Ấm áp những đêm nhạc vì bệnh nhân nghèo

Không chỉ thực hiện công tác chuyên môn cứu sống người bệnh, những bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế còn đồng hành cùng nhau, tổ chức những đêm nhạc Blouse trắng gây quỹ để giúp người bệnh vượt khó.

Hành trình đến với "Dĩa cơm trên tường"

Tôi vô tình biết có một chương trình thiện nguyện mang tên "Dĩa cơm trên tường" do chính những người đang công tác trong ngành Y tế tổ chức. Ngay khi nghe tên chương trình, tôi đã tò mò và ngạc nhiên không hiểu vì sao lại có dĩa cơm treo trên tường. Sự tò mò khiến tôi lần tìm hiểu và câu chuyện về Dĩa cơm trên tường quả thực mang ý nghĩa nhân văn, ấm áp, vượt xa cả sự tò mò, phỏng đoán của mình.

Đạo diễn Khoa Nam – người đồng hành cùng chương trình từ những ngày đầu kể: "Mọi thứ đến rất tự nhiên, đều bắt đầu từ một ý tưởng gây quỹ nhằm hỗ trợ bệnh nhân nghèo đang điều trị nội trú tại các bệnh viện suất ăn miễn phí. Từ ý tưởng này, nhóm các y bác sĩ, cán bộ ngành Y bàn bạc cho phương án gây quỹ sao cho văn minh, phù hợp với khả năng của mình.

Những đêm nhạc blouse trắng do các bác sĩ, nhân viên y tế, doanh nghiệp chung tay thực hiện.

Những đêm nhạc blouse trắng do các bác sĩ, nhân viên y tế, doanh nghiệp chung tay thực hiện.

Thời điểm đó, BSCK2. Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh có kể về cách làm từ thiện của người dân thị trấn lân cận vùng Venice (Ý). Theo câu chuyện của BS. Hiển, ở quán cà phê này, người ta muốn chia sẻ cho nhau từng ly cà phê theo cách vô cùng đặc biệt. Người vào quán đi 2 hay 3 người, tùy nhóm nhưng nếu muốn từ thiện họ sẽ gọi riêng 1 ly cà phê trên tường (ly dành cho người khó khăn nhưng muốn được uống cà phê). Cách order (đặt hàng) này hàm ý, ngoài những ly cà phê chúng tôi uống, sẽ có 1 ly không phục vụ nhưng vẫn thanh toán bởi ly này sẽ dành cho ai đó khi ghé quán nhưng không có điều kiện thanh toán.

Và sau khi vị khách rời khỏi quán, người phục vụ sẽ lấy một mảnh giấy nhỏ ghi vào đó "01 ly cà phê" rồi dán mảnh giấy lên tường quán. Cứ như thế, những khách nào vào quán mà gọi thêm ly cà phê trên tường thì nhân viên phục vụ sẽ thu tiền dư 1 ly rồi tiếp tục dán mảnh giấy số ly đó lên bức tường kia.

BS. Hiển kể, vì tò mò với cách làm của họ nên ông thường lui lại quán xem người "khó khăn" sẽ đón nhận từ thiện này như thế nào. Quả nhiên, khi có dịp trở lại quán, BS. Hiển bắt gặp một người đàn ông ăn mặc rất giản dị bước vào. Anh ta ngồi xuống ghế, nhìn lên tường và nói: "Cho một ly cà phê trên tường". Người phục vụ mang cà phê đến cho anh với sự tôn trọng như bao người khách khác. Vị khách này uống xong ly cà phê và rời quán. Người phục vụ sau đó tháo từng giấy trên tường xuống, bỏ đi.

Nhân viên y tế hướng dẫn người bệnh cách sử dụng phiếu ăn.

Nhân viên y tế hướng dẫn người bệnh cách sử dụng phiếu ăn.

Quả là rất đặc biệt, sự tôn trọng của cư dân vùng thị trấn nhỏ dành cho người nghèo rất tinh tế, văn minh, ý nghĩa, bởi người nhận ly cà phê cũng không cần cảm ơn người cho vì thông điệp gửi đến nằm trong tờ giấy nhỏ dán trên tường với dòng chữ "01 ly cà phê". Cả việc cho và nhận đều diễn ra vô cùng nhẹ nhàng, lịch thiệp, họ đều không biết nhau và cũng không cần phải biết.

