Ấm lòng bữa cơm '2K' giữa lòng phố núi

Dù mới đi vào hoạt động nhưng bếp ăn '2K' đã trở thành điểm 'nương tựa' của hàng trăm bệnh nhân nghèo, giữa thời điểm vật giá leo thang.

Điểm đến của bệnh nhân nghèo

Chuẩn bị đến giờ cơm trưa, nhiều bệnh nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cùng người thân lại gọi nhau ra bếp ăn “2K” nằm tại cổng sau bệnh viện để dùng cơm.

Dù chỉ phải bỏ ra 2 nghìn đồng nhưng mọi người nhận được một xuất ăn no đầy đủ chất dinh dưỡng. Chính vì vậy, dù bếp ăn chỉ hoạt động được hơn 10 ngày nhưng ngày nào cũng chật kín người, đủ các thành phần lứa tuổi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bếp ăn thiện nguyện “2K” do chị Nguyễn Thị Huy (tổ 4, phường Hội Thương, thành phố Pleiku) khởi xướng và tự bỏ kinh phí thực hiện.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Huy kể, bản thân chị nhiều lần chăm người thân ốm tại bệnh viện.

Trong những lần ở cùng phòng, chị thấy được hoàn cảnh đáng thương của nhiều trường hợp. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chi phí thuốc men cho người thân bị bệnh rất tốn kém, người ốm cũng như người khỏe ăn uống kham khổ, mì tôm, cháo gói qua ngày.

Chị Huy thổ lộ: “Chứng kiến những hoàn cảnh như vậy tôi rất thương cảm. Trong thâm tâm tôi mong nuốn làm một điều gì đó để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn bệnh tật. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định bỏ kinh phí tổ chức bếp ăn thiện nguyện “2K”, với với mong muốn không giúp được về mặt tiền bạc nhưng giúp người bệnh, gia đình nghèo có được bữa ăn đủ đầy để yên tâm chữa trị”.

Dù mới đi vào hoạt động nhưng bếp ăn "2K" có rất đông người tìm đến.

Dù mới đi vào hoạt động nhưng bếp ăn "2K" có rất đông người tìm đến.

Theo chị Huy, bếp ăn thiện nguyện “2K” phục vụ mọi người có nhu cầu vào các buổi trưa từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Mỗi suất ăn gồm có cơm trắng, món kho, rau xào, canh, trái cây và 1 phần nước đậu nành (có khi là chè, nước mía) đảm bảo đủ dinh dưỡng cho mọi người, riêng về cơm trắng thì không hạn chế.

Khi đến ăn, mọi người tự lấy nước, đồ ăn đã được chia đều trong các khay và chỉ lấy thêm cơm. Ăn xong, mọi người dọn dẹp khay ăn vào vị trí quy định. Mỗi phần cơm chỉ phải trả 2.000 đồng tượng trưng, ai có thêm thì đóng góp tùy tâm hoặc không trả tiền cũng không sao.

Để bếp ăn hoạt động, chị Huy thuê 3 người để nấu ăn và dọn dẹp và trả thù lao 1 buổi 200.000 đồng/người.

Ngoài ra, vợ chồng chị còn huy động thêm nhiều người trợ giúp. Trung bình mỗi ngày, chi phí nấu các phần ăn và chi trả nhân công khoảng trên 2,5 triệu đồng. Bếp ăn thiện nguyện 2K tuy mới đi vào hoạt động gần 10 ngày qua, nhưng đã trở thành điểm đến được nhiều người biết đến.

Duy trì lâu dài

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh (75 tuổi, ở thôn 2, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) đang chăm vợ điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết: “Cứ đúng 11h trưa, tôi ra bếp ăn “2K” để ăn cơm. Ở đây không gian rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, đồ ăn đủ các loại, cơm trắng lấy bao nhiêu tùy ý, ăn xong còn có trái cây để tráng miệng. Thực sự mà nói, từ ngày bếp ăn hoạt động hỗ trợ được cho rất nhiều hoàn cảnh khó khăn”.

