An cư nơi cổng trời Mang Yang

'Trước năm 2019, không cuộc họp Đảng ủy nào của Kho K897, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật không bàn về công tác luân chuyển nhân sự cũng như công tác xét duyệt đơn đề nghị chuyển đơn vị hoặc ra quân của những quân nhân trong đơn vị. Và đó là minh chứng: Một thời Kho K897 không phải là 'mảnh đất lành'-Trung tá Lê Mạnh Quyền, Chủ nhiệm Chính trị Kho K897 mở đầu câu chuyện.

Nỗi niềm một thuở

Năm 2003, theo nhiệm vụ cấp trên giao, Kho K897 được thành lập nơi cổng trời Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Nhưng con người nhận nhiệm vụ ở kho thời điểm ấy chủ yếu là người miền Bắc. Trung tá Lê Mạnh Quyền nhớ lại: “Nơi này khi ấy heo hút lắm. Đường sá đi lại khó khăn, điện thoại cầm tay không có. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề; chỉ có gió và cỏ cây là tốt tươi hơn cả”.

Là người có mặt những ngày đầu thành lập, lúc đó Đại úy QNCN Đỗ Huy Phong vẫn đang trong tuần trăng mật thì nhận nhiệm vụ về Kho K897. Vợ chồng trẻ, lại sống cảnh người Bắc, kẻ Nam đã tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm hai người. Anh Phong chia sẻ: “Ngày chia tay vợ lên tàu vào nhận nhiệm vụ mà trong lòng tôi ngổn ngang tâm sự. Vừa nhớ gia đình, vợ trẻ, vừa phải đón nhận nhiều nhiệm vụ mới với đặc thù của một đơn vị mới thành lập”.

Giống như anh Phong, Trung úy QNCN Vũ Văn Duy cũng chia tay người vợ trẻ nơi quê nhà Thái Nguyên vào Tây Nguyên nhận công tác với bao lưu luyến. Một năm đôi lần về phép, còn lại là những tháng ngày biền biệt. Bố mẹ già yếu, con ốm đau cũng chỉ là cuộc điện thoại ngắn ngủi. “Nhận nhiệm vụ về Kho K897, tôi cũng đã xác định rất rõ tư tưởng. Nhưng con người mà, ai chẳng có lúc yếu mềm...”-anh Duy giãi bày.

Cũng vì khó khăn mà một số đồng chí ở Kho K897 đã bị tác động tư tưởng, tâm lý và đề đạt nguyện vọng với cấp trên chuyển công tác về gần vợ con, gia đình. “Khi nói về công tác xây dựng đơn vị mà cán bộ, chiến sĩ chưa yên tâm công tác thì ai cũng buồn. Thời điểm ấy, quả thực chúng tôi lực bất tòng tâm, bởi ai cũng nhìn rõ thực trạng nhưng hướng giải quyết thật nan giải. Nếu động viên để anh em đưa vợ con vào thì đơn vị không bố trí được nơi ở; việc làm sẽ như thế nào? Trường học cho các cháu nữa. Trăm thứ khó và rối cứ bủa vây trong ý nghĩ của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy đơn vị!”-Trung tá Lê Mạnh Quyền phân tích.

Tổ ấm gia đình Đại úy QNCN Đỗ Huy Phong.

Trong các cuộc họp cấp ủy, vấn đề làm thế nào để giải quyết tốt tư tưởng cho anh em yên tâm gắn bó với đơn vị luôn được bàn thảo sôi nổi. Vấn đề hợp lý hóa gia đình cho quân nhân là chủ trương được Đảng ủy, chỉ huy Kho K897 xác định là khâu then chốt. Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Kho K897 tâm sự: “Những khó khăn được vạch ra và Đảng ủy, chỉ huy tìm giải pháp tháo gỡ cho từng khó khăn một”.

Đất đã lành...

Tôi có mặt ở khu nhà công vụ của Kho K897 khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Tiếng con trẻ nô đùa; các ông bố, bà mẹ tất bật với bữa cơm chiều. Từ lâu, khu gia binh của Kho K897 luôn ngập tràn tiếng nói, tiếng cười. Sự có mặt của các cháu nhỏ là con các quân nhân làm cho mảnh đất Tây Nguyên vốn đầy nắng và gió thêm yêu, thêm mến. Sự sống ở mảnh đất xa xôi như hồi sinh bằng tiếng cười trẻ thơ.

Chị Dương Thị Thùy Linh, vợ Trung úy QNCN Vũ Văn Duy thoăn thoắt nhặt rau, miệng tươi cười tiếp chuyện: “Nhanh thật! Đã 5 năm em quyết định rời quê hương theo chồng vào đây lập nghiệp. Đó là một cuộc cách mạng thật sự. Những ngày mới vào, em đã phải đối diện với biết bao khó khăn. May mắn là được đơn vị cho mượn nhà công vụ, rồi liên hệ xin việc làm. Công việc phù hợp lại giúp em có thu nhập ổn định. Cuộc sống gia đình em giờ ổn định hơn rồi”-chị Linh tâm sự.

Còn nhớ, ngày mới vào mảnh đất Tây Nguyên, chị Linh đi làm thuê đủ nghề, việc gì cũng nhận, miễn là có thu nhập chính đáng. Nắm được hoàn cảnh, chỉ huy Kho K897 đã liên hệ với Công ty Đồng Giao Doveco Gia Lai xin việc cho chị Linh. Cũng từ đó, chị Linh trở thành công nhân có thu nhập ổn định, bình quân 8 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn cả là vợ chồng chị được gần nhau. Chị Linh chia sẻ thêm: “Tình cảm vợ chồng dĩ nhiên là gắn bó hơn lúc xa nhau và giúp chồng em yên tâm công tác. Ở khu nhà công vụ này, chị em đến từ nhiều miền quê khác nhau nhưng luôn coi nhau như người thân”.

Cùng cảnh rời quê theo chồng vào lập nghiệp ở mảnh đất Mang Yang là chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh, vợ của Đại úy QNCN Đỗ Huy Phong, chân ướt chân ráo theo chồng lập nghiệp. Ban đầu chị Quỳnh Anh buôn bán các mặt hàng nông sản mà bà con Tây Nguyên sản xuất. Một thời gian sau, chị may mắn là 1 trong 8 vợ quân nhân đầu tiên của đơn vị được tuyển dụng vào làm việc tại Kho K897. Vợ chồng gần nhau; công việc ổn định, tích cóp kinh tế; đến nay vợ chồng anh Phong, chị Quỳnh Anh đã mua được đất và xây nhà riêng.

Nhà ở, việc làm-bài toán khó nhất trong việc ổn định hậu phương người chiến sĩ đã được chỉ huy Kho K897 tìm được lời giải. Nhiều quân nhân đã đưa vợ con vào lập nghiệp và coi đây như là quê hương thứ hai của mình. Từ năm 2019 đến nay, Kho K897 không còn tình trạng viết đơn xin ra quân. Nơi cổng trời Mang Yang nay đã là mảnh đất lành với quân nhân Kho K897.

Bài và ảnh: MINH KHUÊ - PHƯƠNG HOA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/an-cu-noi-cong-troi-mang-yang-739243