Từ câu chuyện đó, ý tưởng làm thiện nguyện giúp bệnh nhân theo phong cách Ý của nhóm các bác sĩ, cán bộ đang công tác trong ngành Y tế (nhóm Áo trắng) và một số doanh nhân, những người làm việc ngoài ngành Y được nhen nhóm. Để thực hiện nó, họ cùng nhau chọn tên chương trình gây quỹ là Dĩa cơm trên tường.

Hát vì yêu thương

Nơi đầu tiên chọn để khai phá cho quỹ thiện nguyện không đâu khác chính là TP. Hồ Chí Minh. Lúc đó, nhóm khởi xướng chỉ có vài người gồm TS.BS. Võ Xuân Sơn - Chủ tịch HĐTV Phòng khám Quốc tế EXSON, BSCK2. Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh viện tâm thần TP. Hồ Chí Minh, BS. Tường Vũ - Bệnh viện Chợ Rẫy. Về sau, chương trình đã lan tỏa và truyền cảm hứng tới những đồng nghiệp ở Đắk Lắk như BS. Phạm Hòa Anh - Bệnh viện Thiện Hạnh Đắc Lắk, BS. Nguyễn Hoài Khôi, BS. Ngô Văn Cường... rồi TP. Đà Nẵng, Thanh Hóa... rất ý nghĩa và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của những người công tác trong và ngoài ngành Y.

Cán bộ Phòng Công tác xã hội của bệnh viện phát phiếu suất ăn miễn phí cho người bệnh.

Cán bộ Phòng Công tác xã hội của bệnh viện phát phiếu suất ăn miễn phí cho người bệnh.

Hằng tuần, tại một quán cà phê (được chủ quán hỗ trợ địa điểm) hay sân khấu KASA (đường Đồng Nai, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh), đêm nhạc gây quỹ Dĩa cơm trên tường lại sáng đèn trong bầu không khí hướng về bệnh nhân nghèo. Thời gian đó, 20 đêm nhạc gây quỹ Dĩa cơm trên tường được lấy tên đêm nhạc Blouse trắng, song kể từ đêm nhạc thứ 21 cho tới nay, chương trình lấy tên Dĩa cơm trên tường để gắn với tên quỹ thiện nguyện.

"Đáng nhớ nhất, đêm nhạc lần thứ 34 được tổ chức tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Số tiền thu được lần ấy được dùng để cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lụt. Chương trình Dĩa cơm trên tường đã đến Quảng Ngãi, cùng với một số bác sĩ tại địa phương, tới một số xã ở Nghĩa Hành và Bình Sơn để khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân ở đây. Rồi tới lần tổ chức đêm nhạc tại SIHUB (đối diện Dinh Độc lập) hay sân khấu Bích Câu, Nhà Văn hóa Lao động và và lần tổ chức tại Nhà hát Lớn TP.HCM ngày 31/3/2019 khi kỷ niệm 4 năm Dĩa cơm trên tường hoạt động", người phụ trách truyền thông chương trình Dĩa cơm trên tường chia sẻ.

Khách tham dự các đêm nhạc sẽ được miễn phí hoàn toàn. Người tới tham quan, nếu muốn ủng hộ sẽ bỏ tiền của mình vào phong bì ghi tên người ủng hộ, thả vào thùng quyên góp trong quán. Sau mỗi đêm diễn, Ban tổ chức sẽ thống kê chi tiết tên người ủng hộ, số tiền trong mỗi phong bì, công bố trên các trang tin tức mạng xã hội của chương trình. Để người bệnh có thể tiếp nhận được suất ăn miễn phí này, Ban điều hành Quỹ sẽ ký hợp đồng với các cơ sở quán ăn gần bệnh viện hay căng tin bệnh viện để chi trả suất ăn miễn phí cho người bệnh. Cụ thể, Ban điều hành chương trình sẽ thông qua nhóm công tác xã hội (CTXH) của Bệnh viện, in phiếu ăn giao cho đội CTXH để đội đi phát cho bệnh nhân khó khăn trong Bệnh viện. Để làm tốt điều này, đội CTXH sẽ phải nắm rất chính xác tại các khoa nào có bệnh nhân mới vào hay xuất viện, khoa nào có bệnh nhân cần hỗ trợ bữa ăn thì mới phát phiếu cho bệnh nhân đó. Sau khi cầm phiếu được phát, bệnh nhân mang tới căng tin hay cơ sở quán ăn mà Quỹ đã ký hợp đồng để được nhận suất ăn. Cuối tháng, cơ sở quán ăn này và căng tin sẽ gom phiếu lại báo cáo cho Ban điều hành Quỹ làm thanh toán qua tài khoản.

