Ấn Độ linh thiêng và gần gũi dưới góc nhìn khách Việt

(SGTT) – Ấn Độ, đất nước kỳ lạ, để lại trong lòng du khách vẹn nguyên sự háo hức, hân hoan, dù là lần đầu tiên hay nhiều lần đặt chân đến quốc gia Nam Á này.

Đối với Nguyễn Trần Hoàng Phương, chàng trai người TPHCM, dù 4 lần đến Ấn Độ, đất nước này vẫn để lại trong anh sự vương vấn khó tả. Hiện nay, chứng tích chiến tranh, thời gian, chế độ, văn hóa, kể cả những tang thương do Covid-19 mang lại, đã biến nền văn minh sông Hằng rực rỡ giờ chỉ còn là ký ức. Mỗi lần đến Ấn Độ, anh Phương có dịp trải nghiệm các điểm tham quan khác nhau, tuy nhiên ấn tượng nhất vẫn là thành phố Varanasi và chuyến hành hương đến Bồ Đề Đạo Tràng. Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu bài cảm nhận của anh Phương về Ấn Độ sau những chuyến hành trình của anh.

Những không gian hình ảnh đối lập và tương phản đến không ngờ tạo nên bức tranh đầy sinh động của đất nước đông dân thứ hai thế giới. Nếu dãy Himalaya là biểu tượng cho sự oai hùng của tinh thần dân tộc Ấn, thì sông Hằng được xem như một nữ thần từ bi độ lượng. Tuy có phần bị ô nhiễm do rác thải sinh hoạt, nhưng sông Hằng được người Ấn xem là sông mẹ, với đôi tay rộng lớn che chở, bồi đắp cho nền văn minh mang tên mình và trở thành dòng sông tâm linh của xứ sở này suốt hàng ngàn năm qua.

Đốt đèn hoa đăng và thả trôi trên sông là một hoạt động ý nghĩa, cầu chúc phước lành đến người đang sống và người mất tại thành phố Varanasi. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Đốt đèn hoa đăng và thả trôi trên sông là một hoạt động ý nghĩa, cầu chúc phước lành đến người đang sống và người mất tại thành phố Varanasi. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Vào lúc chạng vạng, sông Hằng hiện lên huyễn hoặc cùng nhiều bí mật tâm linh qua ánh nến lung linh hắt xuống lòng sông, và bên kia bờ là lò thiêu xác người còn nghi ngút khói.
Varanasi, một thành phố yên bình, người dân dù vẫn rất vất vả mưu sinh, nhưng không quên đi những lễ hội dân tộc quan trọng như Holi hay Kumbh Mela. Tuy vậy, đây lại là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự lây lan Covid-19 và tỷ lệ tử vong cao.

Được ví như “lò thiêu xác của nước Ấn”, Varanasi có phần trầm buồn bởi những mái nhà cũ kỹ có phần tàn tạ, ngoại trừ những nụ cười, ánh mắt thân thiện, hiền hòa của người dân. Thành phố dường như chỉ “sống lại” về đêm. Người Ấn tụ tập, hát ca, nhảy múa, cười nói… có người trên bờ, có kẻ dưới sông, nhưng cùng chung một lòng tôn kính dòng sông mà nay màu nước trở nên đen ngòm. Đó là lúc bản sắc văn hóa Ấn Độ, văn minh sông Hằng toát lên vẻ đẹp kiêu sa và hấp dẫn nhất.

