Ấn Độ siết xuất khẩu gạo: Tác động mạnh tới nguồn cung toàn cầu

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ chiếm 40% thị trường thế giới nên bất kỳ lệnh cấm xuất khẩu nào cũng nhanh chóng ảnh hưởng đến giá gạo toàn cầu.

Ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ

Theo TTXVN, sau khi Ấn Độ có lệnh cấm xuất khẩu gạo, thị trường gạo toàn cầu, đe dọa an ninh lương thực nếu các quốc gia đang phát triển không đủ khả năng chi trả hoặc tiếp cận nguồn cung gạo. Ông Peter Bachmann, Phó chủ tịch chính sách và các vấn đề chính phủ tại Liên đoàn Lúa gạo Mỹ, nói với CNBC: “Sự thiếu hụt thực sự hiện nay là gạo tẻ thường, trắng, hạt dài, chất lượng thấp của Ấn Độ, thường được nước này xuất khẩu sang châu Phi và Đông Nam Á. Khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo này, điều đó sẽ ảnh hưởng đầu tiên và mạnh nhất tới các nước đó”.

Thời gian qua, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu một số loại gạo vào tháng 9/2022. Sau đó, vào tháng 7/2023, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trắng không phải loại basmati. Ông Will Kletter, Phó chủ tịch điều hành và chiến lược tại ClimateAi, nói với CNBC: “Ấn Độ là một trong số các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Vì vậy có thể hiểu được mong muốn đảm bảo các loại lương thực thiết yếu như gạo của nước này".

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo của Ấn Độ chiếm 40% thị trường thế giới nên bất kỳ lệnh cấm xuất khẩu nào cũng nhanh chóng ảnh hưởng đến giá gạo toàn cầu. Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, giá gạo tăng vọt từ 15% đến 20%, đạt mức cao nhất trong gần 12 năm sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Ông Bachmann nói: “Ấn Độ đang cố gắng đảm bảo đủ gạo cho thị trường nội địa để người tiêu dùng trong nước được mua gạo với giá vừa phải hơn”.

Một phần của vấn đề là dù phải đối mặt với chi phí đầu vào như năng lượng và phân bón ngày càng tăng, so với các mặt hàng nông sản khác, giá gạo trên thị trường vẫn tương đối ổn định. Nông dân trồng lúa ở Mỹ phải đối mặt với tình trạng tương tự.

Khi các trang trại trồng lúa ở Mỹ phải vật lộn để duy trì lợi nhuận do giá gạo toàn cầu không theo kịp chi phí đầu vào ngày càng tăng, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản tài trợ bổ sung 250 triệu USD.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Michael Klein, Phó chủ tịch truyền thông và xúc tiến nội địa tại USA Rice, nói: “Những chương trình này tồn tại chỉ để giúp những người nông dân khỏi rơi vào tình trạng khó khăn, vì đó sẽ là một thảm họa lớn”.

Các công nhân vận chuyển gạo tại khu chợ ở Amritsar, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN.

Vì sao Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo?

Thông tin thêm trên Kinh tế & Đô thị, bất chấp việc sản lượng sản xuất 135 triệu tấn gạo/năm đủ sức đáp ứng cho toàn bộ người dân trong nước, với khoảng 100-105 triệu tấn/năm, chính phủ nước này đưa ra phương án cấm sản xuất gạo trước lo lắng về việc giá cả ngày càng tăng cao.

“Mức dự trữ gạo của chúng tôi rất thoải mái, với khoảng 41 triệu tấn gạo trong kho, nhưng giá lương thực trong nước đang tăng lên khiến chính phủ lo lắng”, ông Samarendu Mohanty, Giám đốc khu vực châu Á tại Trung tâm Khoai tây Quốc tế, cho biết.

Trao đổi xoay quanh vấn đề này, một số thương nhân cho biết do giá gạo ở Ấn Độ tăng hơn 10%, bắt nguồn từ sự tăng lên của giá gạo toàn cầu sau xung đột Nga-Ukraine, New Delhi đã buộc phải cấm xuất khẩu gạo để hạ nhiệt giá trong nước và phòng ngừa trong trường hợp El Nino.

Theo các chuyên gia, lệnh cấm xuất khẩu sẽ vẫn tiếp diễn cho đến khi bầu cử quốc gia vào tháng 5/2024 kết thúc. Điều này xuất phát từ việc ông Modi muốn tạo lợi thế trước các đối thủ trong cuộc đua chính trị từ việc giữ giá ở mức thấp.

Theo số liệu trên VTV, năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu hơn 21 triệu tấn gạo, đứng đầu thế giới. Gạo xuất khẩu của Ấn Độ bằng tổng lượng của 4 nước xuất khẩu gạo lớn tiếp sau là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại.

Không chỉ vậy, gạo Ấn Độ chiếm tới 40% tổng sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Do đó, giới chuyên gia lo ngại nó sẽ đẩy giá lương thực vào đợt lạm phát mới. Trong khi Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Ấn Độ Krishna Rao cho rằng, việc thiết lập lệnh cấm và thuế suất như vậy sẽ khiến thị phần gạo của Ấn Độ bị rơi vào tay các nhà xuất khẩu gạo lớn khác hiện nay như Thái Lan và Việt Nam.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/an-do-siet-xuat-khau-gao-tac-dong-manh-toi-nguon-cung-toan-cau-a634875.html