Ấn Độ và Nga giúp trùng tu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn

Các chuyên gia phục hồi di tích cổ của Ấn Độ và Nga đang nỗ lực giúp Việt Nam phục hồi trùng tu các cụm tháp cổ tại khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn của Việt Nam.

Một cụm tháp Chăm cổ ở Mỹ Sơn - Ảnh: Tiểu Vũ

Một cụm tháp Chăm cổ ở Mỹ Sơn - Ảnh: Tiểu Vũ

Thông tin từ Ban quản lý khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam) cho biết, từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7.2019, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia của hai nước Ấn Độ và Nga đã đến thánh địa Mỹ Sơn - nơi có 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Champa để xem xét nghiên cứu, và đưa ra những phương pháp khoa học nhằm giúp trùng tu, bảo tồn quần thể di sản văn hóa quý giá này.

Trong thời gian ở Mỹ Sơn, các nhà khoa học và đoàn chuyên gia từ Viện Cổ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) đã kiểm tra, nghiên cứu trên các mẫu vật liệu như gạch, chất kết dính và tiến hành thử nghiệm trên nhóm tháp B (thử nghiệm này cũng đã được tiến hành từ năm 2015).

Một tháp trong nhóm tháp K đang được trùng tu

Một tháp trong nhóm tháp K đang được trùng tu

Sau khi có kết quả nghiên cứu từ các mẫu thí nghiệm dưới tác động của môi trường tự nhiên, mưa, độ ẩm, khí hậu đặc thù của vùng Quảng Nam, các chuyên gia Nga sẽ đề xuất các giải pháp khoa học phù hợp mang tính khả thi cao, nhằm giúp Ban quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn và các đối tác sản xuất ra các vật liệu tương thích với vật liệu gốc để sử dụng vào việc xây dựng, phục hồi các đền tháp Chăm ở đây. Bằng phương pháp khoa học này, việc trùng tu di sản Mỹ Sơn tiến hành cẩn trọng, trách các nguy cơ ngã đổ nhưng vẫn đảm bảo những giá trị cốt lõi của các cụm tháp Champa cổ ở quần thể di tích này.

Tháp Chăm (nhóm tháp K) đang được chống đỡ để trùng tu, phục hồi

Tháp Chăm (nhóm tháp K) đang được chống đỡ để trùng tu, phục hồi

Cũng trong thời gian này, các chuyên gia Ấn Độ đã thực hiện việc thu thập dữ liệu để tiến hành trùng tu nhóm tháp A trong giai đoạn từ nay đến năm 2021. Đây là nhóm tháp có quy mô kiến trúc cũng như các giá trị văn hóa được xếp hàng bậc nhất trong quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, trong đó có đền A1 được xem là kiệt tác kiến trúc Champa quần thể di sản này.

Một tháp Champa trong quần thể di tích Mỹ Sơn đã được các chuyên gia phục hồi gần như nguyên vẹn

Một tháp Champa trong quần thể di tích Mỹ Sơn đã được các chuyên gia phục hồi gần như nguyên vẹn

Được biết nhóm chuyên gia, kỹ sư khảo cổ của Ấn Độ do chuyên gia Basudev Kumar làm trưởng nhóm đã có quá trình tiếp cận nghiên cứu phục hồi các cụm tháp ở Mỹ Sơn từ năm năm 2015. Trong vong 3 năm nhóm đã kết hợp với các chuyên gia Việt Nam trùng tu phục hồi thành công nhóm tháp K và nhóm tháp H khi hai cụm tháp này đối diện với nguy cơ ngã đổ bất cứ lúc nào. Sau khi trùng tu phục dựng nhóm tháp K và H đã đứng vững trở lại và đủ điều kiện để đón khách đến tham quan nghiên cứu.

Một cụm tháp cổ rêu phong ở Mỹ Sơn

Một cụm tháp cổ rêu phong ở Mỹ Sơn

Thánh địa Mỹ Sơn là quần thể di tích đền đài Champa nằm tại địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Mỹ Sơn Trà Kiệu 20km về phía Tây, cách thành phố Hội An 45km về phía Tây, cách thành phố Đà Nẵng 68km về phía Tây Nam. Mỹ Sơn từng là nơi người Champa tiến hành những nghi lễ tôn giáo, cúng tế, hôn cất các vị vua, hoàng thân quốc thích, tu sĩ cũng là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại Champa xưa.

Tồn tại suốt nhiều thế kỷ dưới các Vương triều Champa, rồi đi vào hoang tàn đổ nát quên lãng, thánh địa Mỹ Sơn như một minh chứng về lịch sử thăng trầm và những chuyển biến trong đời sống văn hóa của các triều đại Champa.

Một ngọn tháp uy nghiêm và huyền bí ở Mỹ Sơn

Một ngọn tháp uy nghiêm và huyền bí ở Mỹ Sơn

Mỹ Sơn được xây dựng và phát triển liên tục suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13), các đền tháp ở Mỹ Sơn là sự chắt lọc những tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Champa xưa. Mỗi đền tháp ở Mỹ Sơn đều có một vẻ riêng mang nét đặc trưng riêng của kiến trúc tôn giáo Chămpa đầy uy nghiêm và huyền bí.Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.

Một ngọn tháp Chăm hùng vĩ trầm mặc trong nắng chiều

Một ngọn tháp Chăm hùng vĩ trầm mặc trong nắng chiều

Sau hàng thế kỷ bị nằm ẩn mình dưới một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ, thâm nghiêm ở Quảng Nam, thánh địa Mỹ Sơn đã bị quên lãng, mãi đến năm 1885 Mỹ Sơn được người Pháp phát hiện. Từ băm 1898 - 1899, hai nhà nghiên cứu người Pháp là L.Finot và L.de Lajonquìere cùng kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H. Parmentier đã tới Mỹ nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Champa. Những năm 1903-1904 với những tài liệu cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc được giải mã.

Tại hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Di sản Thế giới họp ở Marrakesh (Morocco) vào năm 1999, thánh địa Mỹ Sơn đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Bài và ảnh: Tiểu Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/an-do-va-nga-giup-trung-tu-di-san-van-hoa-the-gioi-my-son-117179.html