AI thay đổi 'cuộc chơi' tìm người đạo văn

Sự bùng nổ của AI, kèm theo những tranh cãi gần đây về vụ đạo văn của cựu hiệu trưởng Harvard, khiến nhiều người đặt câu hỏi 'đâu mới thực sự là đạo văn'.

Sự phát triển của AI khiến mọi người có cái nhìn khác về đạo văn. Ảnh: Unplash.

Đạo văn được cho là một trong những "tội ác" lâu đời nhất của giới học thuật. Tuy nhiên, việc bà Claudine Gay từ chức hiệu trưởng Đại học Harvard sau những cáo buộc đạo văn lại gây ra cuộc tranh luận mới trên mạng.

Cụ thể, sau sự việc này, mọi người bắt đầu đặt câu hỏi về việc khi nào sao chép văn bản mới được cho là hành vi vi phạm và có thể bị trừng phạt. Một số học giả ủng hộ việc các nhà nghiên cứu sao chép văn bản của người khác, miễn là ghi nguồn rõ ràng.

Từ cuộc tranh luận này, tạp chí Nature đưa ra góc nhìn sâu hơn về những vấn đề xoay quanh sự sụp đổ của bà Claudine Gay, cũng như góc nhìn về câu chuyện khái niệm đạo văn đang thay đổi như thế nào trong thời đại AI.

Nhiều người chỉ trích, nhưng cũng nhiều người bênh vực bà Claudine Gay trong vụ đạo văn. Ảnh: Reuters.

Bà Claudine Gay có đạo văn hay không?

Đối với nhiều người, việc tất cả nhà nghiên cứu phải tự soạn câu hỏi vẫn là một nguyên tắc bất di bất dịch. Tuy nhiên, quan điểm này bắt đầu bị bác bỏ trong bối cảnh khả năng truy cập thông tin về cơ bản là vô hạn và các thuật toán AI ngày càng phức tạp, có thể "tái tạo" ngôn ngữ với độ chính xác đáng ngạc nhiên.

Bàn về vấn đề này, nhà tin sinh học Lior Pachter tại Viện Công nghệ California (Mỹ) cho rằng quan điểm "không bao giờ được sao chép lời của người khác" đã trở nên lỗi thời. Theo ông, hiện tại giới học thuật có những vấn đề lớn hơn, trong đó có việc tạo dữ liệu.

Sau phát ngôn vạ miệng trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, bà Claudine Gay ngay lập tức bị tố cáo đạo văn hàng chục lần, luận án tiến sĩ năm 1997 cũng bị cho là có dấu hiệu đạo văn.

Chính phủ Mỹ định nghĩa đạo văn là "việc chiếm đoạt ý tưởng, quy trình, kết quả hoặc từ ngữ của người khác mà không ghi nhận xứng đáng". Định nghĩa này được nhiều người công nhận và rất ít ai có thể phản đối.

Một số người nói rằng bà Claudine Gay đã sao chép văn bản của người khác mà không ghi nguồn chính xác. Sau khi bị tố cáo, bà cũng đã sửa lại tác phẩm của mình. Đối với một số người, đây là điều cần thiết để duy trì niềm tin của công chúng vào khoa học.

Tuy nhiên, thời điểm đó, những người ủng hộ bà Gay cho rằng vụ "bóc phốt" này là cuộc tấn công có động cơ chính trị. Những người tố bà Gay đạo văn đã thẳng thừng nêu quan điểm mà không thông qua cuộc điều tra minh bạch và kỹ càng.

AI thay đổi "cuộc chơi"

Các tác phẩm của bà Claudine Gay được kiểm tra bằng phần mềm check đạo văn và những đoạn được cho là đạo có sự trùng khớp với những ấn phẩm số hóa, từ các tạp chí điện tử cho đến Wikipedia.

Bà Lauran Qualkenbush, Chủ tịch Hiệp hội Cán bộ liêm chính trong nghiên cứu, cho biết quyết định về thời điểm sử dụng phần mềm check đạo văn (nếu có) thường tùy thuộc vào các giáo sư, tổ chức và cơ quan, còn cách thực hiện thì khác nhau.

Ví dụ, Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ chạy tất cả tác phẩm thông qua phần mềm check đạo văn. Nhiều tạp chí học thuật, bao gồm Nature, cũng sử dụng phần mềm này để kiểm tra các bản thảo.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phần mềm cũng có giới hạn. Đầu tiên, nó không "tóm" được tất cả trường hợp văn bản trùng khớp.

