'Ăn miếng trả miếng': Trung Quốc ra đòn nhỏ, loạt hãng lớn EU lao đao

Trung Quốc đang tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm rượu như rượu mạnh từ Liên minh châu Âu (EU), được coi như một động thái đáp trả sau khi khối này mở cuộc điều tra vào mùa thu năm ngoái về trợ cấp xe điện nhằm vào Bắc Kinh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhau thử rượu vang.

Đòn "trả đũa" vì cuộc điều tra của EU?

Cuối tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc cuối tuần trước cho biết cuộc điều tra của Trung Quốc sẽ tập trung vào các sản phẩm rượu mạnh được đóng trong các thùng chứa nhỏ hơn 200 lít từ EU.

Theo Bloomberg, Bắc Kinh đã khởi động cuộc điều tra do đơn khiếu nại của một hiệp hội rượu trong nước nhắm vào sản phẩm rượu cognac của Pháp - một sản phẩm nhập khẩu có khả năng sinh lời cao cho nhà sản xuất như Pernod Ricard SA và Remy Cointreau SA.

Cuộc điều tra diễn ra 3 tháng sau khi Ủy ban châu Âu bắt đầu điều tra xem liệu trợ cấp cho các nhà sản xuất xe điện từ chính phủ Trung Quốc có bất công hay không. Được biết, Pháp là quốc gia ủng hộ chính cho cuộc điều tra của Liên minh châu Âu.

Cuộc điều tra của Bắc Kinh giáng một đòn khác vào mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc, khi hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc vào tháng 12/2023 đã kết thúc không có kết quả thực chất.

Nó cũng sẽ phủ bóng đen lên chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh vào tuần tới của Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, người đã đảm nhận vị trí lãnh đạo Hội đồng EU trong tháng này. Nhà lãnh đạo Bỉ dự kiến gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tuần này.

Mặc dù vậy, đây chỉ được coi là đòn "trả đũa" nhẹ nhàng của Bắc Kinh, vì ngành công nghiệp rượu mạnh là một nhánh nhỏ trong quy mô xuất nhập khẩu của nước này. Để so sánh, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,57 tỷ USD rượu mạnh từ rượu nho chưng cất từ EU tính tới tháng 11/2023, trong khi xuất khẩu số xe điện trị giá khoảng 12,7 tỷ USD sang EU trong cùng thời gian.

Người phát ngôn Olof Gill cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đang đánh giá các tài liệu mà họ nhận được và sẽ can thiệp “khi thích hợp, với sự hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp EU có liên quan”.

“Chúng tôi tự tin rằng các sản phẩm và hoạt động thương mại của chúng tôi tuân thủ đầy đủ các quy định của Trung Quốc và quốc tế cũng như các quy định của EU và Trung Quốc sẽ tìm ra cách mang tính xây dựng để giải quyết mọi tranh chấp song phương, như đã từng xảy ra trong quá khứ về các vấn đề khác”, Valerie Mabin, người phát ngôn của nhà sản xuất rượu cognac BNIC, cho biết.

Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại Jones Lang LaSalle Inc, cho biết: “Pháp bị ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc điều tra về rượu mạnh. Trung Quốc đang cố gắng gây thêm áp lực lên quốc gia ủng hộ lớn nhất cho cuộc điều tra xe điện Trung Quốc của EU”.

“Trung Quốc đang cho châu Âu thấy sự trả đũa sẽ như thế nào nếu nước này áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc. Động thái này sẽ tác động nặng nề nhất đến các nước sản xuất rượu vang như Pháp - và đó có lẽ không phải ngẫu nhiên. Chính phủ của Tổng thống Macron là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc”, Noah Barkin, cố vấn cấp cao tại Rhodium, cho biết.

"Đòn nhỏ" của Bắc Kinh, "sóng lớn" với các doanh nghiệp rượu EU

Tin tức về cuộc điều tra đã khiến cổ phiếu của Remy Cointreau sụt giảm tới 12,5% ở Paris trong khi Pernod Ricard giảm tới 5,6%. Các công ty này bán rượu cognac của Pháp ở Trung Quốc dưới các nhãn hiệu như Remy Martin và Martell.

Thị trường Trung Quốc hiện chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của Pernod, trong đó khoảng 8% là rượu cognac. Nước này cũng là "khách hàng lớn" cho các thương hiệu rượu châu Âu khác - vốn đang phải "vật lộn" với sự sụt giảm mạnh về nhu cầu từ Mỹ.

Theo Daxue Consulting, một công ty tư vấn có trụ sở tại Trung Quốc, cho đến nay, Pháp là nguồn cung cấp đồ uống có cồn lớn nhất được nhập khẩu vào Trung Quốc, chiếm 37,2% vào năm 2022. Nước xuất khẩu lớn thứ hai là Anh thậm chí còn không đạt được mức 10%.

Trong phân khúc rượu mạnh, Pháp chiếm 99% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, rượu ngoại mạnh vẫn chỉ là một nhánh nhỏ tại thị trường tỷ dân vẫn đang chuộng loại rượu trắng, được gọi là "bạch tửu", ví dụ như Mao Đài.

Với việc rượu cognac được coi là sản phẩm cao cấp ở Trung Quốc được bán với giá cao hơn nhiều so với rượu địa phương, phí bán phá giá là “khá căng thẳng”, Gilles Guibout, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Axa Investment Managers ở Paris.

Linh Anh

Theo Bloomberg, Euro News, Politico

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/an-mieng-tra-mieng-trung-quoc-ra-don-nho-loat-hang-lon-eu-lao-dao-20180504224293770.htm