹ.

Lê Xuân Dị, Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Văn Bảy (B) và một số phi công khác được chọn huấn luyện bay biển, do chuyên gia Cuba hướng dẫn. Sau 2 tháng huấn luyện bay, biên đội Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (B) được chọn tham gia trận đánh mở màn.

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (B) sau giờ bay huấn luyện. (Ảnh tư liệu, do gia đình cung cấp)

Qua lời kể của Ðại tá Không quân Lê Xuân Dị (nguyên Ðội trưởng Ðội bay 4, quê Bắc Ninh), có thể hình dung về trận hải chiến có một không hai trong lịch sử này:

“Sáng 19/4/1972, tôi và Bảy (B) hiệp đồng với nhau lần cuối phương án tác chiến. Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho mở trạm rađa 403 để theo dõi tàu địch.

15 giờ 30 phút, rađa phát hiện 5 tốp tàu địch hoạt động cách bờ từ 8-12 km. Ðịch vào để chuẩn bị pháo kích. Ta chủ trương đánh các tàu này.

16 giờ, các tàu chiến Hạm đội 7 của Mỹ bắt đầu những loạt pháo đầu tiên vào thị xã Ðồng Hới. 16 giờ 5 phút, biên đội tôi và Bảy (B) được lệnh xuất kích, mỗi máy bay mang 2 trái bom rất nặng ở dưới cánh. Bằng kỹ thuật điều khiển chính xác, 2 con “én bạc” đã nhẹ nhàng bốc lên trời, trước hàng chục cặp mắt hồi hộp theo dõi. Sân bay nổi bụi mù mịt. 2 chiếc MiG hướng về đồi 280.

Biên đội đến cửa Sông Gianh. Mặt biển buổi chiều vương một lớp sương mù nhẹ, làm cản trở tầm nhìn từ trên cao xuống. Chúng tôi căng mắt quan sát. Bỗng một ánh chớp lóe lên trước mũi máy bay. Tôi báo cáo:

- Nhật Lệ, Hải Âu 1 phát hiện cá sấu, xin phép công kích.

- Cho phép công kích - Sở chỉ huy trả lời.

Một vệt lửa vút qua sát máy bay Bảy (B). Bọn Mỹ đã phát hiện MiG, các tàu chiến Mỹ đều nhìn thấy MiG, chúng phóng tên lửa, chúng báo động, cả Hạm đội 7 Mỹ báo động. Phi công tiêm kích trên hạm được lệnh cất cánh khẩn cấp. Bọn giặc nhốn nháo, hối thúc nhau. Các khu trục hạm kêu cứu về hàng không mẫu hạm.

- Hải Âu 2, độ cao 20 m, tốc độ 750 km/giờ - Tôi nhắc Bảy (B).

Từ độ cao 100 m, chúng tôi xuống thấp hơn nữa. Với độ cao này, địch rất khó điều khiển tên lửa để tấn công ta, còn ta thì thia lia bom rất tốt. Tôi ra lệnh:

- Hải Âu 2, chuẩn bị công kích, độ cao 20 m, tốc độ 750 km/giờ.

Hai tên lửa của địch lại vọt qua đầu tôi và Bảy (B). Tiếp theo là 2 tên lửa nữa và 1 tên lửa có vệt lửa rất dài phía sau, bay thẳng lên máy bay của Bảy (B). Bảy (B) cơ động ngang, chiếc tên lửa vọt ngang cánh máy bay.

- Nhật Lệ, Hải Âu 1 công kích - Tôi báo cáo về sở chỉ huy.

Ðến lúc này tôi và Bảy (B) đều nhìn rõ tàu chiến địch. Nó chạy dọc song song với bờ biển.

- Cắt bom - Tôi ra lệnh, đồng thời kéo cò cắt bom. 2 trái bom như 2 quả ngư lôi với tốc độ rất lớn lao thẳng vào tàu địch. 1 trái trúng khoang trước chiếc kỳ hạm, một cột khói dựng lên trước mũi chiếc tàu này”.

Chiếc máy bay tiêm kích MiG-17, mang số hiệu 2047, do Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (B) điều khiển ném bom tàu khu trục Mỹ vào năm 1972, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân, Hà Nội. (Ảnh tư liệu, do gia đình cung cấp)

Dũng cảm, mưu trí, bản lĩnh...

Trận chiến đấu được kể tiếp với đầy kịch tính, ngoạn mục:

“Khi Bảy (B) phát hiện mục tiêu thì quá gần, không kịp điều chỉnh cho máy bay vuông góc với tàu. Bảy (B) bay vọt qua tàu địch rồi vòng trở lại.

- Hải Âu 2, cắt bom - Tôi ra lệnh.

