An ninh lương thực là an ninh quốc gia

Trung Quốc có câu thành ngữ 'dân dĩ thực vi thiên' (dân lấy lương thực làm trọng). Câu nói này phản ánh tầm quan trọng của lương thực ở Trung Quốc. Trong hàng nghìn năm, an ninh lương thực vẫn luôn là mối ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trung Quốc. Điều này được cụ thể bằng một loạt chính sách và đạo luật.

"Dân dĩ thực vi thiên"

Trong lịch sử Trung Quốc, an ninh lương thực là mối lo thường trực. Quốc gia mà do cả quy mô dân số lẫn lãnh thổ, từng bị ám ảnh bởi những nạn đói lớn với số người chết nhiều khi tương đương dân số cả một quốc gia nhỏ.

Kể từ khi thực hiện cải cách của ông Đặng Tiểu Bình, sản xuất lương thực trong nước ở Trung Quốc đã tăng nhanh sau tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Năm 2021, Trung Quốc xếp hạng 34 trong 113 quốc gia trên Chỉ số an ninh lương thực toàn cầu - đo lường bằng các tiêu chí khả năng chi trả của người tiêu dùng, tính sẵn có, chất lượng và an toàn của thực phẩm, cũng như tài nguyên thiên nhiên và khả năng thích ứng phục hồi. Trung Quốc là 1 trong 5 nước tiến bộ nhất trên bảng xếp hạng này xét trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, mức tiêu thụ thực phẩm ở Trung Quốc cũng đang tăng nhanh do lượng thực phẩm thiết yếu được tiêu thụ nhiều hơn so với trước đây, chế độ ăn thay đổi, thất thoát và lãng phí lương thực gia tăng cũng như mất đất nông nghiệp do đô thị hóa. Những thách thức do những yếu tố này đưa ra đã khiến ngành sản xuất thực phẩm của Trung Quốc không thể duy trì lối sống và thói quen tiêu dùng hiện tại.

Tình trạng phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng khi diện tích đất canh tác tiếp tục thu hẹp. Cuối năm 2019, tổng diện tích đất canh tác của Trung Quốc là 1,28 triệu km2 (chiếm 13% tổng diện tích quốc gia), giảm gần 6% so với 10 năm trước, và được dự báo sẽ tiếp tục giảm khi đô thị hóa chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ảnh: South China Morning Post

Thời tiết cực đoan, suy thoái môi trường, khan hiếm và ô nhiễm nước... làm vấn đề thêm trầm trọng. Hai thập niên qua, lượng mưa tăng cao bất thường làm giảm 8% năng suất lúa. Các nhà nghiên cứu dự báo vào cuối thế kỷ này, lượng mưa bất thường có thể làm giảm sản lượng lúa thêm 7,6%, chưa kể các tác động khác do biến đổi khí hậu.

Trong đại dịch Covid-19, tình trạng gián đoạn nguồn cung và thiếu thực phẩm cục bộ do phong tỏa đã xảy ra, một lần nữa nhắc nhở về an ninh lương thực còn mong manh ở nước này. Các biến động chính trị trên toàn cầu cũng buộc giới lãnh đạo Trung Quốc phải tính toán lại, khi các nguồn thực phẩm nhập khẩu có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào.

Một ví dụ điển hình là chiến tranh Ukraine đã tác động mạnh lên nhiều nguồn nông sản nhập khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là ngô. Là nước nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới, Trung Quốc phải nhập 28,35 triệu tấn ngô vào năm 2021, tăng 152% so với năm 2020 và chiếm 9,4% lượng ngô tiêu thụ trong nước. Hầu hết lượng ngô nhập khẩu là từ Mỹ, Ukraine và Brazil, trong đó ngô từ Ukraine chiếm 1/3 tổng lượng nhập khẩu.

Mối quan hệ với an ninh quốc gia

Đối với quốc gia đông dân nhất thế giới, an ninh lương thực của Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với an ninh quốc gia, quan trọng không kém an ninh năng lượng và an ninh tài chính.

Tầm quan trọng của an ninh lương thực đã được nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc công khai ghi nhận. Điều 22 Luật An ninh quốc gia Trung Quốc ban hành năm 2015 yêu cầu nhà nước thực hiện các biện pháp toàn diện để bảo đảm an ninh, an toàn và chất lượng lương thực.

Vào tháng 4.2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa tuyên bố rằng “an ninh lương thực là nền tảng quan trọng cho an ninh quốc gia”. Tầm quan trọng của an ninh lương thực đã được nhấn mạnh hơn nữa bởi tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Đường Nhân Kiện, người đã nhấn mạnh thêm hai thành phần chính của an ninh lương thực: hạt giống là “chip máy tính của nông nghiệp” và đất canh tác là “huyết mạch của sản xuất lương thực”.

An ninh ngũ cốc lần đầu tiên được đưa vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) của Chính phủ Trung Quốc. Theo kế hoạch đặt ra các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội, Trung Quốc phải đạt được sản lượng ngũ cốc hàng năm trên 650 triệu tấn mỗi năm. Kế hoạch này cũng bao gồm các sắp xếp cụ thể để thực hiện chiến lược an ninh lương thực, bao gồm cải thiện toàn bộ ngành công nghiệp ngũ cốc và phát triển các khu vực nông nghiệp và nông thôn.

Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, mối lo ngại về an ninh lương thực của Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn do nhiều yếu tố.

Việc bảo vệ an ninh lương thực ngày càng được coi là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược “lưu thông kép” mới của Bắc Kinh. Chiến lược này tìm kiếm khả năng tự lực cao hơn để giảm bớt những bất ổn bên ngoài. Tháng 11.2021, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc - cơ quan ra quyết định đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới (2021 - 2025), trong đó đề cập đến an ninh lương thực.

Sau khi triển khai ngày càng nhiều chính sách, biện pháp pháp lý và hướng dẫn nhằm vào an ninh lương thực, những điểm trọng tâm chính trong chính sách an ninh lương thực của Trung Quốc có thể được tóm tắt thành ba khía cạnh chính bao gồm: tăng cường và đa dạng hóa nguồn cung cấp thực phẩm; giảm nhu cầu và tiêu dùng trong nước; sử dụng cơ chế pháp lý để tạo môi trường hỗ trợ.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/an-ninh-luong-thuc-la-an-ninh-quoc-gia-i360387/