An toàn là trên hết

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả, nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng còn ở mức cao và đáng lo ngại. Năm 2023, trên toàn quốc xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng và 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết.

Trong 4 tháng đầu năm 2024 cũng liên tục xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của nhiều lao động. Mới đây nhất là vụ việc làm 62 công nhân mắc bụi phổi ở Công ty TNHH Châu Tiến tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hay chiều 22-4 xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Nhà máy Xi măng Yên Bái thuộc Công ty cổ phần xi măng và khoáng sản Yên Bái làm 7 người tử vong và 3 người bị thương, khiến dư luận không khỏi xót xa, day dứt.

Thực tế, hầu hết các vụ tai nạn lao động đều bắt nguồn từ việc người lao động không được trang bị đầy đủ kiến thức về ATVSLĐ. Kế đến là các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất không được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, trong khi việc thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ thiếu sâu sát, chưa phát hiện kịp thời các vi phạm, thậm chí phát hiện có sai phạm, nhưng không xử lý nghiêm, dẫn đến nguy cơ mất ATVSLĐ... Đặc biệt tình trạng thiếu cương quyết trong việc yêu cầu người lao động thực hiện đúng, đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy trình, quy định, biện pháp kỹ thuật an toàn vẫn còn diễn ra phổ biến.

Bên cạnh những bất cập, lỗ hổng trong công tác quản lý, vận hành hoạt động sản xuất - kinh doanh, hầu hết các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra bắt nguồn từ sự coi nhẹ, làm việc qua loa, sơ sài của người lao động và chủ sử dụng lao động, như: không đeo khẩu trang, không mặc đồ bảo hộ lao động; sử dụng bật lửa, hút thuốc lá hoặc chất dễ bén lửa trong quá trình làm việc; máy móc bị lỗi, hư hỏng thiết bị do hoạt động thường xuyên nhưng không được quan tâm sửa chữa gây mất an toàn; không có thiết bị cảnh báo, thiếu ánh sáng; không thiết kế rào chắn xung quanh khu vực nguy hiểm… Thậm chí ở không ít doanh nghiệp, người lao động phải làm việc trong môi trường khói bụi, độc hại, nguy hiểm. Với những nguyên nhân chủ quan này, nếu các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu, có biện pháp khắc phục triệt để sẽ không xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

Từ thực tiễn công tác bảo đảm ATVSLĐ cho thấy, muốn bảo đảm an toàn lao động phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền với người sử dụng lao động và người lao động. Trong đó, ý thức tuân thủ, việc tự giác thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động là quan trọng nhất. Đặc biệt, là người chịu trách nhiệm chính nếu xảy ra mất an toàn lao động, tai nạn lao động, muốn bảo đảm an toàn cho người lao động, chủ sử dụng lao động phải có tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo trong việc tạo ra một môi trường làm việc không có các nguy cơ mất an toàn.

Tuy nhiên, để có một môi trường làm việc thật sự an toàn, ngoài hoàn thiện cơ chế, chính sách về ATVSLĐ, trên hết chúng ta phải tạo ra văn hóa an toàn lao động và luôn hướng đến việc xóa bỏ các nguy cơ mất an toàn lao động. Muốn vậy, khi thực hiện một hoạt động, công việc gì, người sử dụng lao động phải đánh giá kỹ rủi ro có thể gây mất an toàn cho người lao động và có phương án xử lý cụ thể trước khi triển khai thực hiện. Còn người lao động phải ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc loại trừ các nguy cơ không an toàn, kịp thời báo cáo chủ sử dụng lao động xử lý khi phát hiện nguy mất an toàn.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/157109/an-toan-la-tren-het