Âm thanh hoài niệm

Đâu đó trong cuộc sống hiện đại, hối hả, bất chợt nghe được những bản nhạc xưa khiến chúng ta rung động và giao cảm lạ kỳ, như đánh thức ký ức ngỡ đã chìm vào quên lãng. Nhiều người, vì sự thức tỉnh đó đã cố gắng tìm mua những chiếc máy nghe nhạc cổ với mong muốn lấy lại cảm xúc xưa.

Từ hoài niệm âm thanh…

Căn nhà của ông Chu Văn Tú lọt thỏm giữa con phố tấp nập thuộc phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai), xung quanh hàng xóm chủ yếu kinh doanh karaoke lúc nào cũng xập xình tiếng nhạc hiện đại. Tìm cho mình một chốn bình yên, ông Tú đã biến phòng khách thành điểm dừng chân của những người đam mê thưởng thức âm nhạc cổ. “Mỗi buổi sáng, mấy anh em chúng tôi hay ngồi uống trà, nghe nhạc xưa để hoài niệm những chuyện cũ. Những bài hát chạy bằng đầu đĩa than, âm thanh phát ra rè rè nhưng rất chân thật, mộc mạc và có sức mê hoặc khó tả” - ông Tú giãi bày.
Chỉ tay về chiếc loa kèn cổ được sản xuất tại Colombia năm 1920, ông Tú bảo khi ấy điện còn chưa có, máy chạy bằng cót phải quay tay hoàn toàn. Đến giờ, chiếc máy cũng chỉ dùng để trang trí, không sử dụng được nữa nhưng từng chi tiết, bộ phận nhuốm màu thời gian khiến ai đam mê thiết bị âm thanh cổ cũng muốn được sở hữu.

Cạnh bên là cả “gia tài” của ông Tú với khoảng chục đầu máy băng cối, radio cổ, máy phát nhạc đĩa than, đĩa đá… Để có những đầu máy, băng đĩa xưa, ông Tú đã mất nhiều công sức săn lùng từ khắp nơi, có những chiếc được ông đưa về từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Bình Thuận, cũng có chiếc ông mua tận nước ngoài vận chuyển về.

Ông Tú bên gia tài.

Ông Tú bảo: Chơi băng cối là hướng về âm thanh analog mộc mạc, giọng hát chính bao trùm lên nhạc đệm. Những âm thanh không có quá nhiều kỹ thuật tân tiến nhưng vẫn có một chất riêng.

Vừa nói ông Tú vừa cho cuốn băng Tiếng hát Duy Khánh 1 vào chiếc đầu máy Studer A810. Giọng hát Duy Khánh vang lên: “Mộng về một đêm xuân sang/Em thì thầm ngày đó thương anh/Thuyền về một đêm trăng thanh/Xây mộng vàng đậu bến sông xanh” khiến tôi nổi gai ốc. Quả thực, âm thanh analog phát ra chân thực, giọng ca sỹ trầm ấm tựa như đang có người đứng hát ngay bên cạnh vậy.

“Sau hơn 30 năm theo đuổi đam mê, tôi sưu tầm được rất nhiều album nhạc cổ của Việt Nam và nước ngoài bằng đĩa than. Giá trị chưa thể tính được, nhưng hằng ngày, tôi và những người bạn vẫn dành khoảng thời gian nhất định để thưởng thức những đĩa nhạc xưa. Thứ âm thanh cổ đó giúp tôi và các bạn hồi tưởng, sống lại một thời hoài niệm” - ông Tú tự hào.

Ngoài ông Tú còn có ông Lã Văn Quân, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai), người được phong danh hiệu sưu tầm được nhiều thiết bị âm thanh cổ nhất Lào Cai. Ông Quân chia sẻ: Từ nhỏ, tôi đam mê dòng nhạc thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước phát ra từ chiếc máy nghe nhạc mini của cha tôi. Những bài hát được thu âm theo kiểu analog nên giọng của ca sỹ rất “mộc”, bao trùm lên nhạc đệm, có chiều sâu, càng nghe càng thấy thấm. Sau này, khi có điều kiện hơn, tôi bắt đầu sưu tầm, rồi càng ngày càng gắn bó, tìm hiểu sâu về máy hát cũ.

