AI sẽ thông minh tới đâu?

AI hiện có thể: mô tả hình ảnh người dùng cung cấp, đặt vé máy bay, đi chợ online hay tóm tắt các các tệp tài liệu PDF.

Để đánh giá năng lực tư duy và xử lý ngôn ngữ của ChatGPT, trong phần I cuốn sách, tôi sẽ thực hiện các cuộc “phỏng vấn” với phần mềm này xoay quanh 4 chủ đề tương đối lớn và bao trùm: (1) học tập, (2) tình yêu, (3) sức khỏe và (4) cuộc sống.

Tôi tin rằng những chủ đề này không chỉ gần gũi và “sát sườn” với người trẻ mà còn là mối quan tâm của rất nhiều đối tượng độc giả khác.

Với mỗi chủ đề, tôi sẽ đặt cho ChatGPT 3 câu hỏi lớn và mỗi câu hỏi sẽ được soạn theo 3 cách khác nhau với độ phức tạp, chi tiết tăng dần. Sau khi ChatGPT đã đưa câu trả lời, tôi sẽ dịch chúng từ tiếng Anh sang tiếng Việt; bên dưới mỗi câu trả lời, tôi cũng sẽ đưa ra những bình luận, đánh giá của mình về nội dung cũng như văn phong mà phần mềm AI đã tạo ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tara Winstead/Pexels.

Màn hỏi đáp trên dĩ nhiên không thể lột tả được toàn bộ năng lực của ChatGPT bởi phần mềm này hiện đã có thể làm được nhiều tác vụ phức tạp khác như: mô tả hình ảnh người dùng cung cấp, đặt vé máy bay, đi chợ online hay tóm tắt các các tệp tài liệu PDF thông qua các phần mềm bổ trợ (plugin).

Vì vậy, cuốn sách này không có tham vọng đưa ra một “phán quyết” cuối cùng về năng lực của phần mềm ChatGPT. Đó sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi, khi mà cứ 1-2 tháng OpenAI lại tung ra một bản cập nhật mơí5. Điều tôi mong làm được thông qua cuốn sách này là chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu lớn của ChatGPT (và những chatbot tương tự - như Google Bard), đồng thời chứng minh cho bạn đọc thấy rằng chất lượng các câu trả lời của ChatGPT sẽ tỉ lệ thuận với độ chi tiết và chính xác của các câu lệnh (prompt), từ đó giúp bạn đọc tự tìm ra cách để khai thác công cụ này một cách tối ưu.

Trong phần II của cuốn sách, chúng ta sẽ lui lại một bước và đánh giá tác động của AI từ góc nhìn bao quát hơn. Cụ thể, tôi sẽ đánh giá tác động của trí tuệ nhân tạo nói chung, chứ không chỉ mình ChatGPT, lên ngành giáo dục, thị trường việc làm, lĩnh vực hoạt động sáng tạo, an ninh quốc gia và cuối cùng là vận mệnh của loài người trong tương lai.

AI sẽ thay đổi cách dạy và học như thế nào? AI sẽ đào thải những công việc gì và định nghĩa lại khái niệm “đi làm” ra sao? AI sẽ thúc đẩy hay giết chết các sản phẩm sáng tạo? AI sẽ đặt ra các thách thức gì đối với an ninh quốc gia? Và hơn hết, con người sẽ phải làm gì để có thể chung sống hòa bình với trí tuệ nhân tạo mà không đánh mất chính mình?

Tôi cũng sẽ chia sẻ một số suy nghĩ và dự báo của mình về những vấn đề này, ít nhất để gợi mở thêm những suy nghĩ mới cho bạn đọc. Suy cho cùng, chỉ bằng cách liên tục suy ngẫm về những câu hỏi này, tranh luận về những vấn đề này, chúng ta mới có thể cùng nhau tìm ra được lời giải đáp chính xác nhất.

•••

Trước khi chúng ta cùng nhau chiêm ngưỡng và đánh giá khả năng tư duy của ChatGPT (cũng như sự vụng về và ngây ngô của nó), có lẽ còn một câu hỏi nữa cần được trả lời: Tại sao lại cần một cuốn sách như thế này vào thời điểm này?