Những lễ hội, hoạt động về đêm làm sông Hằng thêm tấp nập, khác hẳn với vẻ trầm buồn u uất như mọi khi. Nhiều chương trình ca, múa thường xuyên được tổ chức vào nhiều đêm trong ngày lễ của Ấn Độ. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Những lễ hội, hoạt động về đêm làm sông Hằng thêm tấp nập, khác hẳn với vẻ trầm buồn u uất như mọi khi. Nhiều chương trình ca, múa thường xuyên được tổ chức vào nhiều đêm trong ngày lễ của Ấn Độ. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Rời khỏi Varanasi, nơi huyết mạch với dòng sông mẹ, tôi xuôi về Bodh Gaya – Bồ Đề Đạo Tràng, đó cũng là điểm đến ước ao của rất nhiều người Phật tử. Xe đi trên đoạn đường gồ ghề, nhấp nhô, xấu xí, nhưng nhiều lữ khách không tránh khỏi xúc động. Cảm giác như thỏa mãn được ước mơ, nguyện vọng cả đời người theo Phật.

Những chú tiểu chăm chú đọc kinh thành kính bên ngoài chùa Đại Giác Ngộ tại khu Bồ Đề Đạo Tràng. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Những chú tiểu chăm chú đọc kinh thành kính bên ngoài chùa Đại Giác Ngộ tại khu Bồ Đề Đạo Tràng. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Bồ Đề Đạo Tràng thuộc bang Bihar, là bang lớn thứ mười ba và đông dân thứ ba ở Ấn Độ, nằm ở phía Bắc hướng về Nepal. Nơi đây không có những tòa nhà chọc trời, những công trình nguy nga hay những chiếc xe hơi đắt tiền như ở Mumbay. Quang cảnh ruộng lúa, bờ đê, con sông Niranjana (Ni Liên Thiền) bao quanh trông tựa như vùng quê trù phú của Việt Nam. Một khung cảnh thân thuộc hiện ra với nhiều cung bậc cảm xúc đối với du khách bất kỳ.

Chúng tôi đến thăm khu đền và tháp Sujātā, nơi cô gái Sujata năm xưa dâng bát cháo sữa cho nhà khổ hạnh Siddhārtha trước khi chứng đạo. Vượt qua một cây cầu dài và hơi bị rung lắc, bắc qua sông Falgu, chúng tôi đến khu vực được ngành du lịch Ấn Độ giới thiệu là làng Sujātā. Tên tuổi Sujātā được sử dụng rộng rãi, từ lớp học cho trẻ em nghèo đến khách sạn sang trọng ở khu vực Bodh Gaya.

Đường vào làng hẹp và bụi bặm, chúng tôi men theo bờ rộng, hàng dừa xanh mát để đến đền thờ Sujātā đảnh lễ và cúng dường. Ngôi đền là minh chứng cho sự biết ơn dành cho cô gái đã giúp đức Phật lấy lại năng lượng sau khi nhận ra sai lầm vì tu hành khổ hạnh.

Tại khu tháp Sujātā, đoàn cùng đi hành thiền “nhiễu tháp”. Đi một vòng và tĩnh tâm giữ cho đầu óc trống rỗng để nhìn thấy cơ thể đang sống qua từng nhịp đập, từng hơi thở tại chốn linh thiêng. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Tại khu tháp Sujātā, đoàn cùng đi hành thiền “nhiễu tháp”. Đi một vòng và tĩnh tâm giữ cho đầu óc trống rỗng để nhìn thấy cơ thể đang sống qua từng nhịp đập, từng hơi thở tại chốn linh thiêng. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Chỉ cách đó vỏn vẹn 5 phút là ngôi đền Cỏ rất ít người lui đến. Đây là ngôi đền nhỏ tưởng nhớ lại chuyện chàng nông dân rải cỏ lót đường dâng lên đức Phật để tỏ lòng kính trọng người tu sĩ kiên trì mộ đạo. Cách đây hơn 2.500 năm, đức Phật đã nhận 8 bó cỏ cúng dường và tiến thẳng đến sông Ni Liên Thiền để tắm gội. Sau đó, đức Phật ngồi dưới cội bồ đề 7 tuần cho đến khi thành đạo.

