Ấn Độ nhận công nghệ từ Nga để sản xuất thành phần quan trọng cho tiêm kích MiG-29

Động cơ RD-33 của tiêm kích MiG-29 sẽ được sản xuất tại Ấn Độ, đây là bước tiến quan trọng đối với quốc gia Nam Á này.

Vào ngày 1/3/ 2024, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã công bố 5 dự án lớn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước. Một trong số đó là tổ chức sản xuất động cơ phản lực loại RD-33 cho tiêm kích MiG-29 tại các cơ sở của tổ hợp công nghiệp quân sự nước này.

Chi phí được công bố của dự án này là khoảng 634 triệu đô la. Giới chuyên môn cho rằng các công nghệ cần thiết để tổ chức sản xuất sẽ được lấy trực tiếp từ ngành công nghiệp quân sự Nga. Điều này được nêu trong dịch vụ báo chí của Bộ Quốc phòng Ấn Độ.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đặc biệt nêu chi tiết rằng dự án trên sẽ được thực hiện bởi Tập đoàn hàng không vũ trụ Hindustan Aeronautics Limited (HAL), công việc trực tiếp về động cơ sẽ được thực hiện tại nhà máy ở thành phố Koraput.

Thông tin chi tiết cho hay động cơ RD-33 sẽ được sản xuất theo giấy phép chuyển giao công nghệ từ một nhà sản xuất Nga (trong trường hợp này, với một số khả năng, chúng ta đang nói về OAO Klimov).

Bên cạnh đó, Ấn Độ hy vọng rằng họ sẽ có thể tự sản xuất một số linh kiện quan trọng và đắt tiền, từ đó sẽ đơn giản hóa nhiệm vụ sửa chữa và đại tu động cơ RD-33 cho tiêm kích MiG-29 trong tương lai.

Nếu chúng ta căn cứ vào dữ liệu của trang Military Balance 2023 thì vào đầu năm ngoái, đã có tổng cộng 87 máy bay MiG-29 và MiG-29UB, MiG-29SMT và MiG-29UBT được sửa đổi phục vụ trong đội hình Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.

Bên cạnh đó trong lực lượng Hàng không hải quân của Hải quân Nga, có tổng cộng 19 chiếc MiG-29K hoạt động trên tàu sân bay và 3 chiếc MiG-29KUB phục vụ công tác huấn luyện.

Không chỉ có vậy, Không quân Nga còn 6 chiếc tiêm kích MiG-35 - được xem như bản nâng cấp sâu của MiG-29, cùng với một số máy bay trình diễn khả năng nhào lộn loại MiG-29OVT.

Trong khi đó Không quân Ấn Độ có tổng cộng 61 tiêm kích loại MiG-29, cùng với 42 máy bay chiến đấu MiG-29K và MiG-29KUB hoạt động trên tàu sân bay của lực lượng hàng không hải quân.

Từ những số liệu trên, chúng ta có thể kết luận rằng Ấn Độ sở hữu nhu cầu đủ lớn về động cơ cho tiêm kích MiG-29 và về mặt lý thuyết, Liên bang Nga có thể đáp ứng đòi hỏi này. Tuy nhiên hiện tại rất khó để đánh giá cường độ hợp tác giữa hai bên.

Trong lúc này các nhà máy thuộc tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đang rất bận rộn với những hợp đồng phục vụ nhu cầu chiến trường, chưa rõ họ sẽ dành khoảng thời gian nào cho chương trình hợp tác với Ấn Độ.

Không chỉ có vậy, Đạo luật CAATSA do Mỹ áp đặt lên những khách hàng mua vũ khí Nga vẫn còn đó, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng Ấn Độ tiếp cận được công nghệ sản xuất động cơ RD-33.

Trong thời gian gần đây, Ấn Độ đang tăng mạnh tỷ trọng vũ khí Mỹ và phương Tây (có sử dụng công nghệ Mỹ bên trong) và giảm sự phụ thuộc vào Nga nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp.

Chính vì vậy quốc gia Nam Á này sẽ phải cân nhắc thật kỹ lưỡng mọi chương trình hợp tác quân sự với Nga nhằm tránh rơi vào tình trạng của Thổ Nhĩ Kỳ trong quá khứ khi mua hệ thống phòng không S-400 và bị loại khỏi chương trình F-35.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/an-do-nhan-cong-nghe-tu-nga-de-san-xuat-thanh-phan-quan-trong-cho-tiem-kich-mig-29-post569058.antd