Ấn tượng 3 nhà báo của Báo Lào Cai đổi mới

Đó là các nhà báo: Võ Anh Dũng, Trần Hậu, Phạm Văn Mạc.

Có một nhà báo người Sài Gòn là Phó Tổng biên tập Báo Lào Cai đổi mới

Đầu năm 1973 Nhà báo Võ Anh Dũng, Phó Tổng biên tập Báo Lào Cai đổi mới là cán bộ chủ chốt duy nhất của tỉnh Lào Cai đã xung phong trở lại chiến trường Nam Bộ trực tiếp phục vụ nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước trên cương vị chuyên viên báo chí của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đóng ở căn cứ R vùng biên giới huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Cố Nhà báo Võ Anh Dũng, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Lào Cai đổi mới và nguyên Trưởng phòng Báo chí Ban Tuyên huấn Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi chuẩn bị kỷ niệm lần đầu truyền thống Báo Lào Cai 10/4/1998, nhà báo Hồ Xuân Đoan, Tổng biên tập có gửi thư mời viết bài, ảnh tư liệu cho cuốn đặc san Báo Lào Cai cho tất cả cán bộ, phóng viên, công nhân viên từng công tác, làm việc ở Báo Lào Cai đổi mới và Báo Hoàng Liên Sơn, trong đó có Nhà báo Võ Anh Dũng khi đó đã nghỉ hưu ở quê nhà Thành phố Hồ Chí Minh trên cương vị nguyên Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản của Ban Tuyên huấn Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà báo Võ Anh Dũng rất cảm động gửi thư hồi âm và cả ảnh chân dung gửi đăng đặc san kỷ niệm 35 năm truyền thống Báo Lào Cai.

Trong thư, Nhà báo Võ Anh Dũng viết:

"... Xa Lào Cai từ năm 1973, là người Nam Bộ đầu tiên ở Lào Cai đi B. Về làm công tác báo chí tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam khi còn chiến tranh, đến khi giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, trở thành Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản của Ban Tuyên huấn Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho đến năm 1988 nghỉ hưu, tính đến nay (1998) 25 năm xa cách Lào Cai.

Bao nhiêu kỷ niệm với những năm tháng tiễu phỉ, tiếp tục chống Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, rồi xây dựng và phát triển phong trào địa phương cũng như sự lớn mạnh của Lào Cai, đối với tôi là những kỷ niệm không bao giờ quên...".

Sau đó không lâu nghe tin ông mất, nhưng vì quá xa xôi nên cơ quan không biết và không tới viếng nhà báo Võ Anh Dũng được.

Mấy năm sau, chúng tôi được đón tiếp bà Thảo - vợ ông, cùng con trai Nhà báo Võ Anh Dũng ra thăm thị xã Lào Cai có ghé qua tòa soạn Báo Lào Cai trên đường Hoàng Liên.

Tôi biết sơ qua Nhà báo Võ Anh Dũng và cũng biết gia đình ông có ngôi nhà gỗ, lợp gianh xinh xắn trồng rất nhiều hoa ở cuối thôn Phú Thịnh, xã Nam Cường khi đó trực thuộc huyện Bảo Thắng, nơi này hiện nay là Khu đô thị Bitexco Lào Cai.

Trong hồi ức kỷ niệm in trong cuốn đặc san 35 năm truyền thống Báo Lào Cai (10/4/1963 - 10/4/1998), Nhà văn - Nhà báo Ma Văn Kháng, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Lào Cai đổi mới kể:

“... Cùng thế hệ với anh Vũ Văn Thụ, Tổng biên tập đầu tiên của Báo Lào Cai đổi mới còn có Võ Anh Dũng, người Sài Gòn, Phó Tổng biên tập Báo Lào Cai đổi mới.

Dạt dào khí chất Nam Bộ, anh Dũng là con người cởi mở, phóng khoáng. Đồng thời tiếp nhận từ chị Thảo người Bắc vợ anh tính cần mẫn, nhẫn nại, anh là sự hòa hợp rất mẫu mực giữa sự sôi động và tính chín chắn. Anh là cầu nối của tờ báo với các phong trào xã hội..."

Nhà báo Trần Hậu, người ghi lịch sử qua những bức ảnh

Cố Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hậu là phóng viên ảnh duy nhất của Báo Lào Cai đổi mới từ năm 1963 - 1975 và sau đó là Báo Hoàng Liên Sơn những năm đầu sáp nhập tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hậu là hội viên đầu tiên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Lào Cai, đồng thời cũng là người góp phần sáng lập Hội Văn nghệ tỉnh Lào Cai 50 năm trước.

Cố Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hậu, nguyên phóng viên Báo Lào Cai đổi mới và Báo Hoàng Liên Sơn.

Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hậu có cơ may được trực tiếp ghi lại hầu hết những bức ảnh về vùng đất Lào Cai đăng Báo Lào Cai đổi mới và Báo Hoàng Liên Sơn, nay những bức ảnh đã trở thành hình ảnh lịch sử vô giá của quê hương.