Đoàn hành hương cùng chụp hình lưu niệm tại bờ sông Ni Liên Thiền. Phía xa xa là bảo tháp tại chùa Đại Giác Ngộ – Bồ Đề Đạo Tràng. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Đoàn hành hương cùng chụp hình lưu niệm tại bờ sông Ni Liên Thiền. Phía xa xa là bảo tháp tại chùa Đại Giác Ngộ – Bồ Đề Đạo Tràng. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Nơi đây không phải là di tích lớn lao, nhưng bất cứ người con Phật hay lữ khách nào đến đây cũng phải dừng chân chiêm bái. Ai nấy không giấu nổi trong lòng niềm nôn nao khó tả cho sự hạnh ngộ đầy nhân duyên này.

Rồi điều mong chờ nhất của tất cả thành viên trong đoàn cũng đến và đó là viếng Bồ Đề Đạo Tràng. Nơi đây không chỉ có cội bồ đề mà đức Phật ngồi thiền để thành đạo mà còn có cả bức tượng Mahabodhi nổi tiếng, nằm trong chùa Mahabodhi (còn có tên khác là chùa Đại Giác Ngộ).

Chùa Đại Giác Ngộ uy nghiêm và nổi tiếng bậc nhất thế giới, nơi được xem là cội nguồn đạo Phật ngày nay. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Chùa Đại Giác Ngộ uy nghiêm và nổi tiếng bậc nhất thế giới, nơi được xem là cội nguồn đạo Phật ngày nay. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Khuôn viên rộng lớn, xanh mát, không khí trong lành chưa bao giờ vắng khách thập phương. Nơi đây có nhiều khất sỹ, giới tu hành đạo Phật khắp nơi trên thế giới tụ họp về tu tập, thực hành chánh niệm.

Khuôn viên rộng lớn với 7 phân khu chính, tượng trưng cho 7 tuần lễ đức Phật ngồi khi thành đạo. Mỗi nơi đều có những sắc màu, những công trình và không gian tâm linh riêng biệt. Nơi đây linh thiêng và trân quý đến từng hòn đá, từng dấu chân và cả chiếc lá rơi. Du khách thập phương tụ về phải gởi đồ điện tử và giày dép bên ngoài để giữ yên tĩnh và uy nghiêm nơi chốn Phật môn.

Phật tử từ khắp thế giới đến đây, thành tâm đảnh lễ và thiền trì dưới cội Bồ Đề ngàn năm để cầu mong an lạc, giải thoát. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Phật tử từ khắp thế giới đến đây, thành tâm đảnh lễ và thiền trì dưới cội Bồ Đề ngàn năm để cầu mong an lạc, giải thoát. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Chỉ đi vài bước chân là gặp đền hoặc nơi thờ phụng. Bồ Đề Đạo Tràng không chỉ có chùa Đại Giác Ngộ mà còn hàng ngàn ngôi chùa “Liên Hiệp Quốc” khác trong đó có cả chùa của Việt Nam. Một nơi được nhiều Phật tử lui đến bái lễ là chùa Daijokyo mang phong cách Nhật Bản. Nổi tiếng với bức tượng Phật cao 25 mét, uy nghiêm được xem là biểu tượng thứ hai của Bồ Đề Đạo Tràng. Ngoài ra, còn có chùa Thái Lan với đôi rắn thần Nagar và kiến trúc đặc trưng kiểu Chùa Vàng không thể lẫn vào đâu được.

Còn chùa Việt Nam cũng chỉ cách Bồ Đề Đạo Tràng tầm 10 phút đi ô tô, mang tên Việt Nam Phật Quốc Tự. Đây là không gian thuần túy của quê nhà với hồ sen, rừng trúc, mái chùa, đôi dòng liễn chữ Việt và giàn bầu, giàn bí như gởi nhớ về mảnh vườn, luống rau quen thuộc tại Việt Nam.

