Ấn Độ ngăn chặn tham vọng của TQ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Hành động của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang theo chiều hướng báo động, thúc đẩy Ấn Độ đồng hành với các nước để ngăn chặn sự hung hăng đó.

Sự hung hăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã theo chiều hướng nghiêm trọng. Từ Biển Đông, Bắc Kinh đang ngấm ngầm lấn sân sang Ấn Độ Dương. Tờ nhật báo Ấn Độ Times of India nhận định các hành động nham hiểm của Trung Quốc ngày càng được chú ý ở Ấn Độ Dương.

Thiết lập quyền bá chủ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Tháng 9/2019, tàu Shiyan-1 của Viện Khoa học Trung Quốc bị phát hiện thực hiện các hoạt động nghiên cứu gần cảng Blair thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Ấn Độ mà không có sự cho phép của Hải quân nước này. Sau khi được cảnh báo, tàu Shiyan-1 đã rút khỏi EEZ của Ấn Độ.

Tàu Shiyan-1 nặng 3.000 tấn là một trong những tàu nghiên cứu khoa học tân tiến nhất của Trung Quốc. Được vận hành vào năm 2009, nó có khả năng chở theo hơn một chục phòng thí nghiệm và 45 nhà khoa học.

 Các tàu ngầm Trung Quốc đã hiện diện ở Ấn Độ Dương gây chú ý. Ảnh: Defence Aviation Post.

Các tàu ngầm Trung Quốc đã hiện diện ở Ấn Độ Dương gây chú ý. Ảnh: Defence Aviation Post.

Theo thông tin của Ấn Độ, tàu Trung Quốc theo đuổi các hoạt động nghiên cứu ở EEZ của Delhi cho dù Bắc Kinh phủ nhận điều này.

Trước đó, các tàu ngầm Trung Quốc đã gây chú ý ở Ấn Độ Dương. Bắc Kinh đã chiếm được các căn cứ ở khu vực này, trong mục tiêu kiểm soát toàn bộ tuyến đường biển từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương.

Mục tiêu này giúp Trung Quốc thiết lập quyền bá chủ ở khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.

Tham vọng với Biển Đông và chiến lược “vùng xám”

Tình hình ở Biển Đông không ngừng căng thẳng vì sự hung hăng của Trung Quốc. Biển Đông được xem như căn cứ để Trung Quốc tiến hành các hoạt động ở Ấn Độ Dương. Nước này đang theo đuổi chính sách ba phần để đạt được mục tiêu “biến Biển Đông thành ao nhà” của họ.

Thứ nhất, Trung Quốc ồ ạt bồi đắp, tôn tạo các đảo nhân tạo làm thay đổi cấu trúc địa lý ở khu vực để củng cố tuyên bố của mình. Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo ở khu vực bất chấp sự phản đối từ các quốc gia khác.

Trên các đảo này, Trung Quốc đã xây dựng cơ sở hạ tầng để đặt các vũ khí, thiết bị chiến đấu bao gồm tên lửa, hệ thống radar, hệ thống gây nhiễu tín hiệu, tàu và máy bay chiến đấu.

Tại Biển Đông, Bắc Kinh đã nhanh chóng hành động làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực giữa nước này và các bên tranh chấp nhỏ hơn.

Thứ hai, Trung Quốc tìm cách làm suy yếu sự đoàn kết giữa các nước ASEAN bằng biện pháp cưỡng chế để đảm bảo nhóm này không cùng hành động chống lại lợi ích của Bắc Kinh.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa. Ảnh: DigitalGlobe.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa. Ảnh: DigitalGlobe.

Phát biểu tại hội thảo quốc tế được tổ chức gần đây tại Delhi (Ấn Độ) về tác động của mối đe dọa của Trung Quốc đối với các nước thành viên ASEAN, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nhắc lại rằng Hội nghị Bộ trưởng ASEAN năm 2012 đã không thể ra tuyên bố chung vì những bất đồng giữa các thành viên. Về tiến trình của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), ông Vinh nói rằng khó có thể hoàn thành vào năm 2021 vì Bắc Kinh cố tình trì hoàn tiến trình này.

Thứ ba, Trung Quốc ngày càng nỗ lực kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia khác. Nhiều lần trong quá khứ, Bắc Kinh sử dụng biện pháp đe dọa để ngăn chặn các nước ASEAN khai thác tài nguyên ngoài khơi của họ, trong khi đó nước này lại tiến hành khai thác tài nguyên ở EEZ của các quốc gia khác.

