Agribank cùng Ngành Ngân hàng triển khai giải pháp cung ứng vốn cho nền kinh tế

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Agribank triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chủ động giảm lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, Agribank triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chủ động giảm lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, rút gọn hồ sơ cấp tín dụng, ban hành nhiều chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên phục vụ cho các động lực tăng trưởng. Dự kiến, đến 31/12/2023, Agribank sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 7,5% theo kế hoạch.

Ngày 27/10/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai Công điện 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 và đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế

Tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023 kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, sản xuất, thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục khó khăn, đứt gãy. Lạm phát duy trì ở mức cao, giá hàng hóa, năng lượng, lương thực thế giới biến động khó lường, tăng đột biến trong một số thời điểm, diễn biến địa chính trị phức tạp. Các NHTW lớn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng và duy trì lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Ở trong nước, mặc dù kinh tế có một số dấu hiệu khởi sắc, nhưng khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% là rất thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm.

Trước bối cảnh trên, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.

Đến nay dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,78% so với cuối năm 2022, trong đó từ tháng 5 trở lại đây đã tăng nhanh hơn; tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.

NHNN là đầu mối tổ chức triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, phối hợp với các bộ ngành để khảo sát khó khăn, vướng mắc, báo cáo Chính phủ trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, dù lãi suất thế giới vẫn neo cao, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, các TCTD cũng giảm lãi suất cho vay.

Theo Thống đốc NHNN, thống kê cho thấy đối với các khoản cho vay mới đã giảm 2,2% so với cuối năm ngoái. Trước những yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho thị trường, NHNN đã chỉ đạo triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản, gói tín dụng cho lĩnh vực thủy sản 15.000 tỷ đồng, từ chính nguồn lực của các ngân hàng.

Đồng thời, NHNN cũng triển khai nhiều chương trình kết nối ngân hàng, doanh nghiệp, chính bản thân chi nhánh NHNN các tỉnh, NHTM cũng tổ chức kết nối, đối thoại với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực, NHNN cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm. Trong thời gian tới, dù nhiệm vụ trước mắt còn rất nhiều, thách thức, không chủ quan với an toàn của hệ thống ngân hàng, tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Thống đốc NHNN cho rằng, việc xác nhận giải pháp hỗ trợ nền kinh tế như thế nào rất quan trọng. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023, trong đó nêu rõ, một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là tăng trưởng tín dụng.

Ngân hàng thương mại tích cực vào cuộc

Phát biểu tại hội nghị, Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, Agribank triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chủ động giảm lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, rút gọn hồ sơ cấp tín dụng, ban hành nhiều chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên phục vụ cho các động lực tăng trưởng.

Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng phát biểu tại hội nghị

Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng phát biểu tại hội nghị

9 tháng đầu năm 2023, doanh số cho vay của Agribank đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng, cao hơn 69 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1,49 triệu tỷ đồng, tăng hơn 51 nghìn tỷ đồng so với 31/12/2022, trong đó tháng 8-9/2023 tín dụng tăng trưởng đều từ 16 - 17 nghìn tỷ đồng, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, các khu vực kinh tế trọng điểm đều có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao.

Agribank chủ động dùng nguồn lực tài chính để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn cho khách hàng. Với 5 lần giảm lãi suất, sàn lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 1,3% - 4%/năm, sàn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm từ 0,3% - 1,5%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường. Cùng với đó, giảm lãi suất trực tiếp đối với 440 nghìn tỷ đồng dư nợ hiện hữu với tổng số tiền lãi đã giảm khoảng 850 tỷ đồng cho 1,7 triệu khách hàng.

Agribank triển khai nghiêm túc, quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Ngay khi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước được ban hành, Agribank đã hướng dẫn thực hiện tổ chức hội nghị triển khai đến toàn bộ chi nhánh, điểm giao dịch trên cả nước. Đến 30/9/2023, Agribank đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khoảng 1.000 khách hàng với hơn 8.750 khoản giải ngân, hơn 1.220 hợp đồng với doanh số cho vay đạt trên 13.300 tỷ đồng, dư nợ trên 4.560 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 77 tỷ đồng. Ngoài ra, theo rà soát của Agribank có hơn 61.000 khách hàng với dư nợ hơn 36.000 tỷ đồng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất.

Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, Agribank đã phê duyệt 04 dự án nhà ở xã hội với tổng mức cấp tín dụng 1.100 tỷ đồng và hiện đang tiếp cận 12 dự án nhà ở xã hội khác với tổng số tiền cấp tín dụng dự kiến khoảng 11.500 tỷ đồng. Chương trình cho vay lĩnh vực lâm, thủy sản, Agribank dành quy mô 3.000 tỷ đồng, đến 30/9/2023, doanh số cho vay đạt gần 2.000 tỷ đồng với hơn 1.350 khách hàng.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, với các chương trình hỗ trợ, ưu đãi lãi suất đã triển khai, bằng nguồn lực của mình, Agribank đã dành gần 1.000 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Mặc dù tích cực triển khai, nhưng trên thực tế phát sinh nhiều yếu tố khiến tăng trưởng tín dụng và kết quả thực hiện các chương trình hỗ trợ lãi suất chưa đạt như kỳ vọng. Các khách hàng doanh nghiệp lớn tại hầu hết các lĩnh vực hạn chế mở rộng quy mô, hoạt động giảm hiệu quả. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều hoạt động cầm chừng do sụt giảm đơn hàng, lượng hàng tồn kho lớn, các ngành sản xuất như nông nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng tín dụng đều tăng trưởng hạn chế. Nhiều khách hàng còn hạn mức tại Agribank nhưng không có nhu cầu nhận nợ, phản ánh tình hình khó khăn chung của nền kinh tế vẫn đang tác động mạnh mẽ đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, người dân.

Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, đối tượng khách hàng tại Agribank chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do thói quen, tập tục sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ do đó tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn đôi khi chưa bài bản, đầy đủ với cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán dẫn đến tâm lý e ngại, từ chối tham gia vào chương trình.
Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33, chưa có nhiều dự án được công bố dẫn đến hạn chế về số lượng dự án có thể tiếp cận; thủ tục triển khai các dự án theo quy định pháp luật thường kéo dài; quy định lợi nhuận tối đa 10% cho Chủ đầu tư; cá nhân mua nhà ở xã hội bị hạn chế chuyển nhượng… là một số vướng mắc dẫn đến việc triển khai đầu tư nhà ở xã hội chưa được nhiều.

Nhất trí với các giải pháp NHNN đưa ra tại Hội nghị, Tổng giám đốc Agribank đề cập, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các Bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; kích thích tổng cầu; đẩy mạnh việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư; đồng thời tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng tốt, các dự án khả thi, đầy đủ pháp lý.

Với vai trò chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong thời gian tới, Agribank tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính Phủ, NHNN triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/agribank-cung-nganh-ngan-hang-trien-khai-giai-phap-cung-ung-von-cho-nen-kinh-te.html