Bà Hồ Thị Quy (thôn Thanh Giáo, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Tôi là mẹ đơn thân nuôi con khuyết tật, kinh tế rất khó khăn. Vừa qua, con tôi bị tai nạn ngã xe nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nên càng khó khăn hơn. Biết đến bếp ăn thiện nguyện này nên các buổi trưa tôi đến đây để ăn cơm và mang một phần về cho con. Nhờ có những phần cơm hỗ trợ từ bếp mà tôi đỡ một phần chi phí ăn uống và có thêm tiền cho con điều trị bệnh. Tôi cảm ơn mọi người đã chia sẻ và hỗ trợ các phần ăn ý nghĩa, thiết thực này”.

Bếp ăn thiện nguyện có nhiều món tùy theo khẩu vị của mỗi người lựa chọn.

Bếp ăn thiện nguyện có nhiều món tùy theo khẩu vị của mỗi người lựa chọn.

Chăm sóc ba bị bệnh tim nằm viện điều trị, anh Yung (ngụ làng Kđung, xã Hra, huyện Mang Yang) cũng thường xuyên đến ăn cơm tại đây.

“Gia đình tôi là hộ nghèo nên khi ba tôi đau nhập viện điều trị thì gia đình vô cùng lo lắng. Thứ nhất lo vì tiền thuốc men điều trị, hai là tiền ăn ở cho người đi theo chăm sóc. May mắn những ngày gần đây, bếp ăn thiện nguyện này đi vào hoạt động tôi đã có những phần cơm ngon, đầy đủ dinh dưỡng và yên tâm hơn khi tiết kiệm được một phần kinh phí để lo cho ba. Tôi cảm ơn mọi người đã tổ chức nấu và chia sẻ những phần cơm thiện nguyện đến người nghèo, khó khăn”, anh nói.

Bếp ăn "2K" giúp đỡ được rất nhiều bệnh nhân nghèo.

Bếp ăn "2K" giúp đỡ được rất nhiều bệnh nhân nghèo.

Theo chị Nguyễn Thị Huy, trong khả năng của mình, chị sẽ cố gắng duy trì bếp ăn ổn định lâu dài.

Hiện nay, bếp chỉ có thể nấu từ 250 đến 300 suất/buổi, trong khi đó số lượng bệnh nhân nghèo và người khó khăn còn rất nhiều.

“Rất nhiều buổi mọi người đến ăn nhưng bếp hết cơm, chúng tôi chỉ có thể phát mì tôm cho họ ăn tạm. Dù muốn nấu nhiều hơn nhưng khả năng ban đầu của tôi chỉ có thể làm được bao nhiêu đó. Tôi mong muốn có sự chung tay hỗ trợ hiện vật như gạo, mắm, muối, gia vị hoặc kinh phí của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm để có thể tăng thêm suất ăn giúp cho nhiều người hơn. Tôi cũng mong các bạn tình nguyện viên biết và đến phụ giúp trong các buổi nấu ăn”, chị Huy nói.

Chị Nguyễn Thị Dung (một người dân ở phường Ia Kring, thành phố Pleiku) cho biết: “Mình có cái gì thì giúp cái đó, chia sẻ với người ta. Tôi ủng hộ cho bếp ăn 1 can dầu 5 lít, 2kg bột nêm và 2kg bột ngọt. Mỗi người chung tay chia sẻ thì những bệnh nhân ở xa, người nhà chăm bệnh nhân cũng đỡ được phần nào”.

Ông Đỗ Trung Hùng, Chủ tịch UBND phường Phù Đổng cho biết: “Chúng tôi cũng đã có tiếp cận, hướng dẫn cơ sở cần sạch sẽ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nhập thực phẩm sạch, tươi, còn hạn sử dụng. Đầu bếp cần đăng ký tập huấn để có chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều gia đình ở đây còn rất khó khăn. Nhiều cá nhân, cộng đồng thiện nguyện chung tay giúp đỡ cho bệnh nhân là điều rất tốt, rất đáng trân quý”.

Hồ Hải Nam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/am-long-bua-com-2k-giua-long-pho-nui-a663868.html