Ẩn số chốt đơn thực phía sau phiên livestream khoe chục tỷ đồng?

Livestream bán hàng ngày càng phổ biến và trở thành 'cơn sốt' trong thời đại công nghệ. Có phiên livestream đã đạt được doanh số công bố hàng chục tỷ đồng, nhưng tỷ lệ chốt đơn thực vẫn là ẩn số mà chỉ có KOL và nhãn hàng biết.

Từ năm 2019, Việt Nam đã xuất hiện livestream Facebook, Tiki live, sau đó Shopee và Lazada live… Các nền tảng này đều có hoạt động livestream, tuy nhiên phải đến khi Tiktok Shop ra mắt cuộc chơi livestream mới sôi động và có nhiều hướng đi.

Cuộc đua livestream tiền tỷ

Việc TikTok đẩy mạnh livestream với người sáng tạo nội dung của họ khiến cho các nền tảng khác cũng tập trung hơn và bắt đầu có sự đầu tư nghiêm túc từ công nghệ cho đến nội dung và ngân sách.

Sau phiên livestream là những con số khoe tiền tỷ, tuy vậy tỷ lệ chốt đơn thực là bao nhiêu vẫn là ẩn số.

Sự tham gia của KOL (Key Opinion Leader), KOC (Key Opinion Consumer) và người nổi tiếng trong các buổi livestream bán hàng cũng là yếu tố lớn góp phần gia tăng sức hút. Họ sở hữu lượng fan hùng hậu, có khả năng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người xem.

Mới đây, một kênh TikTok đã đạt được doanh thu kỷ lục 75 tỷ đồng, sau phiên livestream kéo dài 13 tiếng đồng hồ. Tài khoản này bán được gần 100 sản phẩm đến từ 50 thương hiệu thuộc các ngành hàng như mỹ phẩm, đồ gia dụng, trang sức…

Theo TS. Alrence Halibas, giảng viên cấp cao ngành Digital Marketing (Đại học RMIT Việt Nam), kỷ lục 75 tỷ đồng có thể bị phá vỡ trong tương lai. Bởi, sự phát triển không ngừng của nền tảng kỹ thuật số và hành vi thay đổi của người tiêu dùng đối với mua sắm và giải trí trực tuyến, nhiều nhãn hàng và người có ảnh hưởng có thể sử dụng tính năng livestream để kết nối hiệu quả với người xem và tăng doanh số bán hàng.

Giảng viên ngành Digital Marketing tại ĐH RMIT Việt Nam, TS. Jasper Teow cũng tiên đoán những kỷ lục mới dựa trên sự phát triển ngày càng tăng của hoạt động livestream và sử dụng người có sức ảnh hưởng ở Việt Nam. “Những người theo dõi/người hâm mộ/bạn bè/gia đình của những người có ảnh hưởng khác nhau sẽ mong muốn được chứng kiến người mà họ yêu thích gặt hái thành công. Điều này có thể dẫn đến “cuộc đua” giữa các cộng đồng người có ảnh hưởng và kỷ lục bán hàng ngày càng cao hơn”.

Sau phiên livestream là những con số khoe tiền tỷ, tuy vậy tỷ lệ chốt đơn thực là bao nhiêu vẫn là ẩn số. Đơn cử như phiên livestream của 1 chủ kênh TikTok thu về 75 tỷ đồng, con số này ngang bằng với cả hệ thống siêu thị có khoảng 4.000 cửa hàng trên khắp cả nước. Tuy vậy, nhiều người vẫn đặt vấn đề này đằng sau phiên live có phải chiêu bài marketing, và tỷ lệ chốt đơn thực là bao nhiêu vẫn không được tiết lộ.

Trước thực tế, livestream đang trở thành ngành công nghiệp bài bản hơn, với những mỹ từ như “chiến thần livestream, chúa tể vạn đơn”. Bà Nguyễn Huệ Chi, CEO Học viện Livestram Top One, thông tin phiên livestream tại Trung Quốc đạt doanh số cao nhất là 6.000 tỷ đồng. Nếu so sánh Trung Quốc với hơn 1 tỷ dân, thì phiên livestream tại Việt Nam có thể đạt doanh số khoảng 300 tỷ. Tuy nhiên, quãng đường từ 75 – 300 tỷ là rất xa.

Sẽ có đơn hàng ảo

Tuy vậy, phiên livestream có lời hay không chỉ có KOL biết, nếu thu về doanh số thực khoảng ½ hoặc 1/3 doanh thu là đã thành công. Thông thường tỷ lệ chốt đơn hàng thực phù thuộc vào việc nền tảng hỗ trợ thế nào, bao nhiêu voucher, chi phí quảng cáo, mặt hàng… “Ước tính, khoảng 10-15% trên lượng người xem đã thành công rồi”, bà Huệ Chi nói.

Để thành công, phiên livestream đó phải có giá sản phẩm cực kỳ rẻ, thông dụng, đúng tệp người theo dõi KOL, xuất hiện nhiều người nổi tiếng trên mạng. Ngày hôm đó nền tảng có ưu đãi voucher để khách hàng cảm thấy lên đó mua hàng sẽ được rẻ.

Thêm vào đó, các chuyên gia cũng cho rằng đơn hàng ảo, người đặt hàng ảo là có. Điều này sẽ tạo hiệu ứng cho người xem thấy rằng, khách hàng mua nhanh thì mình cũng phải mua không hết.

Thực tế, có nhiều người đổi đời được nhờ livestream. Nhưng đây cũng là công việc không hề dễ dàng, cần sự hy sinh, cần mẫn và thực tâm.

Theo ông Trương Nhật Dương, Giám đốc Thương mại Điện tử tại Accesstrade Vietnam, để có những phiên livestream tiền tỷ thì sẽ có rất nhiều thủ thuật. Đội ngũ ekip hoạt động liên tục, người livestream phải có thời gian dài xây dựng tên tuổi, độ uy tín. Thực tế, Trung Quốc đã có phiên live kỷ lục đạt hơn 6.000 tỷ đồng, song phiên livestream có lãi hay không thì chỉ có đội ngũ đó nắm rõ.

"Để lên được vài chục tỷ thực sự rất khó, tỷ lệ chốt đơn hàng thực tế tầm 10-15% lượng người xem đã là thành công. Nó còn nhiều yếu tố tác động như nền tảng hỗ trợ như thế nào, đội ngũ chi tiền bao nhiêu cho quảng cáo, livestream có nhiều mã khuyến mãi hay không? Người nổi tiếng phải xuất hiện nhiều để thu hút người xem, đội vận hành có những thủ thuật gì tạo hiệu ứng đám đông để được đề xuất trên nền tảng…", ông Dương nói.

Với người dùng khi theo dõi các phiên livestream cần lưu ý so sánh giá để không bị “mua hớ”. Bên cạnh đó, người dùng thường khó kiểm tra chất lượng sản phẩm qua livestream, đôi khi vì ham giá rẻ mà mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng và bỗng dưng bị mất tiền oan. Do đó, người dùng cũng nên cẩn trọng kiểm tra kỹ thông tin nhà bán hàng, nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo không mua phải hàng kém chất lượng.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/an-so-chot-don-thuc-phia-sau-phien-livestream-khoe-chuc-ty-dong-1098902.html