Người bệnh nhận suất ăn miễn phí.

Người bệnh nhận suất ăn miễn phí.

Theo đạo diễn Khoa Nam, thi thoảng Ban điều hành cũng đi kiểm tra thực tế xem người bệnh có cầm phiếu đi ăn không hay đem đi bán, thậm chí mang phiếu tới quán ăn, căng-tin kiểm tra họ có phân biệt đối xử vui vẻ, tôn trọng người bệnh mang phiếu tới, có bán đúng đủ phần ăn cho bệnh nhân không...

Ngoài sự góp sức tích cực từ những bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ công tác trong ngành Y, kể từ khi thành lập đến nay, những đêm nhạc Blouser trắng - Hát vì bệnh nhân nghèo còn nhận được sự tham gia, đồng hành từ các nhà hảo tâm, giới văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Bảo Chấn, nhà báo Vũ Mạnh Cường, danh ca Họa My, Đức Huy, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc, ca sĩ Đông Hùng, Tuấn Hiệp, Nguyễn Duyên Quỳnh, Nguyễn Đông - Hoàng Trang... và một số doanh nhân. Tính đến nay, đêm nhạc Dĩa cơm trên tường đã thực hiện được 102 đêm nhạc bởi những trái tim và tình yêu của những người khoác áo blouse trắng.

"Rồi cứ thế, mỗi khi đêm nhạc Blouse trắng sáng đèn là ở đó lại có thêm những dĩa cơm dành cho bệnh nhân nghèo. Với chúng tôi, mỗi một khán giả đến với đêm nhạc là một niềm vui, sự đồng cảm và yêu thương. Khán giả như những liều vitamin quý giá tiếp thêm sức mạnh, tạo động lực cho những người làm chương trình Dĩa cơm trên tường đi tiếp chặng đường thiện nguyện ý nghĩa này", đạo diễn Khoa Nam chia sẻ.

Nhắc về kỷ niệm trong hành trình hát vì bệnh nhân nghèo của mình, BS. Nguyễn Đức Khải - Phòng khám thẩm mỹ White nhớ lại: "Lần đó, khi tổ chức đêm nhạc đầu tiên tại một quán cà phê Some where ở TP. Hồ Chí Minh (chủ quán tốt bụng cho mượn mặt bằng tổ chức) và gần kết thúc, tôi có việc phải về trước. Vừa ra tới cửa quán cà phê, tôi bắt gặp một chị bán vé số đang tiến lại gần mình. Lúc đó, tôi nghĩ chị sẽ mời mình mua vé số nhưng thật ngạc nhiên, chị nhẹ nhàng hỏi: "Tôi muốn góp vài dĩa cơm cho chương trình thì làm thế nào?". Thực sự không dám tin lúc đó nhưng tôi trấn tĩnh ngay và hướng dẫn chị vào bên trong, bỏ tiền trong bao thư, thả vào thùng quyên góp mà Ban tổ chức đặt bên trong quán đó. Nói xong, tôi vội đi ngay và không thể ở lại lâu hơn.

Từ hành động của người bán vé số, Ban điều hành cảm nhận được ý nghĩa của các đêm nhạc và quỹ từ thiện đã lan tỏa tới rất nhiều người, rất nhiều đối tượng cùng quyên góp ủng hộ người bệnh gặp khó khăn. Đó là những hành động rất nhân văn và ý nghĩa.

Quỹ thiện nguyện Dĩa cơm trên tường được lập với mục đích hỗ trợ miễn phí những suất ăn cho những bệnh nhân nghèo đang điều trị nội trú tại các bệnh viện.

Hiện, Quỹ Dĩa cơm trên tường đã được thành lập tại các tỉnh Đắk Lắk, Đà Nẵng, Thanh Hóa... và tổng số suất ăn đã được hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân nghèo hơn 1 triệu suất ăn. Chỉ riêng tại Đắk Lắk đã có hơn 600.000 suất ăn đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho bệnh nhân cần nó và đã được triển khai hỗ trợ liên tục tại các bệnh viện trong khu vực trong suốt 6 năm thành lập.

Nam Nguyễn - Minh Lý

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/am-ap-nhung-dem-nhac-vi-benh-nhan-ngheo-169230117170949342.htm