Thách thức này sẽ tăng lên khi những sản phẩm trí tuệ nhân tạo như ChatGPT ngày càng phát triển. Chatbot này có thể hoán đổi câu chữ và viết lại văn bản một cách mượt mà.

Ngoài ra, phần mềm check đạo văn không thể giải thích các tiêu chuẩn học thuật, cũng như không thể đánh giá liệu một văn bản sao chép có thực sự là đạo văn hay không, hoặc liệu phần đạo văn đó có phải là trọng tâm của bài nghiên cứu hay không.

Các chuyên gia cũng cho rằng một khi AI ngày càng "trưởng thành", khái niệm đạo văn có thể sẽ biến mất. Lý do là "tại sao chúng ta phải đi sao chép văn bản trong khi AI có thể giúp bạn dễ dàng tạo ra văn bản mới".

AI giúp con người viết lại đoạn văn hoàn toàn mới nên khái niệm đạo văn ngày trước nay đã lỗi thời. Ảnh: Shutterstock.

"Chúng ta đều là những kẻ đạo văn"

Cũng bàn về vụ đạo văn của bà Claudine Gay, nhiều người cho rằng những dấu hiệu đạo văn bị cáo buộc thực ra chỉ là thiếu sót nhỏ.

Họ tin rằng bà Gay chỉ đang tóm tắt các tài liệu khoa học phù hợp với các tiêu chuẩn trong lĩnh vực nghiên cứu chứ không liên quan đến đề tài học thuật mà bà đang thực hiện.

Nhà khoa học chính trị Alvin Tillery tại Đại học Northwestern (Mỹ) nói rằng: "Ngày mà cáo buộc đạo văn được tung ra, những người bên lề như chúng tôi đã phản ứng kiểu 'Ồ hóa ra tất cả chúng ta đều là những kẻ đạo văn'".

Những tranh cãi liên quan vụ việc này đặt ra một thách thức mới trong việc đánh giá các cáo buộc đạo văn, đó là định nghĩa về việc mượn các cụm từ một cách vô hại và trộm cắp ý tưởng của người khác có mục đích. Hiện, một số học giả đang kêu gọi xây dựng các quy định mới để xác định đâu mới thực sự là đạo văn.

Bà Lauran Qualkenbush nêu rằng bản thân đạo văn không cấu thành hành vi sai trái trong nghiên cứu.

Bà cho biết Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ có định nghĩa về hành vi sai trái trong nghiên cứu như sau: Để coi hành vi đó là sai trái, chúng ta phải có bằng chứng cho thấy hành vi đạo văn được thực hiện có chủ đích, cố ý hoặc vô tình. Và nó phải thể hiện được sự khác biệt đáng kể so với các thông lệ được chấp nhận.

Tại Mỹ, giới học thuật có một khái niệm được gọi là modular writing (tạm dịch: Viết mô-đun). Khái niệm này nhằm nói về việc các nhà nghiên cứu có thể tự do lấy một số "mẫu văn bản" từ các công trình nghiên cứu của đồng nghiệp để mô tải những tài liệu khoa học quy mô lớn hơn, miễn là trích nguồn đầy đủ. Điều này đặc biệt có lợi cho những nhà nghiên cứu không sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.

Sau vụ bà Claudine Gay bị tố đạo văn, nhà vật lý lý thuyết Sabine Hossenfelder đã đăng bài lên nền tảng X, nói rằng nếu những văn bản ngắn của người khác có tác dụng trong một lĩnh vực nghiên cứu, thì những người nghiên cứu về sau không cần phải diễn đạt lại nội dung đó theo văn phong của mình.

Nhà tin sinh học Lior Pachter cũng nêu quan điểm tương tự. Theo ông, điều mà bà Hossenfelder nói ở trên khá thực tế và phổ biến trong lĩnh vực khoa học máy tính vì các lập trình viên thường xuyên làm việc dựa trên sản phẩm của đồng nghiệp.

"Sẽ thật kỳ lạ nếu mỗi khi ai đó xây dựng phần mềm mà phải bắt đầu lại từ những bước đầu tiên", ông Pachter nói, đồng thời chỉ ra rằng các nhà khoa học được phép sao chép các phần trong bài báo của người khác (tùy theo bản quyền), miễn là có ghi nguồn.

Thái An

Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-thay-doi-cuoc-choi-tim-nguoi-dao-van-post1454519.html