Hiện tại, ông Quân sở hữu khoảng 50 thiết bị âm thanh cổ có thương hiệu một thời như loa Pioneer, SanSui, Goodman, Richard Allan, Kenwood… “Thú chơi nào cũng vậy, ngoài đam mê còn phải chịu khó đầu tư. Để sở hữu những đầu máy, bộ loa, băng cối giá trị, tôi đã mất nhiều thời gian sưu tầm. Khi nghe thông tin ở đâu có những thiết bị âm thanh xưa, tôi đều liên hệ đặt hàng trước, sắp xếp công việc, sẵn sàng đi hàng trăm cây số để được ngắm và mua những đồ vật. Tùy vào nguồn gốc, độ cũ, độ hiếm, hình dáng… mà sản phẩm có giá khác nhau, từ vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng”, ông Quân cho biết thêm.

… đến gắn kết đam mê

Từ thú vui sưu tầm âm thanh cổ, những người như ông Tú, ông Quân đã có thêm nhiều người bạn, thường xuyên giao lưu, trao đổi các món “hàng” họ yêu thích, chia sẻ hiểu biết của mình, khoe những sản phẩm mới “lùng” được, trò chuyện về âm nhạc… và trao nhau ngọn lửa niềm đam mê. Năm 2017, Câu lạc bộ Âm thanh xưa Lào Cai chính thức được thành lập. Ông Nguyễn Khắc Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: Câu lạc bộ có 60 thành viên, sinh hoạt định kỳ 2 lần/năm. Không phô trương, ồn ào, các thành viên câu lạc bộ đến với nhau bởi cái tình, bởi niềm đam mê chung với âm nhạc, với những thiết bị âm thanh có tuổi đời thậm chí hơn cả họ. Mỗi người một độ tuổi, một ngành nghề, nhưng khi có dịp ngồi bên nhau, mọi sự khác biệt đó dường như tan biến hết, chỉ còn lại âm nhạc và niềm đam mê dành cho những chiếc loa cổ, những chiếc “ampli đèn” từ thế kỷ trước.

Chiếc máy hát cổ của ông Tú.

Trong phòng khách của ông Tú, hằng ngày có các thành viên Câu lạc bộ thường xuyên ghé thăm. Số lượng thành viên ngày càng đông và độ tuổi ngày càng phong phú. Ngỡ tưởng thứ âm nhạc “già cỗi” này chỉ hợp với những người ở thế hệ ông Tú, ấy vậy là 8X, 9X cũng có nhiều bạn tìm đến câu lạc bộ, như Trần Xuân Long, sinh năm 1989, hiện công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Cơ duyên đến với âm nhạc cổ điển và thú vui sưu tầm đài cổ bắt nguồn từ ngày anh Long còn là sinh viên, thuê nhà trong một con ngõ nhỏ, sáng nào chủ nhà cũng bật chiếc máy cassette nghe mấy bản nhạc xưa, dần dần Long “nghiện” thứ âm thanh mê hoặc ấy và bắt đầu tìm hiểu về các loại máy nghe nhạc cổ. Chiếc máy đầu tiên anh Long sở hữu là bộ âm thanh mini của Nhật được mua từ số tiền dành dụm làm thêm 1 năm. Anh Long tâm sự: Trong thời buổi có quá nhiều sự lựa chọn cho âm nhạc với chất liệu khác nhau, như đĩa CD âm thanh sắc bén, trong trẻo không “tì vết” nhưng tôi lại muốn tìm về âm thanh cũ, ì ạch nhưng mộc mạc và tình cảm, khi nghe cảm nhận được cả tiếng thở, lấy hơi của ca sỹ mang đến cho mình muôn vàn cảm xúc.

Còn gì tuyệt vời hơn những ngày cuối năm, được ngồi bên bạn bè, nhâm nhi tách trà nóng, cùng nghe bản nhạc du dương từ chiếc đài cổ, thứ âm thanh mê hoặc đủ khiến người ta bảng lảng trong những hoài niệm xưa cũ…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352581-am-thanh-hoai-niem