Thời gian tại Ấn Độ như lùi lại, những mảng ký ức cách đây 20-30 năm của làng quê Việt Nam bỗng ùa về với mái nhà tranh xiêu vẹo, con đường sình lầy. Những người hành khất phương xa đã được thỏa mãn ước mong về đất Phật, nhưng cũng không kém phần xót xa cho sự nghèo đói, khổ sở mà con người nơi đây đang gánh chịu.

May mắn, khách sạn tôi ở gần với Bồ Đề Đạo Tràng để tôi có thể bước chân đến đó bất kỳ lúc nào, dù là lúc bình minh, hoàng hôn hay khuya về tĩnh mịch. Nơi ấy, thời gian như dừng lại để tâm thức được bình yên, chiếc đồng hồ sinh học của cơ thể dường như điểm hồi chuông báo hiệu lối đi an lạc đang rộng mở trong tâm hồn mình.

Trong không gian tĩnh lặng và hoan hỉ, dường như đến con vật cũng động lòng, cũng cảm được lời kinh và hiền hòa như những Phật tử thành tâm đang thiền định. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Trong không gian tĩnh lặng và hoan hỉ, dường như đến con vật cũng động lòng, cũng cảm được lời kinh và hiền hòa như những Phật tử thành tâm đang thiền định. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Không chỉ nổi tiếng về tâm linh, đất nước này còn để lại ấn tượng khó quên qua cái mùi hương ngào ngạt của bánh nướng, quả lựu đỏ hay đơn giản là tô cà ri gà nức mũi. Ẩm thực cũng là văn hóa đặc trưng của nơi đây. Trong thực đơn tại nhà hàng, khách sạn cao cấp cũng không bao giờ có những món như heo và bò, điều này chứng minh người Ấn Độ tôn thờ tôn giáo, tôn thờ đạo của họ một cách sùng kính.

Đặc biệt, Ấn Độ nổi tiếng nhất là hương vị cà ri, có nhiều người nước ngoài từng “té ngửa” khi thưởng thức thức uống Coca Cola pha bột cà ri. Nhưng đối với người Ấn, đây là một thức uống kết hợp tinh hoa văn hóa và văn minh nhân loại vào đấy. Không chỉ cà ri mà còn nhiều loại trái cây nổi tiếng trong đó có lựu. Lựu đỏ Ấn Độ là trái cây nổi tiếng bậc nhất, có những trái to hơn 1kg, vị ngọt thanh và nhiều cơm, đặc biệt hơn những giống khác trên thế giới. Những nét văn hóa đặc trưng từ phong tục, tập quán đến ẩm thực đời thường, tạo nên những người Ấn giản đơn mà ấm áp lạ lùng.

Bữa ăn đặc trưng với chén cháu sữa, bánh bột nướng, bánh gạo chiên, trứng luộc và không thiểu thiếu trái lựu đặc sản của quốc gia Nam Á này. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Bữa ăn đặc trưng với chén cháu sữa, bánh bột nướng, bánh gạo chiên, trứng luộc và không thiểu thiếu trái lựu đặc sản của quốc gia Nam Á này. Ảnh: Nguyễn Trần Hoàng Phương

Tôi hay những người bạn đồng hành hiện tại vẫn nhớ về những nơi mình đã đi qua trên đất Phật. Có nhiều niềm vui, tinh thần an yên nhưng cũng gợi lên nhiều suy nghĩ về những mảnh đời bất hạnh. Đó là cuộc sống, là đời bất kỳ ai cũng phải trải qua để trưởng thành.
Theo dõi tin tức về tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ, tôi chỉ biết cầu mong người dân Ấn được bình yên, cầu mong Đức Phật trên cao che chở họ trong vòng tay yêu thương của Ngài. Hiện tại, mỗi lần xem những hình ảnh cũ về Ấn Độ, trong lòng tôi vẫn vẹn nguyên sự háo hức, hân hoan như lần đầu tiên đặt chân đến đất nước kỳ lạ này.

Nguyễn Trần Hoàng Phương

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/an-do-linh-thieng-va-gan-gui-duoi-goc-nhin-khach-viet/