'Ai mạnh thì hơn' trên biển Cà Mau

Cách đây ba năm, một tàu cá trị giá 1,5 tỉ đồng đã bị ba tàu cá khác đâm chìm ngoài biển Cà Mau; vụ việc đến nay chưa được xử lý.

Những hành vi vi phạm pháp luật chưa được xử lý cũng như thực trạng “ai mạnh thì hơn” trên biển Cà Mau đã ăn sâu trong suy nghĩ của ngư dân ở đây khiến vùng biển này ngày càng phức tạp, chưa thể ổn định “một sớm một chiều”.

Vợ chồng chị Dư Cẩm Tú bức xúc kể về vụ việc bị “chìm theo con tàu” vì không có tiền trục vớt xác tàu. Ảnh: TRẦN VŨ

Từ những vụ việc tàu cá bị chìm

Đầu năm 2024, sau vụ việc tàu cá bị tấn công bằng bom xăng lúc nửa đêm, cháy rụi rồi chìm, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã có công văn hỏa tốc, chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc ổn định tình hình trên biển.

Đây là lúc ngư dân kể lại những sự việc đau buồn trên biển Cà Mau. Anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) kể: “Biển Cà Mau phức tạp nhiều năm qua, có những vụ xử nhau kiểu giang hồ trên biển nhưng không bị xử lý. Còn nạn nhân thì khốn khổ kêu cứu khắp nơi, kẻ ác lại nhởn nhơ”.

Sau đó, PV đã gặp chị Dư Cẩm Tú (ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời), một nạn nhân như anh Tuấn, chia sẻ ba năm trước, tàu cá gia đình chị bị ba tàu cá cùng nhau đụng chìm trên biển, chồng chị tố giác đến công an, rồi truy bắt được người tấn công, họ thừa nhận như tố giác nhưng công an huyện đã không xử lý vì lý do gia đình chị không có tiền để thuê người trục vớt xác tàu làm tang vật; gia đình chị đã “gõ cửa khắp nơi” nhưng đều vô vọng. Vụ việc đó khiến nhà chị bị thiệt hại 1,5 tỉ đồng nên phải bán nhà trả nợ, giờ ở nhờ người thân.

Một ngư dân chia sẻ mấy năm gần đây, người ta sắm nhiều cu mồi, là những phương tiện chỉ để chống trộm cắp trên biển hoặc là để đi trộm cắp.

Chị Tú cho biết tàu cá CM 91986 TS bị ba tàu cá mang biển tỉnh Cà Mau đụng chìm vào ngày 22-8-2019. Đến ngày 13-1-2020, Công an huyện Trần Văn Thời ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết tin báo tội phạm. Chị Tú đã khiếu nại hai cấp và bị bác đơn với lý do chưa trục vớt được con tàu tang vật, trong khi thời hạn giải quyết tin báo tội phạm đã hết nên tạm đình chỉ là đúng quy định.

Theo chị Tú, ngày 19-10-2019, công an huyện yêu cầu ba tàu cá đã tấn công và gia đình chị Tú thương lượng chi phí trục vớt con tàu. Phía các chủ tàu cá đã đụng tàu chị Tú đồng ý chịu 50% chi phí trục vớt nhưng gia đình không chấp nhận vì không có tiền bởi số tiền trục vớt ước tính vài trăm triệu đồng.

Còn một câu chuyện đau đớn mà mỗi lần nhắc đến là chị Lư Thị Kiên (ngụ xã Khánh Hội, huyện U Minh) cứ ứa nước mắt: “Ngày 20-10-2020, nhà tôi bị mất 6.500 vỏ ốc mực (vỏ ốc để mực chui vào, ngư dân kéo lên bắt) khi đang đánh bắt trên biển, ước tính lúc đó khoảng 250 triệu đồng. Sau đó vài ngày, tôi phát hiện vỏ ốc của tôi ở trong các bao tải nhà ông Th, một người mua bán vỏ ốc ở địa phương. Tôi đã tố giác và theo đuổi mấy năm nay vẫn không được. Công an đã khởi tố vụ án nhưng đã tạm đình chỉ và vẫn chưa mở lại điều tra”.

Một chiếc “cu mồi” không biển số đang chặn đầu một tàu cá vì tranh giành ngư trường vào giữa tháng 12-2023. Ảnh: TRẦN VŨ

Đến những “cu mồi” thị uy sức mạnh

“Trên biển Cà Mau, ai mạnh thì hơn”, đó là đúc kết của nhiều ngư dân hiểu biết vùng biển này. Anh Nguyễn Phi Trường (ngư dân cửa biển Khánh Hội) kể: “Mấy năm gần đây, người ta sắm “cu mồi” nhiều lắm. Đó là những phương tiện sắm ra chỉ để chống trộm cắp trên biển hoặc là để đi trộm cắp. Hàng trăm năm đánh bắt cá, ngư dân Cà Mau không cần đến “cu mồi””.

Dọc theo các cửa biển Khánh Hội, cửa Đá Bạc, cửa Sông Đốc, có nhiều “cu mồi”, là một phương tiện kiểu như đò dọc nhưng đặt máy trong với công suất cực lớn, trong đó nhiều chiếc không có biển số.

““Cu mồi” là gọi theo thuyết gác cu. Người gác cu phải có chim cu mồi để bẫy những con khác. Tàu nào có được “cu mồi” thì các nhóm trộm cắp sẽ không dám manh động, bởi sẽ bị truy đuổi khó thoát” - bà Huỳnh Thị Phượng (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) lý giải.

Bà Phượng có chục chiếc tàu cá do các con của bà điều hành. Để bảo vệ đoàn tàu, bà đã sắm một cu mồi gần cả tỉ đồng. “Tác dụng chủ yếu của nó là để không bị người ta trộm cắp và tấn công” - bà Phượng nói.

Từ suy nghĩ “ai mạnh thì hơn”, những vụ việc tự giải quyết mâu thuẫn do tranh chấp ngư trường bằng bạo lực ngày càng nhiều và manh động hơn. Điển hình là ngày 2-1, một tàu cá của ngư dân đã bị phóng hỏa, cháy chìm trên vùng biển xã Khánh Hội. Ngày 9-1, theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Cà Mau gửi đến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT, trong vòng chưa đầy ba tháng, từ ngày 8-11-2023 đến ngày báo cáo, có 13 vụ việc ngư dân tấn công nhau do tranh chấp ngư trường, bao gồm các hành động dùng tàu cá đụng nhau, bắn bằng súng tự chế, bắn thun đạn bi sắt, bom xăng, gậy gộc…

“Ngư dân vô cùng lo lắng, hoang mang trước nạn “ai mạnh thì hơn” trên biển Cà Mau. Pháp luật cần khẩn trương giải quyết vấn nạn này. Đặc biệt là phải xử nghiêm vi phạm” - chị Dư Cẩm Tú, một nạn nhân từng bị đụng chìm tàu, bức xúc nói.•

UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo “nóng” ổn định tình hình trên biển

UBND tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, công an, Sở NN&PTNT, UBND các huyện ven biển khẩn trương vào cuộc ổn định tình hình an ninh trật tự trên biển.

Hai việc cấp bách phải làm ngay là điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo pháp luật quy định những vi phạm đã qua, tăng cường tuần tra, kiểm soát, nắm chặt tình hình để ngăn chặn triệt để tội phạm, các hành vi vi phạm do tranh chấp ngư trường trên biển Cà Mau.

TRẦN VŨ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ai-manh-thi-hon-tren-bien-ca-mau-post773909.html