Ấn Độ phát hiện biến thể 'Delta plus' gây làn sóng dịch COVID-19 thứ 2

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng tin Sputnik, bang Maharashtra của Ấn Độ đã ghi nhận 20 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tên gọi là “Delta plus” (B.1.617.2.1), là thể mới của biến thể Delta đã được phát hiện trước đó tại Ấn Độ.

Trả lời phỏng vấn với hãng truyền thông India TV, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu và giáo dục y khoa, TS TP Lahan cho biết chủng Delta plus được phát hiện ở Navi Mumbai, Palgar và Ratnagiri, trong đó 2/5 trường hợp nhiễm chủng này tại TP Ratnagiri không có bất kỳ triệu chứng nào.

Các nhà chức trách địa phương đã lập các khu cách ly, phong tỏa tại những nơi phát hiện ra biến thể này. Theo thông tin từ giới chức y tế địa phương, biến thể Delta plus có thể là một trong những nguyên nhân gây ra làn sóng dịch COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ.

Theo thông báo của Chính phủ Ấn Độ, ngày 21/6, nước này ghi nhận thêm 53.256 ca nhiễm mới và 1.422 ca tử vong do COVID-19. Dù vẫn tiếp tục có thêm hàng chục nghìn ca nhiễm và tử vong mới nhưng Ấn Độ đã quyết định nới lỏng giãn cách xã hội tại bang Delhi.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, chính quyền bang Delhi cho biết thủ đô New Delhi sẽ nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép các quán bar hoạt động với 50% công suất từ 12 giờ trưa đến 10 giờ đêm, công viên, câu lạc bộ chơi gôn và các hoạt động yoga ngoài trời được hoạt động trở lại từ ngày 21/6.

Chủ nhà hàng và quán bar phải có trách nhiệm tuân thủ nghiêm ngặt quy định như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên, sát trùng tay... để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Trong trường hợp phát hiện vi phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý nghiêm. Tuy nhiên, các rạp chiếu phim, phòng tập thể dục, spa, trường học, bể bơi, phòng tiệc, các địa điểm tín ngưỡng, sẽ tiếp tục đóng cửa trong ít nhất một tuần nữa. Bên cạnh đó, chính quyền bang Delhi cũng cho biết sẽ cho phép tổ chức đám cưới, tang lễ nhưng tối đa 20 người tham dự.

Tại châu Âu, biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ và đang bùng phát tại Anh, hiện đã lan rộng ở Bồ Đào Nha và xuất hiện tại một số khu vực ở Đức, Pháp và Tây Ban Nha.

Các quan chức y tế châu Âu cảnh báo cần phải hành động để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này. Phóng viên TTXVN tại London dẫn báo cáo phân tích dữ liệu của tờ Financial Times cho biết, mặc dù biến thể Delta chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số ca mắc COVID-19 ở châu Âu, nhưng biến chủng này đang gia tăng, chiếm tới 96% các ca mắc mới tại Bồ Đào Nha, hơn 20% tại Ý, và khoảng 16% tại Bỉ.

Điều này làm dấy lên lo ngại biến thể mới có thể cản trở những nỗ lực mà EU đã đạt được trong vòng hai tháng qua trong việc giảm các ca mắc và tử vong do COVID-19 xuống mức thấp nhất kể từ mùa thu năm ngoái.

Tại Bồ Đào Nha, biến thể Delta đang lây lan trong cộng đồng tại khu vực Lisbon mở rộng, nơi chiếm hơn 60% tổng số ca mắc COVID-19 trong tuần qua tại nước này. Bồ Đào Nha hiện đã ban hành lệnh cấm rời khỏi khu vực này và các hoạt động đi lại không thiết yếu nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể này sang các khu vực trong nước khác.

Tờ Financial Times dẫn lời Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết biến thể Delta chiếm từ 2% đến 4% các mẫu virus được phân tích ở Pháp.

Ông nhấn mạnh dù con số này vẫn thấp, nhưng tình hình ở Anh vài tuần trước cũng tương tự như vậy. Nhà chức trách Pháp hiện đang nỗ lực ngăn chặn dịch bùng phát tại vùng Landes, gần biên giới Tây Ban Nha, nơi 125 ca mắc COVID-19 với biến thể Delta đã được phát hiện qua giải trình tự gen và 130 ca nghi ngờ khác, chiếm khoảng 30% các ca mắc mới gần đây tại khu vực này.

Các nhà khoa học châu Âu hiện đang tập trung vào Anh - nơi số ca mắc COVID-19 đã tăng gấp ba trong tháng qua với biến thể Delta chiếm khoảng 98% tổng số ca mắc COVID-19 - để dự báo về diễn biến của đại dịch cũng như tìm ra những biện pháp ứng phó.

Sau khi dữ liệu chính thức cho thấy biến thể Delta dường như làm tăng nguy cơ nhập viện gấp 2,2 lần so với biến thể Alpha được phát hiện tại Anh, Chính phủ Anh đã lùi lộ trình dỡ bỏ phong tỏa đất nước thêm 4 tuần.

Nhà virus học Bruno Lina, cố vấn của Chính phủ Pháp, cho biết các quyết định mở cửa trở lại của Anh sẽ là một thí nghiệm đối với châu Âu. Nghiên cứu gần đây của Chính phủ Anh nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thành chương trình tiêm chủng càng sớm càng tốt.

Một số nhà khoa học lo ngại biến thể Delta có thể đã lan rộng nhưng chưa bị phát hiện do việc giải trình tự gen để xác định các biến chủng ít được thực hiện tại châu Âu vì chi phí cao và tốn thời gian.

Trong khi Anh đã giải trình tự hơn 500.000 bộ gene SARS-CoV-2, con số này lần lượt chỉ vào khoảng 130.000, 47.000 và 34.000 tại Đức, Pháp và Tây Ban Nha.

Các chuyên gia tin rằng biến thể Delta sẽ thống trị tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện, và chìa khóa để giải quyết vấn đề là tăng tỉ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, đồng thời làm chậm quá trình lây lan của virus càng nhanh càng tốt.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 21/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 179.239.736 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3,88 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 163.794.232 người.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/258144/an-do-phat-hien-bien-the-delta-plus-gay-lan-song-dich-covid-19-thu-2.html