Angola nóng kết quả bầu cử

Cuộc bầu cử Quốc hội Angola hôm 24-8 vừa qua đã có kết quả kiểm phiếu sơ bộ, với tỉ lệ thắng phiếu thuộc về đương kim Tổng thống João Lourenco và đảng cầm quyền của ông. Mặc dù không còn mạnh như trước, song kết quả này cũng đủ đề tiếp tục củng cố địa vị quyền lực cho đương kim tổng thống trước sự cạnh tranh gay gắt đến từ phía đối lập.

Ủy ban Bầu cử quốc gia Angola đã tuyên bố Tổng thống đương nhiệm João Lourenco và đảng Phong trào nhân dân giải phóng Angola (MPLA) của ông đã chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào ngày 21-8. MPLA đã giành được 51,17% phiếu bầu, kết quả được xem là tệ nhất từ trước đến nay. Liên minh Quốc gia vì sự độc lập hoàn toàn cho Angola (UNITA) đạt 43,95%, tỉ lệ phiếu cao nhất của đảng này.

Đương kim Tổng thống Angola João Lourenco.

Thông báo kết quả được đưa ra một ngày sau tang lễ của ông José Eduardo dos Santos, cựu lãnh đạo lâu năm của Angola và người đứng đầu MPLA, người đã qua đời ở Tây Ban Nha vào tháng 7, vì vậy an ninh ở thủ đô Luanda đã được thắt chặt nhằm phòng ngừa sự cố bất trắc gây ra bởi các lực lượng chống đối nhau.

Cuộc bầu cử được đánh giá là cuộc đấu gay go nhất trong lịch sử Angola thời kỳ độc lập, với tỉ lệ thắng bại đã được thu hẹp đáng kể giữa đàng dẫn đầu và đảng đối lập về nhì. Kết quả bầu cử cho phép Tổng thống Lourenco an tâm tiếp tục nhiệm vụ phục vụ nhiệm kỳ thứ hai ở quốc gia giàu dầu mỏ của châu Phi, trong khi đảng MPLA của ông cũng sẽ tiếp tục kéo dài thời gian lãnh đạo đất nước Angola hơn 50 năm cho đến thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tiếp theo.

Adalberto Costa Júnior, lãnh đạo đảng thua cuộc UNITA, đã bác bỏ kết quả bầu cử sơ bộ vừa được công bố. Ông ta viện dẫn sự khác biệt giữa số lượng phiếu bầu của Ủy ban Bầu cử quốc gia với số lượng của liên minh đối lập tự mình thống kê. “Unita không công nhận kết quả tạm thời. Chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng MPLA đã không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử”, ông nói với các phóng viên và những người ủng hộ vào hôm 29-8.

Các nhà phân tích cho rằng phe đối lập sẽ đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan nếu họ bác bỏ kết quả bầu cử chính thức. Việc xúi giục một chiến dịch biểu tình trên đường phố sẽ khiến UNITA bị buộc tội cố tình gây rối loạn nhưng việc tìm cách giải quyết khác thông qua các kênh hợp pháp hoặc hiến pháp không chắc sẽ thành công.

Mỹ kêu gọi “tất cả các bên tự thể hiện mình một cách hòa bình và giải quyết bất kỳ khiếu nại nào phù hợp với các quy trình pháp lý hiện hành theo luật pháp Angola”. Các nhà quan sát từ Liên minh châu Phi (AU) cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự sau cuộc thăm dò, mặc dù cũng đã thừa nhận những lời phàn nàn rằng MPLA được hưởng lợi từ nhiều lợi thế không công bằng. AU cho biết: “Trong khi có những báo cáo về một sân chơi không công bằng, cần lưu ý rằng các cuộc bầu cử thường được tiến hành một cách hòa bình”.

Cuộc bầu cử Quốc hội Angola là cuộc cạnh tranh giữa các chính trị gia kỳ cựu nắm quyền trong nhiều thập kỷ và một thế hệ chính khách trẻ thuộc thế hệ mới. Cuộc bầu cử cũng tạo ra cơ hội mới cho lực lượng cử tri trẻ chỉ mới bắt đầu nắm bắt tiềm năng mang lại một sự thay đổi căn bản. Hiện dân số Angola có đến hơn 60% dưới 24 tuổi. Đây được xem là một thách thức thời đại đối với đương kim Tổng thống Lourenco và đảng MPLA của ông, những công thần giành độc lập cho đất nước Angola.

Tổng thống Lourenco, một cựu tướng lĩnh được đào tạo ở Liên Xô (cũ), người đã hứa hẹn một kỷ nguyên mới khi ông kế nhiệm ông Dos Santos cách đây 5 năm. Trên thưc tế ông Lourenco đã có nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trả các khoản nợ khổng lồ. Ông đã ban hành một số cải cách, bao gồm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả tài chính trong các “tổ chức cận thần” và thúc đẩy các chính sách thân thiện với doanh nghiệp để thu hút những nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, điều mà vị Tổng thống Lourenco (68 tuổi) hầu như chưa làm được là cải thiện cuộc sống của 35 triệu cư dân Angola. Những người chỉ trích ông cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng nổi tiếng do ông chỉ đạo chỉ nhắm vào những kẻ thù hùng mạnh, trong đó có bà Isabel dos Santos, con gái của cố Tổng thống Dos Santos.

Dù chỉ trẻ hơn tổng thống đương nhiệm 8 tuổi, lãnh đạo đảng đối lập Costa Júnior đã cố gắng thể hiện mình là đại diện của xã hội dân sự trẻ và tất cả những người đã chịu thiêt thòi dưới sự lãnh đạo của đảng MPLA trong nhiều năm qua.

Đảng UNITA từng là đại diện của phương Tây, được Mỹ và các đồng minh tài trợ và trang bị vũ khí, nhưng cuối cùng đã thua trong cuộc nội chiến kéo dài 27 năm trước MPLA, được Liên Xô (cũ) hậu thuẫn.

Dưới sự lãnh đạo của Costa Júnior, đảng này đã chuyển sang đường lối trung dung nhưng vẫn được coi là ủng hộ phương Tây và ủng hộ doanh nghiệp, tương phản với nền tảng tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tiếp tục liên kết với Nga của MPLA. Các quan chức đảng UNITA cho biết họ sẵn sàng chờ đợi thêm 5 năm nữa để lên nắm quyền, nhưng những khó khăn của MPLA đã làm nổi rõ lên những thách thức mà nhiều đảng hoặc lãnh đạo khác phải đối mặt sau cuộc xung đột trên lục địa đen.

Angola, với trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, một lần nữa lại trở thành khu vực cạnh tranh trọng điểm của các cường quốc. Bắc Kinh đã mất chỗ đứng trong những năm gần đây sau khi ông José Eduardo dos Santos trả các khoản nợ khổng lồ cho Trung Quốc. Cả Nga và Mỹ cũng đều nỗ lực để giành ảnh hưởng ở Luanda.

Xung đột ở Ukraine đã làm gia tăng sự cạnh tranh trên khắp lục địa. Angola nằm trong số 17 quốc gia châu Phi từ chối ủng hộ đề nghị của Đại hội đồng Liên Hợp quốc lên án cuộc xâm lược của Nga.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/angola-nong-ket-qua-bau-cu-i666331/