Ấn Độ khởi động sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng lịch sử với tàu Chandrayaan-3

Tàu vũ trụ Chandrayaan-3, có nghĩa là 'phương tiện Mặt Trăng' trong tiếng Phạn, có sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng đã được phóng lên không gian từ trung tâm vũ trụ Satish Dhawan tại đảo Sriharikota ở bang miền Nam Andhra Pradesh, Ấn Độ vào lúc 14h5' ngày 14.7 theo giờ địa phương (tức 16h5' giờ Việt Nam). Ấn Độ đang nỗ lực để trở thành quốc gia thứ 4 thực hiện cuộc đổ bộ có kiểm soát lên Mặt Trăng với sự kiện này.

Kỳ vọng nâng cao vị thế không gian của Ấn Độ

Đây là nỗ lực hạ cánh mềm thứ hai của Ấn Độ, sau nỗ lực thất bại trước đó với Chandrayaan-2 vào năm 2019. Tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên, Chandrayaan-1, đi vào được quỹ đạo quanh Mặt Trăng, nhưng sau đó lại đâm mạnh vào bề mặt của hành tinh này vào năm 2008. Được Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) phát triển với vốn đầu tư khoảng 75 triệu USD, Chandrayaan-3 bao gồm một tàu đổ bộ, mô-đun động cơ đẩy và xe tự hành. Mục đích của nó là hạ cánh an toàn trên bề mặt Mặt Trăng, thu thập dữ liệu và tiến hành thí nghiệm khoa học để tìm hiểu thêm về thành phần của Mặt Trăng. Trước đó, chỉ có ba quốc gia khác đã đạt được kỳ tích phức tạp trong việc hạ cánh mềm một tàu vũ trụ trên bề mặt mặt trăng là Mỹ, Nga và Trung Quốc

Chandrayaan-3 chuẩn bị được phóng tại Sriharikota, Ấn Độ vào ngày 13.7.2023. Nguồn: CNN

Chandrayaan-3 chuẩn bị được phóng tại Sriharikota, Ấn Độ vào ngày 13.7.2023. Nguồn: CNN

Dự kiến, tàu Chandrayaan-3 sẽ hạ cánh xuống bề mặt của Mặt Trăng vào ngày 23.8. Sau khi hạ cánh, tàu đổ bộ cao 2 m sẽ triển khai xe tự hành tại một địa điểm gần vùng cực Nam của Mặt Trăng để tiến hành thăm dò và thực hiện hàng loạt thí nghiệm trong vòng 2 tuần. Đây là sứ mệnh lớn đầu tiên kể từ khi chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố các chính sách thúc đẩy đầu tư vào hoạt động chinh phục không gian do tư nhân thực hiện và những mô hình kinh doanh liên quan đến phát triển và phóng vệ tinh.

Chuyên gia tư vấn Ajey Lele thuộc Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng Manohar Parrikar ở New Delhi nhận định: "Sứ mệnh thành công sẽ giúp nâng cao vị thế của Ấn Độ trên phạm vi toàn cầu và đem lại những lợi ích gián tiếp về khía cạnh thương mại của ngành công nghiệp này". Trong khi đó, theo bà Carla Filotico - Giám đốc quản lý tại công ty tư vấn SpaceTec Partners, mục tiêu của Ấn Độ là trở thành một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực không gian và vụ phóng mới nhất có thể là cơ hội để Ấn Độ thực hiện được mục tiêu đó.

Sứ mệnh Mặt trăng đầu tiên của Ấn Độ, tàu Chandrayaan-1, đã phát hiện ra các phân tử nước trên bề mặt Mặt trăng vào năm 2008. 11 năm sau, Chandrayaan-2 đi vào quỹ đạo Mặt Trăng thành công nhưng không thể hạ cánh mềm. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn ca ngợi các kỹ sư đứng sau sứ mệnh bất chấp thất bại, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục thực hiện chương trình không gian và tham vọng của Ấn Độ.

Ngay trước khi sự kiện phóng tàu Chandrayaan-3 diễn ra, Thủ tướngModi cho biết ngày này “sẽ luôn được khắc bằng những chữ vàng khi có liên quan đến lĩnh vực vũ trụ của Ấn Độ”, và nó “sẽ mang theo hy vọng và ước mơ của đất nước chúng ta”, ông viết trên Twitter.

Chương trình không gian kéo dài nhiều thập kỷ

Theo CNN, chương trình không gian của Ấn Độ đã có từ hơn 6 thập kỷ trước, khi quốc gia này vẫn còn là nước cộng hòa mới độc lập và còn nghèo nàn. Khi phóng tên lửa đầu tiên vào vũ trụ vào năm 1963, Ấn Độ không thể đối đầu với tham vọng của Mỹ và Liên Xô cũ, những nước đang dẫn đầu trong cuộc đua vũ trụ.

Giờ đây, Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu. Quốc gia Nam Á này tự hào có dân số trẻ đang phát triển, đồng thời là trung tâm đổi mới và công nghệ đang lớn mạnh không kém. Tham vọng không gian của Ấn Độ đặc biệt được quan tâm dưới thời của Thủ tướng Modi. Đối với nhà lãnh đạo này, người đã lên nắm quyền vào năm 2014, chương trình không gian của Ấn Độ là biểu tượng cho khả năng đi lên nổi bật của đất nước trên trường quốc tế.

Năm 2014, Ấn Độ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đến sao Hỏa, khi đưa tàu thăm dò Mangalyaan vào quỹ đạo quanh Hành tinh Đỏ, với chi phí 74 triệu USD. Ba năm sau, Ấn Độ đã phóng kỷ lục 104 vệ tinh trong một nhiệm vụ. Năm 2019, cựu chủ tịch của ISRO, Kailasavadivoo Sivan cho biết, Ấn Độ lên kế hoạch thành lập một trạm vũ trụ độc lập vào năm 2030. Hiện tại, trạm vũ trụ duy nhất dành cho các đoàn thám hiểm là Trạm vũ trụ quốc tế (một dự án chung giữa một số quốc gia) và Trạm vũ trụ Tiangong của Trung Quốc.

Sự phát triển và đổi mới nhanh chóng đã khiến công nghệ vũ trụ trở thành một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất của Ấn Độ đối với các nhà đầu tư – và các nhà lãnh đạo thế giới dường như đã chú ý. Tháng trước, khi ông Modi gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Washington trong chuyến thăm cấp nhà nước, Nhà Trắng cho biết cả hai nhà lãnh đạo đều tìm kiếm sự hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực kinh tế vũ trụ. Và tham vọng không gian của Ấn Độ không dừng lại ở Mặt trăng hay sao Hỏa. ISRO cũng từng đề xuất gửi một tàu vũ trụ bay theo quỹ đạo đến sao Kim.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/an-do-khoi-dong-su-menh-tham-hiem-mat-trang-lich-su-voi-tau-chandrayaan-3--i336064/