Anh hùng Kiều Văn Niết: Người thép trên 'đất thép'

Ngày 22/1/1976, Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng cho đồng chí Kiều Văn Niết, Đội trưởng Đội thông tin Trung đoàn 2 An ninh vũ trang (tiền thân là Trung đoàn Đất Thép). Khi đó, đồng chí Kiều Văn Niết mới tròn 25 tuổi, song đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội, bảo vệ cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Đồng chí Lê Thanh Việt (bên trái), Bí thư Thành ủy Rạch Giá thăm, tặng quà Anh hùng Kiều Văn Niết nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: Bích Tuyền

Hàng năm, cứ vào dịp Tết đến, Xuân về, Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang lại đến thăm hỏi, chúc Tết Anh hùng Kiều Văn Niết, hiện đang sống tại phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Vóc người rắn rỏi, quắc thước, Anh hùng Kiều Văn Niết vẫn nhớ rõ ngày ông được nhận danh hiệu Anh hùng cũng đúng vào ngày kỷ niệm truyền thống lực lượng Công an nhân dân vũ trang 3/3/1976. Cuộc đời của người anh hùng Kiều Văn Niết cũng như bao thanh niên yêu nước khác của đất Củ Chi anh hùng, gia nhập cách mạng từ rất sớm. Niềm tự hào xen lẫn niềm xúc động khi nhớ đến bao đồng đội đã hi sinh khiến ông không cầm được nước mắt.

Năm 1965, cách mạng miền Nam Việt Nam bị đàn áp dã man, những gia đình theo cách mạng bị truy bức, giết hại. Người cha của Kiều Văn Niết bị giặc bắn chết, để lại người vợ trẻ cùng 4 đứa con thơ. “Hồi đó tui nghĩ, chỉ có theo cách mạng chiến đấu mới giải phóng được quê hương, mới trả thù được cho cha và thoát cuộc đời ở đợ. Vào du kích khi mới tròn 16 tuổi, tôi được các chú giao cho làm giao liên và nấu cơm, tôi buồn mà không dám nói, bởi muốn được cầm súng giết thù. Giữa năm 1967, du kích xã Thái Mỹ chia thành nhiều tổ, nằm rải rác ngoài bìa trảng, đồng bưng. Mùa khô nắng cháy da. Mùa mưa nước ngập hầm, du kích phải treo võng trên nhánh cây. Tới năm 1968, tôi xin vào đơn vị bộ đội địa phương huyện Củ Chi. Được chiến đấu ngay trên quê hương, đối với tôi, đó là điều sung sướng”, đồng chí Kiều Văn Niết chia sẻ.

Khi mới vào đơn vị, đồng chí Kiều Văn Niết được giao nhiệm vụ làm liên lạc của đại đội, đưa thư tín từ đại đội xuống các trung đội và lên huyện đội. Nhiệm vụ đó mới nghe tưởng như đơn giản, nhưng nếu hiểu được hoàn cảnh ngặt nghèo lúc bấy giờ thì mới thấy, nhiệm vụ ấy nguy hiểm, khó khăn đến nhường nào. Thậm chí có người ví, để chuyển được những thư tín đó qua trùng trùng đồn bốt và hàng trăm cặp mắt do thám, hàng chục chốt kiểm tra của địch nhiều khi phải đánh đổi bằng xương máu. Vào những ngày cao điểm, địch bố ráp, càn quét từ trong làng tới ngoài ruộng, mìn giăng khắp những lối mòn, nẻo kênh, bom pháo bắn phá liên tục. Nếu không thuộc địa hình, nhanh trí và có linh cảm tốt, người chạy thư có thể hi sinh bất cứ lúc nào.

Đồng chí Kiều Văn Niết cho biết thêm, ngày ấy, ngoài nhiệm vụ liên lạc, thường ngày ông còn vào ấp chiến lược nắm tình hình địch, đi gài mìn, cắm chông chặn đánh địch. Khi tổ chức có yêu cầu, ban đêm ông tháp tùng các thủ trưởng vào ấp tuyên truyền, giáo dục đồng bào và canh gác cho các anh an toàn. Khi đã thông thạo địa bàn và được huấn luyện chiến đấu, tới đầu năm 1969, ông mới chính thức được tổ chức phân công tham gia chiến đấu. Tới cuối năm 1970, người chiến sĩ thông tin Kiều Văn Niết đã cùng đơn vị đánh 18 trận lớn nhỏ, diệt 300 tên địch, làm hư 25 xe, bắn rớt 1 máy bay trực thăng, thu hàng trăm súng. Bản thân Kiều Văn Niết đã chiến đấu ngoan cường, diệt được 8 tên Mỹ, 18 tên ngụy, bắn cháy 1 xe tăng, thu về 4 súng AR15.

Trong câu chuyện với người anh hùng của đất thép Củ Chi, tôi chợt nghĩ, lịch sử không chỉ là những sự kiện được ghi lại bằng ngày tháng, bằng con số..., lịch sử còn là từng con người, từng số phận, từng hạnh ngộ trong thời điểm, thời khắc ấy. Và mỗi nhân chứng lịch sử, đều mang hào quang của chiến thắng, có khí thế bất khuất – kiên cường của miền Nam thành đồng, có sự ưu tư, khắc khoải trong hoài niệm những con người thầm lặng hiến dâng như những người mẹ, cậu bé giao liên, những anh du kích, chị dân quân. Người dân Củ Chi vẫn nhớ câu chuyện về người anh hùng trẻ tuổi ấy dù còn một tay vẫn tiếp tục chiến đấu để đánh bọn biệt kích rình rập cán bộ ta ra vào ấp chiến lược Bàu Tre.