Trong cuốn đặc san kỷ niệm 35 năm truyền thống Báo Lào Cai (10/4/1963 - 10/4/1998) Nhà báo - Nghệ sỹ Trần Hậu viết:

" Năm 1954 kết thúc cuộc chiến tranh chống Pháp, mỗi người đều chọn chỗ "định vị" cho mình, lúc đó tôi là chàng trai 19 tuổi đầy ước mơ, đầy dự kiến.

Tôi rời vùng đất Bát Xát, mang theo nhiều kỷ niệm của 4 năm đầy tự hào vì chiến thắng và những kỷ niệm buồn vì mất mát đồng đội.

Đồng chí Hoàng Trường Minh, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Lào Cai điều động tôi về công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy nhằm đào tạo tôi theo sở trường nguyện vọng.

Tôi tự học nhiếp ảnh báo chí và năm 1958 có ảnh đăng báo, đó là bức ảnh đầu tiên "Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh khai thông".

Thấy vậy, Tỉnh ủy điều tôi về làm phóng viên ảnh chuyên nghiệp cho Báo Lào Cai đổi mới từ những năm 1963 và sau này là Báo Hoàng Liên Sơn.

Sau tái lập tỉnh Lào Cai tháng 10/1991, gia đình tôi vui sướng từ thị xã Yên Bái trở lại ở trên đất nhà mình gần chợ Cốc Lếu và tôi lại tiếp tục sáng tác ảnh khi cơ thể bị tai biến đã được điều trị dần phục hồi.

Điều làm tôi gắn bó sâu sắc với quê hương Lào Cai thơ mộng mà không nơi nào có được, dù tôi đã đi qua nhiều địa danh giàu đẹp nổi tiếng của đất nước...".

Hiện nay, thư viện Báo Lào Cai đang lưu giữ bộ tư liệu đặc biệt quý hiếm của tỉnh Lào Cai gồm hầu hết các số Báo Lào Cai đổi mới (10/4/1963 - 30/12/1975) và Báo Hoàng Liên Sơn (1/1976 - 9/1991) trong đó phần nhiều là ảnh thời sự chính trị và các bức ảnh phản ánh hoạt động chính của địa phương do Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hậu chụp.

Khi còn sống cách đây hơn 20 năm, Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hậu mong muốn hiến lại toàn bộ số phim ảnh ông ghi lại ở tỉnh Lào Cai và tỉnh Hoàng Liên Sơn, nhưng vì nhiều lý do khách quan nên dự định của ông không trở thành hiện thực...

Tuy nhiên, ảnh của Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hậu mãi mãi còn lại với lịch sử Lào Cai qua các trang Báo Lào Cai và Tạp chí Văn nghệ Lào Cai xưa đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia và Thư viện Báo Lào Cai.

Người chụp bức ảnh Nhà báo - Nhà văn - Liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết trên biên giới

Ít người biết bức ảnh lịch sử duy nhất ghi dáng đứng hiên ngang cầm súng trên điểm tựa tiền tiêu bảo vệ biên giới Tả Ngải Chồ (huyện Mường Khương) của Nhà báo - Nhà văn - Liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết, phóng viên chiến trường của Báo Hoàng Liên Sơn trước khi hy sinh ngày 17/2/1979 không lâu là do Nhà báo Phạm Văn Mạc chụp.

Bức ảnh Nhà báo - Nhà văn - Liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết cùng bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tả Ngải Chồ (huyện Mường Khương) do nhà báo Phạm Văn Mạc chụp đầu năm 1979.

Bức ảnh được rất nhiều tờ báo và tạp chí lớn trong nước đăng tải cùng bài viết về tấm gương Nhà báo Bùi Nguyên Khiết anh dũng chiến đấu cùng bộ đội địa phương bảo vệ biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.

Cố Nhà báo Phạm Văn Mạc quê quán ở vùng biển Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng), nguyên phóng viên Báo Lào Cai đổi mới và Báo Hoàng Liên Sơn, Ủy viên Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Yên Bái.

Thời thơ ấu cùng gia đình lên khai hoang ở huyện Bảo Thắng và sau khi tốt nghiệp cấp 3 trường bổ túc công nông tỉnh Lào Cai, anh Phạm Văn Mạc cùng anh Sần Quáng, người dân tộc Giáy ở Sa Pa và anh Triệu Ngọc Bích, người dân tộc Tày ở Gia Phú được Báo Lào Cai đổi mới tuyển chọn gửi về học khóa đầu Đại học Báo chí của Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội).

Tốt nghiệp Đại học Báo chí năm 1972, Nhà báo Phạm Văn Mạc và Nhà báo Sần Quáng trở về công tác ở Báo Lào Cai đổi mới, còn Nhà báo Triệu Quang Bích được bổ sung vào chiến trường Quảng Trị làm nhiệm vụ phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, năm 1976 nhà báo Triệu Quang Bích lại trở về quê hương làm phóng viên Báo Hoàng Liên Sơn và sau này làm Ủy viên Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Lào Cai cho tới khi nghỉ hưu.

Nhà báo Sần Quáng chuyển sang làm việc ở cơ quan dân vận của Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn và chia tách tỉnh ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/357617-an-tuong-3-nha-bao-cua-bao-lao-cai-doi-moi