Trung Quốc xâm phạm EEZ các quốc gia

Ngoài ra, Trung Quốc còn tiếp tục xâm phạm EEZ của Philippines, quốc gia không thúc ép Bắc Kinh thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài PCA.

Việc không bắt Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của PCA không chỉ thúc đẩy nước này tiếp tục các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, mà còn thay đổi cán cân địa chiến lược trong khu vực.

Việc Trung Quốc sử dụng biện pháp ngoại giao cưỡng chế một cách trắng trợn giúp đảm bảo rằng các bên tranh chấp khác không phản đối các yêu sách của Trung Quốc.

 Các nhà hoạt động đốt cờ Trung Quốc và giơ cao khẩu hiệu phản đối Bắc Kinh trong cuộc biểu tình tại một công viên ở Manila vào ngày 18/6. Ảnh: Getty.

Các nhà hoạt động đốt cờ Trung Quốc và giơ cao khẩu hiệu phản đối Bắc Kinh trong cuộc biểu tình tại một công viên ở Manila vào ngày 18/6. Ảnh: Getty.

Theo Times of India, sự hung hăng của Trung Quốc cần được xét một cách toàn diện hơn. Vấn đề không chỉ đơn thuần là đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, nó còn thể hiện sự tôn trọng các chuẩn mực và luật pháp quốc tế, cũng như đối với các tổ chức quốc tế.

Trong hoàn cảnh hiện tại, cộng đồng quốc tế không thể tiếp tục đứng nhìn. Hành động thiển cận và quá khích sẽ là sai lầm. Cộng đồng quốc tế phải thực hiện các biện pháp thích hợp để bảo vệ lợi ích của các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực bằng cách ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc, đảm bảo an toàn, an ninh thương mại cho tất cả các nước.

Giải pháp cho Ấn Độ và các nước ở Biển Đông

Đối với Ấn Độ, các hoạt động của Trung Quốc có tính chất nghiêm trọng. Các hoạt động gây hấn của Bắc Kinh hiện đã mở rộng từ Biển Đông sang Ấn Độ Dương. Điều này đi ngược lại tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Ấn Độ, Mỹ, Pháp và Nhật Bản đang hướng tới.

Nếu muốn đạt được mục tiêu biến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành khu vực tự do và mở, thì trước tiên Biển Đông cũng phải là một khu vực hòa bình, tự do và mở.

ASEAN là trọng tâm của khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và do đó, cần phải thúc đẩy ASEAN phát huy vai trò tương xứng. Các nước ASEAN cần có sự ủng hộ mạnh mẽ của các quốc gia khác để thoát khỏi sự kìm kẹp của Trung Quốc. Hiện tại, khối này cảm thấy tốt nhất là giảm căng thẳng với Bắc Kinh.

Ấn Độ phải có các động thái chiến lược và chiến thuật táo bạo trong sự hợp tác chặt chẽ với ASEAN và cộng đồng quốc tế để ngăn chặn các hoạt động hung hăng của Trung Quốc, đẩy lùi việc quân sự hóa các đảo nhân tạo, gây áp lực buộc Bắc Kinh tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982 và thực thi Phán quyết của Tòa Trọng tài PCA.

 Một máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ hạ cánh trên tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông khi đang trên đường đến Singapore hôm 16/10. Ảnh: Getty.

Một máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ hạ cánh trên tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông khi đang trên đường đến Singapore hôm 16/10. Ảnh: Getty.

Đồng thời, cần thúc đẩy và thúc giục Mỹ làm nhiều hơn ngoài chỉ đơn thuần tổ chức các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP), cũng như tăng cường sức mạnh hải quân.

Ấn Độ và Việt Nam cũng nên hành động để nhận được sự hỗ trợ của Nga trong việc kiềm chế Trung Quốc. Ấn Độ cần tạo ra một cấu trúc an ninh cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với Nga cũng như với các nước khác.

Tại Đối thoại Delhi lần thứ 11 ở thủ đô New Delhi hôm 14/12, bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ tuyên bố rằng “thay vì cố gắng thiết lập một cấu trúc mới, chúng tôi đang làm việc với cấu trúc đã có”. Ông cũng nhấn mạnh cần phải ưu tiên Biển Đông trong giai đoạn đầu.

Việc công khai vấn đề này trước cộng đồng quốc tế không nên đánh giá thấp. Các viện nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu, trường đại học và truyền thông phải thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị bàn tròn và đăng tải các bài báo để cộng đồng quốc tế quan tâm hơn đến vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hạnh Vũ

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/an-do-ngan-chan-tham-vong-cua-tq-o-an-do-duong-thai-binh-duong-post1028865.html