Tôi luôn trăn trở về câu hỏi này bởi tôi vốn không ưa những cuốn sách “thừa”. Những cuốn sách thừa viết về những đề tài đã cũ, với văn phong nhàm chán và gần như không cung cấp được thêm bất kỳ ý tưởng hay góc nhìn mới mẻ nào cho độc giả. Cá nhân tôi cho rằng những cuốn sách đáng xuất bản và đáng đọc nhất luôn là những cuốn sách thức thời. Và sự thức thời của cuốn sách bạn đang cầm trên tay nằm ở chỗ nó cố gắng chỉ rõ cho bạn thấy những gì một trong những công cụ AI tiên tiến bậc nhất hiện nay đã làm tốt và những điểm nó vẫn đang thua kém con người.

Hơn hết, tôi mong cuốn sách này sẽ gióng lên một hồi chuông báo động tới những người lâu nay vẫn lạc quan thái quá rằng trí tuệ con người sẽ luôn vượt xa máy móc, để khiến họ hiểu rằng khoảng cách đó đã bị thu hẹp đáng kể và nhiều khả năng sẽ còn thu hẹp nhiều hơn nữa chỉ trong 5-10 năm tới. AI sẽ thông minh đến mức nào và liệu chúng có mong muốn thống trị loài người hay không, đó vẫn còn là những ẩn số quá lớn.

Thế nhưng việc AI ngày càng xử lý được nhiều tác vụ phức tạp nhanh, chính xác và đồng đều hơn con người là thực tế không thể chối cãi. Vậy nên nghịch lý ở đây là để loài người tiếp tục duy trì vai trò trung tâm của mình trong thế giới mới này, chúng ta cần phải nhanh chóng từ bỏ tư duy “loài người thượng đẳng” cho rằng con người mặc nhiên ưu việt hơn tất cả. Và để làm được điều đó thì bước đầu tiên là hiểu rõ sức mạnh của loại công nghệ này và sau cùng là mức độ rủi ro của canh bạc mang tên AI.

Mục đích của tôi khi viết cuốn sách này không phải là “hù dọa” độc giả hay khiến bạn đọc cảm thấy lo lắng rằng mình sẽ sớm bị thay thế bởi những quân đoàn robot vô tri vô giác. Ngược lại, tôi rất tin rằng con người và máy móc hoàn toàn có thể chung sống với nhau một cách hòa bình. Ít nhất đó là một viễn cảnh khả dĩ, bởi không có logic gì buộc máy móc siêu thông minh và con người phải xung đột với nhau. Trái đất này đủ rộng lớn cho cả hai.

Thậm chí, việc AI đang có những bước “đại nhảy vọt” - giúp máy móc ngày càng làm tốt hơn con người một số phần việc mà trước đây phải tốn nhiều giờ đồng hồ để thực hiện theo cách thủ công - còn giải phóng chúng ta khỏi những công việc nhàm chán và mệt mỏi.

Những ai từng phải dành hàng giờ để tóm tắt văn bản, soạn giáo án hay làm PowerPoint có lẽ sẽ cảm nhận rõ được điều này. Nếu như vậy, AI không những không làm biến chất con người mà còn có tiềm năng trở thành chìa khóa cho phép chúng ta kết nối với bản chất của chính mình.

Tôi tin rằng chúng ta có cơ hội trở thành con người theo cách trọn vẹn nhất khi có máy móc đủ thông minh để thay thế bản thân làm những công việc thuần túy mang tính “bảo trì” trong đời sống thường nhật: từ dọn nhà, rửa bát, cho tới trả lời e-mail. Nói cách khác, trong viễn cảnh lý tưởng, AI không những không biến con người thành máy mà còn giúp cho con người tìm lại được sợi dây kết nối với sự nhân văn, nhân tính bình sinh sâu thẳm trong mỗi chúng ta.

Nhưng điều kiện tiên quyết để viễn cảnh ấy xảy ra là tất cả chúng ta phải nhận thức rõ được tiềm năng gần như vô hạn của AI và chủ động học cách thích ứng. Nếu không làm được điều đó, chúng ta sẽ không thể cưỡi làn sóng công nghệ 4.0 này được. Ngược lại, làn sóng AI sẽ nhấn chìm tất cả chúng ta.

Ngô Di Lân/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-se-thong-minh-toi-dau-post1457313.html