Ấn Độ bắt đầu cấm sử dụng nhựa dùng một lần

Ấn Độ đã cấm một số sản phẩm nhựa sử dụng một lần như một phần trong kế hoạch liên bang nhằm loại bỏ dần loại vật liệu phổ biến ở quốc gia gần 1,4 tỷ dân này.

Trong giai đoạn đầu tiên, Ấn Độ đã xác định được hơn 10 loại sản phẩm nhựa từ cốc nhựa, ống hút cho đến que kem. Một số loại túi nhựa dùng một lần cũng sẽ được loại bỏ dần và thay thế bằng những loại túi dày hơn. Chính phủ Ấn Độ đã tính đến các sản phẩm thay thế như thìa tre, lá chuối, que kem bằng gỗ.

Ảnh: The Diplomat

Ảnh: The Diplomat

Mặc dù, hiện vẫn còn hàng nghìn sản phẩm nhựa khác như chai nước hoặc túi khoai tây chiên không nằm trong lệnh cấm, nhưng chính phủ đã đặt mục tiêu cho các nhà sản xuất chịu trách nhiệm tái chế hoặc xử lý chúng sau khi sử dụng.

Trước lệnh cấm này, các nhà sản xuất nhựa đã kêu gọi chính phủ trì hoãn lệnh cấm với lý do lạm phát và nguy cơ mất việc làm. Song Bộ trưởng Môi trường liên bang Bhupender Yadav cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ xem xét lệnh cấm nhựa, nhưng những lần cấm trước đó chỉ tập trung vào các khu vực cụ thể, dẫn đến mức độ thành công không đồng đều. Điều phối viên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức vận động Break Free from Plastic (Giải phóng khỏi đồ nhựa) Satyarupa Shekhar cho biết, lệnh cấm trên toàn quốc không chỉ bao gồm việc sử dụng nhựa mà còn cả việc sản xuất hoặc nhập khẩu nhựa.

Hầu hết nhựa không được tái chế trên toàn cầu và hàng triệu tấn nhựa đã gây ô nhiễm các đại dương, ảnh hưởng đến động vật hoang dã, thậm chí những mảnh nhựa nhỏ bị phân hủy, được gọi là các hạt vi nhựa còn xuất hiện trong cơ thể người. Theo cơ quan giám sát ô nhiễm liên bang, vào năm 2020, hơn 4,1 triệu tấn chất thải nhựa đã được tạo ra ở Ấn Độ.

Theo Our World in Data, hệ thống quản lý chất thải kém hiệu quả ở các thành phố và làng mạc đang phát triển của đất nước có nghĩa là phần lớn chất thải này không được tái chế, từ đó gây ô nhiễm môi trường. Gần 13 triệu tấn rác thải nhựa đã được quốc gia Nam Á này không được tái chế vào năm 2019 - mức cao nhất thế giới.

Ấn Độ hiện là quốc gia có các nhà máy sản xuất hơn 243.000 tấn nhựa dùng một lần mỗi năm. Điều này có nghĩa việc giảm sản xuất và hậu quả là rác thải nhựa là rất quan trọng để Ấn Độ đạt được mục tiêu giảm 45% cường độ phát thải trong hoạt động kinh tế trong 8 năm.

Một nghiên cứu gần đây đã xác định hơn 8.000 chất phụ gia hóa học được sử dụng để chế biến nhựa, một số trong đó có khả năng tạo ra khí nhà kính mạnh gấp hàng nghìn lần so với carbon dioxide. Các sản phẩm như bao bì dùng một lần, nhựa dẻo, vật liệu cách nhiệt bằng nhựa xốp, chai và hộp đựng, cùng nhiều sản phẩm khác, làm tăng thêm lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

Hầu hết nhựa không thể tái chế mà chỉ bị phân hủy và thường được đốt hoặc sử dụng làm nhiên liệu trong các nhà máy chuyển rác thải thành năng lượng, đôi khi được gọi là tái chế hóa học. Mặc dù nhựa có giá trị làm nhiên liệu cao gấp 3 - 4 lần so với phế liệu, nhưng các quá trình tái chế này thải ra nhiều carbon dioxide hơn vào khí quyển, làm tăng thêm hiệu ứng nhà kính.

Giám đốc của Toxics Link - nhóm vận động tập trung vào quản lý chất thải có trụ sở tại New Delhi Ravi Agarwal cho biết, lệnh cấm mới này sẽ là “một khởi đầu tốt”, nhưng thành công của nó sẽ phụ thuộc vào việc lệnh cấm sẽ được triển khai như thế nào.

Như Ý (Theo Times of India)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/an-do-bat-dau-cam-su-dung-nhua-dung-mot-lan--i371535/