Ấn Độ dành thêm suất vào đại học cho người nghèo

Theo quyết định mới của Tòa án Tối cao Ấn Độ, những người yếu thế ở mọi tầng lớp có thể được ưu tiên vào đại học, Higher Education đưa tin.

 Trước đây, Ấn Độ chỉ có chế độ ưu tiên tuyển sinh đối với tầng lớp thấp, thay vì tầng lớp nghèo. Ảnh: Indian Express.

Trước đây, Ấn Độ chỉ có chế độ ưu tiên tuyển sinh đối với tầng lớp thấp, thay vì tầng lớp nghèo. Ảnh: Indian Express.

Tòa án Ấn Độ đã ra phát quyết dành 10% việc làm và giáo dục cho bộ phận dân số có kinh tế yếu hơn. Điều này đánh dấu sự thay đổi cơ bản hệ thống phân biệt đối xử dựa trên đẳng cấp tại quốc gia này, tạo điều kiện cho các ứng viên có hoàn cảnh khó khăn được học đại học.

Đầu tháng 11, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ủng hộ sửa đổi hiến pháp năm 2019 gây tranh cãi của chính phủ nước này, dành thêm 10% suất vào "hệ thống đặt chỗ" (hệ thống dành suất vào đại học cho tầng lớp công dân yếu thế - PV), nâng tổng số suất dành riêng cho đối tượng này tại các trường đại học lên gần 60%.

"Hệ thống đặt chỗ" được chính quyền Ấn Độ đưa ra nhằm đảm bảo những công dân có hoàn cảnh khó khăn nhất quốc gia này có cơ hội vào các trường đại học và cơ quan công vụ. Hệ thống này ban đầu dành riêng cho tầng lớp Dalit thấp nhất Ấn Độ và các bộ lạc bản địa. Sang đầu những năm 1990, hệ thống được mở rộng thêm cho "các tầng lớp lạc hậu khác" bao gồm phần lớn dân số nước này.

Ưu tiên tầng lớp hơn kinh tế

Ashwini Deshpande, Giáo sư Kinh tế kiêm Giám đốc sáng lập Trung tâm Phân tích và Dữ liệu Kinh tế tại ĐH Ashoka, đánh giá quyết định của Tòa án Tối cao sẽ tạo ra những thay đổi mang tính nền móng.

Theo bà, "hệ thống đặt chỗ" của Ấn Độ nhằm bù đắp cho nhóm công dân yếu thế vì bị phân biệt đối xử và kỳ thị lâu dài thay vì tình trạng kinh tế của họ. Bà cho rằng tình trạng kinh tế chỉ là một đặc điểm nhất thời và có thể khắc phục. Một người có thể rơi vào tình trạng nghèo đói nhưng cũng có thể thoát nghèo.

Mặc dù ủng hộ việc tiếp tục vận hành "hệ thống đặt chỗ", GS Deshpande lại không ủng hộ quyết định gần đây của Tòa án Tối cao Ấn Độ vì có tới 98% dân số nước này có thể tham gia vào hệ thống này.

 Người kéo xe là một ví dụ cho tầng lớp Dalit ở Ấn Độ. Ảnh: iStock.

Người kéo xe là một ví dụ cho tầng lớp Dalit ở Ấn Độ. Ảnh: iStock.

Suraj Yengde, một học giả thuộc tầng lớp Dalit và là cộng tác viên nghiên cứu tại khoa Châu Phi và Mỹ gốc Phi ĐH Harvard, ví tình hình ở Ấn Độ hiện này với vụ kiện đang diễn ra của Tòa án Tối cao Mỹ về hành động được coi là có khả năng dẫn đến lệnh cấm xem xét chủng tộc như một yếu tố trong tuyển sinh đại học.

Anh cho hay mình từng bị quấy rối và đố kỵ bởi những người bạn đẳng cấp cao hơn khi anh còn là sinh viên đại học do được ưu tiên nhận vào đại học nhờ thuộc đẳng cấp thấp.

Động thái chính trị tích cực

Tuy nhiên, một số học giả lưu ý tòa án cũng đã cân nhắc về yếu tố tài chính khi đưa ra quyết định.

Frank de Zwart, giảng viên ngành Chính trị và Phân tích chính sách, chuyên môn Ấn Độ tại ĐH Leiden (Hà Lan), cho rằng quyết định của Tòa án Tối cao có thể làm suy yếu hoàn toàn hệ thống phân biệt đối xử dựa trên đẳng cấp tại Ấn Độ.

Theo ông, quyết định của tòa án có thể là một quyết định tích cực, mang lại lợi ích cho một số sinh viên đang gặp bất lợi.

"Nhiều gia đình thuộc đẳng cấp cao nhưng thực sự rất nghèo. Họ xứng đáng được tiếp cận với giáo dục", ông nói.

Mặc dù cho rằng quyết định gần đây là một động thái chính trị làm hài lòng công chúng cũng như có khả năng mang lại lợi ích cho đảng cầm quyền của Ấn Độ, ông vẫn khẳng định quyết định này không thay đổi được vị trí của những cá nhân thuộc đẳng cấp thấp trong xã hội nước này.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/an-do-danh-them-suat-vao-dai-hoc-cho-nguoi-ngheo-post1379034.html