Ai là người Việt Nam đầu tiên đến Mỹ?

Ông được xem là người Việt đầu tiên đặt chân tới Mỹ vào năm 1873.

1. Ông là ai?

Nguyễn Trường Tộ
Nguyễn Tư Giản
Bùi Viện
Phan Thanh Giản

Chính xác

Bùi Viện (1839-1878) là một vị quan thời nhà Nguyễn. Ông từng đỗ tú tài năm 1864 và đổ cử nhân năm 1868, tuy nhiên không đỗ tiến sĩ.

Theo tác phẩm “Bùi Viện và cuộc duy tân dưới triều Tự Đức thế kỷ XIX”, Bùi Viện từng tuân lệnh vua ra nước ngoài để học hỏi. Ông tới Trung Quốc, Nhật Bản sau đó tới Mỹ vào năm 1873.

Một số tài liệu cho rằng ông đã gặp Tổng thống Mỹ Ulysse Simpson Grant và đề nghị Mỹ hợp tác chống lại thực dân Pháp. Tuy nhiên, các nguồn sử liệu của Mỹ không ghi chép về cuộc gặp gỡ này.

Ngày Bùi Viện trở về nước cũng là ngày mẹ ông qua đời. Ông quay lại Huế trình báo đồng thời chịu tang mẹ. Vua Tự Đức từng đánh giá chuyến đi của Bùi Viện như sau: “Trẫm đối với ngươi chưa có ân nghĩa gì mà ngươi đã coi việc nước như việc nhà, không quản đường xá xa xôi, quỷ thần ắt cũng chứng cho”.

2. Vị quan này nổi tiếng với việc cải cách lực lượng nào trong quân đội?

Pháo binh
Hải quân
Bộ binh dùng súng
Kỵ binh

Chính xác

Tháng 8/1876, vua Tự Đức giao cho Bùi Viện tổ chức Nha Tuần hải và giữ chức Chánh quản đốc Nha Tuần hải.

Thời điểm đó, ông được xem như một nhà cải cách giúp thay đổi bộ mặt thủy quân nhà Nguyễn. Ông góp công lớn trong việc xây dựng cảng Hải Phòng, đồng thời lập đội Tuần dương quân gồm 200 chiến thuyền và 2.000 thủy quân.

Đến năm 1878, lực lượng hải quân dưới quyền Bùi Viện đã đủ sức đánh dẹp các toán hải tặc vốn hay quấy nhiễu tại biển Đông.

Bùi Viện cũng là cái gai trong mắt thực dân Pháp vì tư tưởng canh tân đất nước. Chúng yêu cầu triều đình nhà Nguyễn phải cách chức ông nhưng không được chấp thuận.

Đến tháng 11/1878, Bùi Viện đột ngột qua đời, hưởng thọ 39 tuổi. Cái chết của ông vẫn còn nhiều điều chưa thể lý giải.

3. Quê của ông thuộc tỉnh nào ngày nay?

Thái Bình
Thanh Hóa
Nghệ An
Đà Nẵng

Chính xác

Bùi Viện sinh ra tại huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), trong gia đình có truyền thống nho học.

Theo tộc phả, họ Bùi của ông nguồn gốc ở Thanh Hóa, di cư tới Thái Bình từ triều nhà Lê. Bùi Viện là đời thứ 8 tính từ khi định cư tại đây.

Bùi Viện làm quan dưới triều vua Tự Đức, nhà Nguyễn. Khi đó, 6 tỉnh Nam kỳ đều đã rơi vào tay thực dân Pháp.

4. Bùi Viện còn có công khai hoang, lấn biển, xây dựng cảng tại tỉnh nào ngày nay?

Nam Định
Hải Phòng
Bình Định
Bà Rịa – Vũng Tàu

Chính xác

Năm 1871, Bùi Viện nhận lệnh ra Bắc giúp Tham tri Bộ Lễ Lê Tuấn đánh dẹp các toán cướp từ phía biên giới Trung Quốc tràn sang. Sau khi hoàn thành công việc, ông lại được Doãn Khuê, Doanh điền sứ Nam Định mời hỗ trợ việc khai hoang, lấn biển, xây dựng cảng tại Ninh Hải (tức Hải Phòng ngày nay).

Dù lập công giúp triều đình, ông lại bị gian thần dèm pha, vu cho tội bòn rút công quỹ, khiến các chi phí xây dựng tăng cao. Sau khi ông qua đời, triều đình còn lập một cơ quan nhằm điều tra tài sản của ông.

Tuy nhiên, kết quả có ghi: “Năm gian nhà của Bùi Viện thềm vách lở vì nắng mưa, cột kèo xiêu vẹo, không có gì gọi là của riêng”.

5. Thành phố nào hiện có phố đi bộ mang tên Bùi Viện?

Hải Phòng
TP.HCM
Đà Nẵng
Cần Thơ

Chính xác

TP.HCM hiện có hai tuyến phố đi bộ là Nguyễn Huệ và Bùi Viện. Phố đi bộ Bùi Viện nằm tại Khu phố Tây Sài Gòn, quận 1, TP.HCM.

Đi vào hoạt động từ năm 2017, con phố này mở từ 19h đến 2h sáng vào thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần. Nơi đây thu hút hàng nhìn lượt du khách đến vui chơi vào mỗi tối, đặc biệt là những tối cuối tuần và dịp lễ.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-viet-dau-tien-den-my-la-ai-2139966.html