Afghanistan - Mồ chôn các đế chế

Trong hơn 2.600 năm, Afghanistan đã hứng chịu nhiều cuộc xâm lăng từ các thế lực bên ngoài. Tuy nhiên, những quốc gia cố gắng kiểm soát Afghanistan đều gặp khó khăn, thậm chí suy yếu vì vùng đất này.

Các chiến binh Mujahideen ở Herat, Afghanistan, năm 1980.

Các chiến binh Mujahideen ở Herat, Afghanistan, năm 1980.

Từ các đội quân của đế chế Ba Tư thế kỷ VI trước Công nguyên, cho đến lực lượng viễn chinh do Mỹ dẫn đầu, Afghanistan đã trải qua hơn 2.600 năm đối đầu với các thế lực bên ngoài.

Theo các nhà nghiên cứu, Afghanistan rất khó bị chinh phục và kiểm soát do ba nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, Afghanistan là điểm kết nối Iran, Trung Á và Ấn Độ, và nằm ở trung tâm Con đường Tơ lụa.

Do đó, vùng đất này trở thành mục tiêu xâm lược của nhiều thế lực, cũng như có nhiều tộc người với nguồn gốc khác nhau sinh sống. Các tộc người này không chỉ đối địch với các thế lực bên ngoài mà còn đối địch lẫn nhau.

Thứ hai, do nguy cơ bị tấn công bởi các tộc người và các quốc gia khác, hầu hết mọi ngôi làng hay nhà cửa ở Afghanistan đều được xây dựng như các pháo đài.

Thứ ba, địa hình của Afghanistan có nhiều ngọn núi hiểm trở, một số ngọn núi cao và lởm chởm bậc nhất thế giới, khiến cho việc chinh phục và cai trị vùng đất này càng thêm khó khăn, cũng như góp phần làm trầm trọng hơn sự chia rẽ sắc tộc.

Các dãy núi chính bao gồm Hindu Kush, bao phủ phần lớn vùng trung tâm đất nước, chạy dài sang các quốc gia lân cận phía Đông là Pakistan và Tajikistan. Dãy núi Pamir ở phía Đông Bắc là nơi giao nhau của các dãy Hindu Kush, Tian Shan, Kunlun, Karakoram và Himalayas.

“Mồ chôn các đế chế”

Khi nghe đến biệt danh “Mồ chôn các đế chế”, người ta dễ lầm tưởng rằng Afghanistan đã đánh bại rất nhiều đế quốc trong lịch sử. Trên thực tế, Afghanistan từng chịu nhiều thất bại trước các đế quốc, nhưng sự lì lợm của các tộc người bản địa, dựa vào địa thế hiểm trở để chiến đấu lâu dài đã khiến cho các đội quân xâm lược phải chịu tổn thất nặng nề. Kể cả khi một thế lực bên ngoài chiếm đóng phần lớn lãnh thổ, việc áp đặt kiểm soát vẫn hết sức khó khăn.

Trong quá khứ, các đế chế Ba Tư và đế quốc Mughal ở miền Bắc Ấn Độ đã chọn cách cai trị lỏng lẻo vùng đất này thông qua các lãnh chúa địa phương, nhưng khi không hài lòng, họ sẽ lập tức nổi dậy. Cuối cùng các đế chế này đều để mất Afghanistan vào tay các thế lực bản địa.

Đế quốc Mông Cổ khi cố gắng xâm lược Afghanistan trong thế kỷ XIII đã chịu tổn thất hết sức nặng nề trước sự kháng cự quyết liệt của các vương quốc ở Afghanistan. Các chiến binh Mông Cổ hiểu rằng họ có thể thắng trong các trận đánh, nhưng không thể kiểm soát được vùng đất này.

Vậy nên sau khi giành chiến thắng, quân Mông Cổ đốt phá các thành phố và giết tất cả người chống cự, một phần để trả thù cho những tổn thất to lớn, phần khác là để loại bỏ mối lo tiềm tàng về những tộc người bản địa.

Khi cố gắng xâm lược Afghanistan vào thế kỷ XIX, đế quốc Anh đã nhận được nhiều bài học đắt giá. Sau một số thắng lợi ban đầu, người Anh phải đối phó với các cuộc nổi dậy nổ ra khắp nơi.

Người Anh nhận ra việc cố gắng chiếm giữ Afghanistan là hết sức tốn kém, và để các thủ lĩnh có tiếng nói với người bản địa nắm quyền tự trị sẽ hiệu quả hơn việc cố gắng áp đặt kiểm soát vùng đất này.