Bảy (B) đang ở giữa 4 chiếc kỳ hạm, 3 chiếc đang bắn tới tấp vào anh bằng đủ loại: tên lửa, pháo cao xạ và cả pháo bắn thẳng. Ðây là lưới lửa phòng không hiện đại. Có lẽ Bảy (B) là người đầu tiên trên thế giới vượt qua một lưới lửa của Mỹ: dày đặc và được điều khiển tự động bằng những rađa có máy tính điện tử hết sức tinh vi mà bọn Mỹ vẫn tự khoe “không một con ruồi nào bay lọt qua được lưới lửa này”. Bảy (B) đã cơ động và tránh được tất cả.

Mục tiêu công kích đã được chọn. Bảy (B) điều khiển đưa máy bay vào tấn công chiếc bên phải. Bọn Mỹ cố cơ động tàu để tránh đòn trừng phạt, nhưng chúng đã chậm. Bảy (B) hạ độ cao xuống còn 50 m. Cái khó là ngược ánh mặt trời và sóng địa từ từ núi phát ra mạnh.

Tôi hiểu rõ tính tình của Bảy: cái gì chắc mới nói, việc gì chắc mới làm. Trong chiến đấu, “tính lì lợm” ấy lại biểu hiện một cách đáng yêu, một chiến sĩ lái xuất sắc, đã lên trời thì rất bình tĩnh, tự tin”.

“Tên lửa và các loại pháo không ngừng phóng lên tới tấp. Bảy (B) hạ độ cao xuống còn 20 m, rồi còn 10 m. Mặt nước do luồng phản lực của máy bay cực thấp thoát ra tạo thành một luồng nước xoáy như con rồng nước khổng lồ cuồn cuộn phía sau. Chiếc MiG của Bảy (B) đã đạt tốc độ 800 km/giờ. Anh kiểm tra lại đường ngắm, đưa tay vào cò súng: 2.000 m - 1.000 m - 800 m - 500 m. Toàn bộ thân tàu đã trùm hết máy ngắm. Bảy (B) nghiến răng ấn cò và kéo nhẹ cần lái. Chiếc MiG ào ào vọt qua đầu chiến hạm, cùng lúc 2 quả bom như 2 con rồng thép, chỉ 1 lần thia lia có tốc độ rất lớn, lao tới như 2 quả tên lửa, cắm phập vào mạn tàu, đúng nơi chứa bom và đạn pháo. Bảy (B) lượn vòng lại trước một cột nước - khói cuồn cuộn vọt lên trời, chiếc tàu dài 200 m, đồ sộ, cao hơn nhà lầu 5 tầng, bị ngọn lửa khổng lồ bao trùm toàn bộ thân tàu.

Bảy (B) sung sướng báo cáo: “Hải Âu 2 đánh trúng, chiến hạm Mỹ đã bốc cháy”.

Các hạm tàu còn lại phóng hàng loạt tên lửa đuổi theo, Bảy (B) cơ động tránh được, hạ cánh an toàn.

Tôi đưa mắt nhìn đồng hồ: 16 giờ 20 phút. Trận đánh, kể từ lúc cất cánh cho đến khi máy bay hạ cánh an toàn, chỉ kéo dài 17 phút”.

“Sau đó ít lâu, qua tin tức của địch, chúng ta được biết: chiếc kỳ hạm USS Oklahoma City do tôi đánh bị thương nặng phải kéo qua Subic ở Philippines để đại tu. Còn chiếc chiến hạm bị Bảy (B) đánh là chiếc USS Highbee, chúng cố kéo về Ðà Nẵng, nhưng không kịp, nó đã bị chìm giữa biển khơi.

Hãng AP, ngày 20/4/1972 đưa tin: “Khoảng 16 giờ, tàu USS Highbee cùng biên đội đảm nhiệm của Hạm đội 7 hoạt động ở vùng biển tỉnh Quảng Bình - Bắc Việt Nam. Highbee là khu trục hạm vừa được Tổng thống Nixon tuyên dương vì đã vào gần vùng biển Hải Phòng cứu các phi công Mỹ bị bắn rơi ngày 16/4/1972. Chiếc Highbee đang pháo kích thì MiG bay tới... 2 quả bom 250 kg đánh trúng tàu, boong sau của chiến hạm bị bốc cháy, một đoạn lớn của hông tàu bị phá toang, ụ súng chứa đầy đạn nổ tung, tiếng la hét, kêu cứu thất thanh, quang cảnh thật buồn thảm. Các khẩu pháo lớn vỡ toát như cái loa kèn...””.

Chiếc máy bay MiG-17, mang số hiệu 2047, do phi công Nguyễn Văn Bảy (B) điều khiển, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân, Hà Nội.

Trang Thăm

Bài 2: Phẩm chất anh hùng

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/anh-hung-phi-cong-liet-si-nguyen-van-bay-b-nhung-dieu-it-biet-a32312.html