Đó là trận đánh vào tháng 9/1970, khi đang trên đường vào ấp theo phương án đã định, bất ngờ tổ của đồng chí Niết đụng địch. Chúng nổ súng tấn công khiến một cán bộ trong tổ hi sinh. Đồng chí Kiều Văn Niết lập tức bắn trả, đồng thời phát tín hiệu cho đồng chí Hai Dân là tổ trưởng biết. Sau khi ném 2 quả lựu đạn và xả 2 băng AK, nhưng quân số của địch quá đông, Kiều Văn Niết phải lui lại phía ngoài trận địa, vừa cầm cự, vừa quan sát tìm đồng chí Hai Dân lúc này cũng đang dựa vào bụi tre nã súng vào đồn. Rồi pháo sáng bắn vút lên trời, soi đường cho đám biệt kích rút lui thì thình lình, một quả cối 81 ly từ đồn Bàu Tre nã ra nổ sát cạnh chỗ Kiều Văn Niết đang phục kích, làm khẩu AK đang ôm trước ngực bị văng xa. Kiều Văn Niết thấy ngực âm ấm, nhìn lại thì cánh tay đã đứt lìa, máu ướt đầm nửa người. Ông nén đau trườn tới nhặt khẩu súng quàng vai, tay trái ôm tay phải chỉ còn dính da rút khỏi trận địa, chạy đến cơ sở mật.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Kiên Giang đến thăm Anh hùng Kiều Văn Niết mỗi độ Tết đến, Xuân về. Ảnh: Bích Tuyền

“Khi đó, tôi chạy đến nhà chị Tư Lẽo, nhìn thấy tôi đầy máu, chị kêu trời rồi đẩy tôi vô nhà. Lúc ấy tôi chỉ kịp nói: “Chị lấy dao cắt tay em cho khỏi vướng”, nhưng chị chỉ lấy khăn quấn quanh cánh tay đứt, sau đó đưa tôi về căn cứ ở ấp Trung Viết, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Lúc đó ngoài trời hỏa châu sáng rực, súng cối vẫn nã ra đồng, cánh tay rất vướng víu, không thể chiến đấu nếu gặp địch nên tôi ngồi xuống, đặt cánh tay lên bờ ruộng dùng bàn chân đạp giật nó đứt ra mà không được, hai lần đều ngất xỉu. Gần sáng, anh em trong cứ tìm thấy tôi bất tỉnh bên bờ ruộng liền đưa về, cắt bỏ tay, băng bó tạm rồi băng đồng đưa tôi đến bệnh viện. Sau này anh Hai Dân kể lại, anh em trú ngoài trảng khá lâu mà không thấy tôi nên cứ nghĩ là đã hi sinh. Ai dè tôi cao số, trận đó không chết mà còn diệt được 3 tên và 2 tên bị thương, trong đó có thằng thượng sĩ ác ôn” - Anh hùng Kiều Văn Niết hóm hỉnh kể lại.

Sau khi mất cánh tay, sức khỏe giảm sút, đồng chí Kiều Văn Niết được huyện đội đưa về cơ quan để làm liên lạc. Từ năm 1971 đến cuối năm 1974, người dũng sĩ – thương binh ấy đã không quản đêm ngày, lúc đội nón lá trà trộn vào nông dân, lúc xuống ghe theo khách thương hồ để qua mắt địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển 700 thư hỏa tốc và gần 1.000 thư thường cho 22 xã và 14 cơ quan trong toàn huyện, đảm bảo an toàn tất cả mọi công văn, chỉ thị của Đảng,

Từ cuối năm 1974, Trung đoàn Đất Thép thành lập, đồng chí Kiều Văn Niết được điều động về Đội hỏa tốc để đảm bảo thông tin phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Với vai trò là Đội trưởng, ông đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin, liên lạc cho nhiều trận đánh lớn nhỏ, góp phần vào đại thắng 30/4/1975. Tới tháng 6/1975, Trung đoàn Đất Thép đổi thành Trung đoàn 2 An ninh vũ trang, rồi thống nhất trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Những năm tháng sau giải phóng, đồng chí Kiều Văn Niết công tác ở cơ quan Thường trực Cục Chính trị BĐBP. Đến cuối năm 1983, đồng chí chuyển công tác về Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang và nghỉ hưu tại đây.

Nhìn gương mặt hồn hậu của người anh hùng thép của miền đất thép, tôi càng thêm thấm thía, để có được độc lập, tự do như ngày hôm nay, đã có biết bao làng quê, xóm ấp, biết bao người dân trong cộng đồng ấy đã xả thân vì nghĩa lớn, vì lý tưởng cách mạng.

Đặng Tuệ Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/anh-hung-kieu-van-niet-nguoi-thep-tren-dat-thep-post472419.html