Năm 1979, khi Hồng quân Liên Xô tấn công các lực lượng nổi dậy để hỗ trợ chính quyền thân Liên Xô, họ đã hy vọng vào một chiến thắng dễ dàng nhờ ưu thế quân sự áp đảo.

Nhưng sau 10 năm gian khổ, Hồng quân vẫn không thể nào đánh bại các thế lực nổi dậy, trong khi nhà nước Liên Xô ngày càng suy yếu. Cuối cùng, Liên Xô đã phải rút hết các lực lượng vào năm 1989.

Những ví dụ này đã góp phần định hình một quan điểm về Afghanistan rằng: Không ai muốn Afghanistan, chỉ là người ta không muốn nó rơi vào tay kẻ khác. Các nhà cai trị trong lịch sử đã đề cập nhiều đến việc quản lý Afghanistan khó khăn tới mức nào, nhưng sau đó vẫn có thêm một quốc gia đi vào vết xe đổ.

Lực lượng chấp pháp giúp đỡ nạn nhân một vụ đánh bom ở Herat, Afghanistan, tháng 4/2021.

Cuộc chiến chống khủng bố

Là siêu cường duy nhất tồn tại sau sự sụp đổ của Liên Xô, với tiềm lực kinh tế - quân sự hùng hậu, và sự ủng hộ của các đồng minh, Mỹ đã đặt chân lên Afghanistan trên danh nghĩa chống khủng bố.

Cuộc chiến ở Afghanistan trở thành cuộc chiến lâu dài nhất tới nay mà Mỹ từng tham gia. Sau 20 năm hiện diện quân sự, Mỹ không thể diệt trừ “khủng bố”, mà còn phải chịu áp lực to lớn từ dư luận vì những hành vi sai trái của họ trên đất nước này.

Cùng với đó, những tổn thất to lớn về kinh tế càng đè nặng lên hàng loạt các vấn đề trong và ngoài nước Mỹ. Trung bình Mỹ phải chi hơn 1 triệu USD mỗi năm cho một người lính ở Afghanistan.

“Mồ chôn các đế chế” hay cho chính người Afghanistan?

Công binh Mỹ dùng bom đánh sập một căn nhà ở Kandahar, Afghanistan.

Khi nhìn nhận về cách đất nước này chống lại các thế lực bên ngoài, chúng ta có thể nhận ra rằng chưa bao giờ người Afghanistan chiến đấu thống nhất. Sự chia rẽ sâu sắc giữa các tộc người, thậm chí giữa các địa phương lân cận, đã dẫn đến mất đoàn kết khi đối đầu với kẻ thù, khi một số người hợp tác với ngoại bang, trong khi số khác lại lãnh đạo các cuộc nổi dậy.

Khi Mohammad Wazir Akbar Khan lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại quân Anh, nhiều kẻ thù của ông lại là những người họ hàng thân Anh. Khi tiến vào Afghanistan, Hồng quân cũng chứng kiến sự chia rẽ xã hội sâu sắc và do đó không thể dập tắt các cuộc nổi dậy.

Trong cuộc chiến đó, một triệu người Afghanistan đã chết, cùng với hàng triệu người phải di cư. Đến lượt Mỹ, câu chuyện vẫn không thay đổi, khi hàng triệu người Afghanistan phải chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến dai dẳng này.

Thực tế, sau khi một cường quốc “thất bại” ở Afghanistan, vùng đất này lại trở thành vùng tranh chấp ảnh hưởng giữa nhiều cường quốc khác. Hệ quả là hàng triệu người Afghanistan bỏ mạng, mất tài sản, và sự bất ổn chia rẽ kéo dài.

Đầu năm 2020, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã chấp nhận ký kết hiệp định hòa bình với Taliban, và dự kiến cuối năm 2021, Mỹ sẽ hoàn thành rút quân khỏi Afghanistan.

Danh sách các cường quốc xâm lược phải rút lui khỏi Afghanistan như vậy sẽ có thêm một nước, và có lẽ sẽ còn kéo dài trong tương lai. Afghanistan vẫn sẽ là “mồ chôn các đế chế”, và nếu không thiết lập được một nhà nước ổn định, có sự ủng hộ, đồng lòng của các sắc tộc, phe phái, thì người Afghanistan vẫn sẽ tự đẩy họ xuống nấm mồ của chính mình.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/afghanistan-mo-chon-cac-de-che-Mbn9e6eGg.html