Âm vang ký ức

Ký ức hào hùng về đại thắng mùa Xuân năm 1975 của toàn dân tộc vẫn in đậm trong tâm trí những người lính năm xưa. Hòa chung niềm vui của toàn dân tộc - niềm vui của ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), những người con đất Việt luôn nhắc nhớ, trân trọng lịch sử, gìn giữ độc lập và cố gắng xây dựng cơ đồ của cha ông để lại.

“Thắng rồi, sống rồi, được về nhà rồi!”

Lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Lâm Khên ở ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh đã chứng kiến nhiều trận đánh lịch sử của dân tộc. 18 tuổi, ông Khên tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình Long. Thời điểm này, Lộc Ninh đang trong giai đoạn kháng chiến cam go, khốc liệt để đi đến chiến thắng giải phóng Lộc Ninh ngày 7-4-1972.

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, ông Đay đồng hành và hỗ trợ hội viên cựu chiến binh trong sinh hoạt, đời sống và lao động sản xuất

Kể về những ngày tháng lịch sử của quê hương, ông Khên cảm thấy như mới diễn ra ngày hôm qua. Ông Khên chia sẻ: “Tôi vẫn còn nhớ như in những trận đánh lịch sử ở Xa Trạch, Quản Lợi (Hớn Quản), Tổng Cui, Đông Phất (Bình Long), những chuyến hành quân đi 3 ngày, 3 đêm mới tới điểm tập kết”.

Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, chúng tôi đang chiến đấu ở Xa Trạch, xã Phước An, huyện Hớn Quản bây giờ. Nghe tin chiến thắng, anh em ôm nhau hét lên “Thắng rồi, sống rồi, được về nhà rồi!”.

Đang hào hứng nói về niềm vui nhận tin chiến thắng, ông Khên lặng đi mấy giây, mắt rưng rưng, giọng trùng xuống, ông nói: "Mình được sống, được về nhà vui lắm, nhưng có biết bao đồng đội, chiến sĩ, người dân vĩnh viễn nằm lại trong đất mẹ".

Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, ông Khên tiếp tục đóng góp xây dựng quê hương, hỗ trợ người dân tại địa phương khắc phục hậu quả chiến tranh và vươn lên phát triển kinh tế. 49 năm qua, từ vùng đất của “thủ đô kháng chiến”, thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Lộc Ninh hôm nay đã là vùng đất trù phú với thế mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế vùng biên ngày càng ổn định.

45 năm tuổi Đảng và đóng góp nhiều trong việc xây dựng và phát triển quê hương, ông Khên được Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam tặng huy chương Vì giai cấp nông dân Việt Nam năm 2004; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình phối hợp triển khai ứng dụng khoa học và công nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2006-2010. Ông Khên còn được Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh tặng giấy khen có thành tích tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2021. Năm 2022, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen là người dân tộc thiểu số tiêu biểu.

Người lính năm xưa xây dựng hôm nay

Năm 14 tuổi, ông Lâm Đay ở ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh đã viết đơn tình nguyện xin đi bộ đội. 4 năm tham gia quân ngũ, làm người lính Cụ Hồ, ông Đay cùng đồng đội vui mừng ôm nhau khi nghe tin miền Nam giải phóng. Dù đã 49 năm trôi qua, nhưng ông Đay vẫn vẹn nguyên cảm xúc về ngày này.

"Hồi đó, chiến tranh loạn lạc, chúng tôi viết đơn tình nguyện nhập ngũ chiến đấu để bảo vệ quê hương, đất nước. Chúng tôi lên đường chiến đấu với tâm thế sẵn sàng hy sinh, chỉ mong cách mạng thắng lợi cho nhân dân có cuộc sống bình yên, ổn định làm ăn", ông Đay chia sẻ.

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, Hội Cựu chiến binh các cấp trong tỉnh tiếp tục thi đua phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh

Ấp Ba Ven có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, người Khmer chiếm hơn 70%, đời sống còn nhiều khó khăn. Gần 20 năm giữ vai trò trưởng ấp, ông Đay luôn quan tâm sâu sắc tới cuộc sống của người dân và các hội viên cựu chiến binh khó khăn. Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, ông Đay còn đồng hành và hỗ trợ hội viên cựu chiến binh trong phát triển kinh tế. Đối với những hội viên khó khăn, ông Đay luôn dành sự quan tâm đặc biệt, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các hội viên để kịp thời đề xuất, tham mưu cấp trên giải quyết và hỗ trợ.

Là một trong những hội viên cựu chiến binh khó khăn được xét duyệt hỗ trợ kinh phí xây nhà, ông Lâm Trúc ở tổ 1, ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh chia sẻ: Chúng tôi khó khăn về nhà ở, được chi hội cựu chiến binh đề nghị xét duyệt hộ nghèo và hỗ trợ làm nhà. Có nhà kiên cố để ở và an tâm lao động sản xuất tôi rất vui. Việc này cũng từ sự quan tâm của chi hội trưởng Lâm Đay.

Luôn cố gắng, nỗ lực trong cuộc sống, công việc, ông Đay đã được các cấp ghi nhận và khen thưởng. Đặc biệt, được Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh tặng giấy khen là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm liên tục và được tuyên dương có thành tích trong triển khai, thực hiện “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” giai đoạn 2003-2023.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lộc Khánh Trương Văn Kiên cho biết: Hội hiện có 6 chi hội với 135 hội viên, trong đó có 66 hội viên người dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, các chi hội cựu chiến binh đã thực hiện hiệu quả các phong trào, hoạt động tại địa phương, đơn vị. Hội viên cựu chiến binh tích cực thi đua phát triển kinh tế gia đình, địa phương gắn với phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”. Câu lạc bộ “Ông kể cháu nghe” của hội có 7 thành viên. Vào các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn, câu lạc bộ phối hợp với Đoàn thanh niên xã và các trường học tổ chức nói chuyện truyền thống cách mạng cho thanh thiếu nhi, từ đó đánh thức vai trò, trách nhiệm của người trẻ trong việc giữ gìn và dựng xây thành quả của ông cha để lại.

Ngọc Quế

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/157006/am-vang-ky-uc