Ai thực sự kiểm soát AI?

Nếu không được quản lý chặt chẽ, Microsoft, Amazon và nhiều ông lớn công nghệ sẽ hoàn toàn nắm quyền kiểm soát trí tuệ nhân tạo (AI).

Khi sóng gió ập đến OpenAI vào cuối tháng 11, ngành công nghiệp AI tạo sinh (Generative AI) vẫn được xem là hệ sinh thái cạnh tranh. Tuy nhiên nếu nhìn nhận sâu hơn, sự thật lại không như vậy.

Trong bối cảnh mô hình xây dựng AI ngày càng lớn và phức tạp, sẽ không thể có AI nếu thiếu các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech). Hầu hết startup, công ty hoặc phòng nghiên cứu AI vẫn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của Microsoft, Amazon, Google... để đào tạo hệ thống và mở rộng thị trường.

Quyền lực xoay quanh nhóm Big Tech

Theo MIT Technology Review, nhiều startup trong ngành chỉ đơn giản nhận cấp phép. thay đổi thương hiệu từ mô hình AI của Big Tech hoặc đối tác. Kết quả này đến từ việc Microsoft hay Amazon đã tích lũy đủ kinh nghiệm, lợi thế thị trường trong những năm qua.

Nhờ vị thế lớn cùng mô hình kinh doanh vững chắc, nhóm Big Tech sở hữu và kiểm soát các thành phần cần thiết để xây dựng, triển khai AI trên quy mô lớn. Các tập đoàn này có tiếng nói trong việc xác định hướng đi xoay quanh lĩnh vực.

Việc Sam Altman bị đuổi khỏi vị trí CEO OpenAI dấy lên nhiều tin đồn về quyền lực của Microsoft. Đó cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Nếu không có sự can thiệp đủ lớn, việc dựa vào Big Tech để xây dựng cơ sở hạ tầng AI có thể gia tăng tính tập trung quyền lực, nảy sinh nhiều rủi ro. Scandal liên quan đến Facebook và Cambridge Analytica năm 2018 là một trong nhiều bê bối phơi bày thực tế này.

Satya Nadella, CEO Microsoft, phát biểu về quan hệ hợp tác với OpenAI tại sự kiện Inspire 2023 diễn ra hồi tháng 7. Ảnh: Microsoft.

Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cảnh báo việc hệ sinh thái AI chỉ xoay quanh một số mô hình sẽ gây rủi ro hệ thống với trật tự tài chính, một vấn đề xảy ra cũng đủ tạo tác động lớn. Vấn đề khác đến từ áp lực của nhà đầu tư, những người muốn kiếm lợi nhuận và đẩy giá cổ phiếu.

Ý định "thâu tóm" nhân tài nhằm củng cố quyền kiểm soát của Microsoft được thể hiện rõ, sau khi công ty ngỏ ý mời Altman về làm việc, đồng thời sẵn sàng tuyển dụng những nhân viên khác. Khi Altman trở về OpenAI, Microsoft có một ghế trong hội đồng quản trị công ty dù không có quyền bỏ phiếu.

Yếu tố quan trọng để một công ty kiểm soát AI là sự kết hợp sức mạnh tính toán, dữ liệu với khả năng tiếp cận thị trường. Để có được tệp khách hàng lớn, OpenAI đã cấp phép độc quyền GPT-4 và những mô hình khác cho Microsoft, đổi lấy quyền truy cập cơ sở hạ tầng máy chủ của công ty này.

Không có nhiều lựa chọn

Không chỉ OpenAI, các công ty hay phòng thí nghiệm AI có ít lựa chọn về hạ tầng vận hành ngoài Microsoft, Google hay Amazon. Tất nhiên, những người như Altman hiểu rõ tình trạng này.

Trước khi bị sa thải, Altman được cho đã đến Trung Đông để tìm kiếm nguồn đầu tư cho Rain AI - liên doanh phần cứng với hy vọng cạnh tranh với NVIDIA, công ty gần như độc quyền trên thị trường chip đào tạo AI.

Ngay cả các dự án "AI nguồn mở" cũng vận hành theo mô hình chia sẻ doanh thu, hoặc hợp tác với Big Tech về cơ sở hạ tầng. AI nguồn mở có thể đảm bảo tính minh bạch, khả năng mở rộng nhưng không giải quyết vấn đề tập trung quyền lực.

Các module và superchip Grace của NVIDIA tối ưu cho huấn luyện AI và những tác vụ tính toán cao cấp. Ảnh: Bloomberg.

Câu chuyện giữa OpenAI và Microsoft cho thấy thực tế rằng chưa có mô hình kinh doanh cụ thể dựa trên các mô hình AI, trừ việc tăng lợi nhuận từ dịch vụ đám mây cho nhóm Big Tech thông qua các hợp đồng hàng trăm triệu USD.

Yếu tố ảnh hưởng khác đến từ quan điểm của chính phủ các nước. Ví dụ, Microsoft đã công bố khoảng đầu tư 2,5 tỷ bảng tại Anh để xây dựng cơ sở hạ tầng đám mây sau khi Thủ tướng Rishi Sunak công bố thành lập Viện AI đầu tiên trên thế giới.

Cần nhớ rằng vào đầu tháng 10, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) đã mở cuộc điều tra Microsoft, Amazon sau khi có nghiên cứu chỉ ra 2 công ty này nhiều khả năng độc quyền thị trường điện toán đám mây tại Anh.

Bằng cách sử dụng quyền lực kinh tế và chính trị, nhóm Big Tech có những động thái nhằm thuyết phục chính phủ các nước không quản lý nghiêm ngặt AI, đặc biệt trong các khía cạnh liên quan đến dữ liệu đào tạo, trách nhiệm pháp lý về quyền riêng tư và tiêu chuẩn đạo đức.

Để giải quyết vấn đề tập trung quyền lực, cần tách biệt mọi khía cạnh trong hệ thống xây dựng AI, đặc biệt là cơ sở hạ tầng đám mây. Nếu không, AI cũng chỉ là lĩnh vực mang về lợi nhuận cho các "ông lớn", giống Internet và ngành công nghệ nói chung.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-thuc-su-kiem-soat-ai-post1447645.html